Xin ông đánh về vai trò quan trọng của phát triển du lịch trong nền kinh tế hiện nay?
Tôi cho rằng, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có vai trò thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia. Tôi đồng ý với các chuyên gia khi đánh giá hệ số lan tỏa lớn của du lịch (từ 1,5-3,5 lần), liên quan tới nhiều ngành như lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, giao thông vận tải, vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao…
Tuy nhiên, tôi cho rằng giá trị lớn nhất của du lịch không chỉ là lan tỏa sang các ngành kinh tế mà còn là giá trị Kinh tế văn hóa, Kinh tế sáng tạo. Chúng ta cần nâng cấp chiến lược Nhân lực và Văn hóa kinh doanh của người Việt trong sự hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đất nước lớn mạnh không phải nhiều tiền mà lớn mạnh còn phải ở góc độ ứng xử văn hóa. Văn hóa rất quan trọng. Chính vì vậy, du lịch rất quan trọng, đặc biệt trong sự phát triển của đất nước khi hội nhập quốc tế.
Nhìn nhận du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhiều ý kiến góp ý Điều 79 Dự Thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất đối với các dự án du lịch quy mô, các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Tôi cho rằng, du lịch rất cần hạ tầng, nhưng hạ tầng cho du lịch ở Việt Nam rất thiếu. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên xem xét một cách kỹ lưỡng làm sao tạo điều kiện cho hạ tầng du lịch có thể phát triển tốt. Một trong những hạ tầng đó là các khu du lịch phức hợp, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí…
Trong làm Luật có rất nhiều nguyên tắc, nhưng tôi nói nguyên tắc Negative Lead và Positive Lead. Thông thường cái gì có vẻ như là được ưu đãi, được ưu tiên thì hay được cho ở phía Positive Lead. Trong Luật Đất đai, ví dụ một loạt các dự án 7-10 dự án được Nhà nước thu hồi đất thì hãy coi thu hồi là bình thường, là tốt, và những dự án không được thu hồi là Negative Lead. Đây là tư duy ngược, cần phải suy nghĩ.
Để tổng kết, tôi nghĩ các nhà làm Luật cần hiểu một nguyên tắc rất cơ bản cũng như quá trình thực thi để Luật phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho phát triển.
Vấn đề quy mô các dự án thuộc diện được Nhà nước thu hồi đất cũng được đặt ra. Nhiều ý kiến góp ý các dự án khu đô thị lớn (quy mô 300 ha trở lên) và các dự án du lịch, vui chơi giải trí quy mô lớn cần được bổ sung vào trường hợp được Nhà nước thu hồi đất tại Điều 79, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông có đồng tình với ý kiến này?
Chúng ta thường hay nghĩ kinh doanh phải chấp nhận thị trường, tại sao Nhà nước lại phải can thiệp? Nhưng ở đây chúng ta đang bàn đến câu chuyện tạo đất, tạo hạ tầng cho phát triển du lịch, phát triển dự án lớn cho du lịch. Nếu doanh nghiệp nào đó làm một khách sạn ở quê thì kệ họ. Nhưng đã liên quan đến phát triển du lịch quy mô lớn để phát triển cả một vùng đất thì cần phải có sự can thiệp, hỗ trợ.
Vấn đề đặt ra, như thế nào là khu du lịch lớn? Tôi nghĩ định nghĩa này không khó ra quy định. Tôi cho rằng, 1 khu đô thị du lịch lớn phải phát triển trên 3 tiêu chí: Thứ nhất là lao động, thứ hai là ngủ nghỉ và thứ 3 là ăn chơi. Nếu 1 dự án chỉ là ngủ nghỉ thì cơ bản thì đấy không phải là khu đô thị, phức hợp du lịch. Đô thị du lịch phức hợp phải có ăn chơi giải trí. Đủ 3 yếu tố đó, khu đô thị phức hợp du lịch sẽ tạo ra hàng vạn hàng chục vạn lao động, rồi hút hàng triệu khách du lịch, hút dòng tiền về… Điều này phù hợp với đường lối phát triển của Đất nước ra
Nhiều địa phương cũng đang hướng tới phát triển mạnh kinh tế, du lịch, đã được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, đột phá, như Khánh Hòa, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hải Phòng… Tuy nhiên Điều 261 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa dù mới có hiệu lực chưa tới 2 năm, thậm chí như Khánh Hòa chỉ mới hơn 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư cũng như làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Nghị quyết thí điểm. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Nghị quyết Quốc hội ban hành có thời gian 5 năm nhưng nếu Dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi) tháng 10 này thông qua thì dừng hết hay sao? Câu chuyện đặt ra là hồi tố hay không hồi tố khi Luật mới ra đời?
Có 1 nguyên tắc mà trước đây chúng ta đã làm nhiều và tôi rất ủng hộ, đó là cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp được chọn, đây là cái quyền. Nếu Luật mới ra đời cải thiện thì tự nhiên doanh nghiệp được theo cái cải thiện này. Nguyên tắc này chúng ta đã làm với Nhật khi làm dự án FDI. Doanh nghiệp được quyền chọn cái tốt nhất, sau khi doanh nghiệp cam kết rồi chỉ có thể làm tốt lên.
Đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi cho rằng về mặt pháp lý sẽ có sự chồng lấn với các Nghị quyết của Quốc hội. Cần có các quy định rõ ràng để các cơ chế đặc thù đang có hiệu lực thì vẫn phải được làm.
Trân trọng cảm ơn ông!