Trung Quốc bá chủ xe điện, chỉ cần 18 tháng làm xe trong khi thương hiệu ngoại mất 5 năm

Vũ Anh | 10:28 23/07/2025

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã trưởng thành, từ những chiến binh giá rẻ trong nước trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu.

Trung Quốc bá chủ xe điện, chỉ cần 18 tháng làm xe trong khi thương hiệu ngoại mất 5 năm

Sáu trong số 10 nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới năm ngoái đều đến từ Trung Quốc. Từ Geely, Li Auto đến Wuling, những người hùng thầm lặng này đang xây dựng nên một đế chế ô tô trải dài từ Brazil đến Thái Lan và sau cùng, là hệ sinh thái sản xuất và dịch vụ toàn diện ở thị trường nước ngoài.
Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã trưởng thành, từ những chiến binh giá rẻ trong nước trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo sẽ là bài kiểm tra khắt khe. Liệu những thương hiệu này liệu có thể duy trì lợi thế về chi phí trong khi vẫn xây dựng lòng trung thành và chất lượng dịch vụ.

“Các công ty xe điện Trung Quốc không chỉ xuất khẩu sản phẩm”, Robert Khachatryan, CEO của Freight Right Global Logistics, chia sẻ với Rest of World . “Họ đang xuất khẩu năng lực”.

BYD dẫn đầu với các mục tiêu mở rộng đầy tham vọng. Vào năm 2025, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi doanh số bán hàng quốc tế lên 800.000 xe từ mức 417.204 xe của năm ngoái. Khởi nghiệp là một nhà sản xuất pin vào năm 1995, hiện BYD đã bán xe tại hơn 80 quốc gia, đầu tư từ tàu chở hàng đến kiểm soát hậu cần xuất khẩu.

Chiến lược của BYD không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển xe từ Trung Quốc. Công ty này sẽ mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Brazil và Hungary trong năm nay, đồng thời thiết lập các kho phụ tùng ở nước ngoài, bao gồm một cơ sở tại Hà Lan với 22.000 linh kiện. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những điểm yếu cố hữu trong dịch vụ hậu mãi vốn đã gây khó khăn cho các thương hiệu Trung Quốc ở nước ngoài. 

Các công ty Trung Quốc khác cũng đang áp dụng chiến lược nội địa hóa tương tự. Các chuyên gia thương mại cho biết Geely, Li Auto, Chery, GAC… đều đang xây dựng dây chuyền sản xuất, mạng lưới đại lý và trung tâm dịch vụ trên nhiều châu lục, tạo việc làm tại địa phương và giúp chính phủ các nước cởi mở hơn với ngành ô tô Trung Quốc.

Lợi thế cạnh tranh thúc đẩy sự mở rộng này xuất phát từ việc cắt giảm chi phí mạnh mẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị, giúp xe Trung Quốc có khả năng cạnh tranh cao về giá. Teymour Bourial, đối tác sáng lập tại ExoPeak Partners, một công ty tư vấn chiến lược phát triển bền vững của Pháp, chia sẻ với Rest of World rằng: “Điều này khiến họ dễ thành công ở những khu vực địa lý mới nổi”.

capture(2).jpg

Theo dữ liệu của ngành, các thương hiệu Trung Quốc thống trị các thị trường đang phát triển vào năm ngoái, chiếm 85% doanh số bán xe điện tại cả Brazil và Thái Lan. Wuling, xếp hạng thứ tư toàn cầu, đặc biệt thành công tại các thị trường Đông Nam Á như Indonesia. 

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện nắm giữ 70% sản lượng xe điện toàn cầu. Tuổi thọ trung bình của xe chỉ 1,6 năm so với 5,4 năm như các thương hiệu nước ngoài. Chu kỳ phát triển sản phẩm được rút ngắn xuống chỉ còn 18 tháng, trong khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây vẫn hoạt động theo khung thời gian truyền thống từ 4-5 năm.

Thành tựu này là kết quả của chiến lược công nghiệp mang tên “Made In China 2025”, theo đó EV và pin được phát triển như ngành mũi nhọn được nhà nước ưu tiên đầu tư mạnh mẽ. Trong khi Mỹ và châu Âu mới chỉ đang dần tăng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng đại lục đã hình thành hoàn hảo, từ khai thác khoáng sản đến sản xuất pin. 

Được biết, Trung Quốc đã phân bổ ngân sách khổng lồ lên tới 231 tỷ USD dành cho EV, khiến gần một nửa xe bán ra năm 2024 là xe điện hoặc hybrid. Chính quyền địa phương cũng áp dụng chính sách riêng, chẳng hạn như ưu đãi cho EV dùng hệ điều hành Huawei HarmonyOS.

Chiến lược hướng ra nước ngoài hiện nay phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Thị trường nội địa Trung Quốc đã trở nên bão hòa với hàng trăm doanh nghiệp cùng tham gia vào cuộc chiến giá cả không bền vững, buộc các công ty phải tìm kiếm tăng trưởng ở nước ngoài. Chi phí vận chuyển tăng cao, quy định khu vực và căng thẳng chính trị khiến các mô hình xuất khẩu truyền thống ngày càng trở nên khó duy trì.

Jie Shi, một luật sư chuyên về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung tại New York, chia sẻ với Rest of World rằng: “Sản xuất nội địa hóa mang lại giải pháp cho cả hai vấn đề và cũng tạo ra việc làm tại địa phương - điều khiến các chính phủ dễ dàng chào đón các thương hiệu Trung Quốc hơn”. 

Tuy nhiên, tốc độ mở rộng nhanh chóng che giấu một nỗi đau đáng kể của ngành công nghiệp trong nước. Kể từ năm 2018, hơn 400 công ty xe điện Trung Quốc đã đóng cửa. ExoPeak dự đoán chỉ 15 trong số 130 nhà sản xuất hiện tại sẽ tồn tại đến năm 2030. Những công ty sống sót đại diện cho những người chơi hiệu quả và sáng tạo nhất.

Zoriy Birenboym, CEO của công ty cho thuê ô tô eAutoLease có trụ sở tại New York, chia sẻ với Rest of World rằng: “Chế tạo một chiếc ô tô tuyệt vời là một chuyện, nhưng nếu bạn không thể bảo dưỡng hoặc cung cấp phụ tùng nhanh chóng, người mua sẽ phải đau đầu đấy”.

“Làn sóng này đang đẩy giá xe điện xuống thấp, gây áp lực to lớn lên cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống lẫn các công ty khởi nghiệp, buộc họ phải nhanh chóng thích ứng hoặc đối mặt với nguy cơ bị đào thải”, Patrick Peterson, chuyên gia ô tô tại công ty dữ liệu lịch sử xe Goodcar, chia sẻ với Rest of World . “Đối với phần còn lại của ngành công nghiệp, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh”.

Theo: Rest of World, WSJ 


(0) Bình luận
Trung Quốc bá chủ xe điện, chỉ cần 18 tháng làm xe trong khi thương hiệu ngoại mất 5 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO