Trụ cột của nền kinh tế sẽ lung lay nếu bị EU ‘quay ngoắt’, Nga càng chịu áp lực lớn sau khi ông Trump lên nắm quyền

An Chi | 09:14 14/11/2024

Theo Business Insider, lĩnh vực kinh doanh dầu khí của Nga có thể chịu nhiều áp lực hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Trụ cột của nền kinh tế sẽ lung lay nếu bị EU ‘quay ngoắt’, Nga càng chịu áp lực lớn sau khi ông Trump lên nắm quyền

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ngành dầu khí của Mỹ và muốn thúc đẩy sản xuất. Động thái này có thể sẽ giúp thúc đẩy vị thế của Mỹ trở thành “gã khổng lồ” ngành dầu khí. 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này có thể cân nhắc mua thêm khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Mỹ trong một thoả thuận với chính quyền ông Trump, nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại. Theo đó, EU sẽ không cần đàm phán quá nhiều với ông Trump vì hiện khối này vẫn nhập khẩu khí từ Nga. 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, cho biết: “Chúng tôi vẫn nhập khẩu rất nhiều LNG từ Nga và LNG của Mỹ là một lựa chọn thay thế. LNG của Mỹ vốn có giá tốt hơn và giúp hạ chi phí năng lượng của EU.” 

Bà nhắc đến việc thâm hụt thương mại giữa Mỹ và eurozone đạt 131,3 tỷ USD vào năm 2022: “Đó là điều mà EC có thể thảo luận.”

Theo BI, nhìn chung, các nhà nhập khẩu EU quyết định nhập khẩu nguồn cung năng lượng từ đâu sẽ dựa trên các điều kiện thị trường. Tuy nhiên, ít nhất một quốc gia EU là Bỉ đang kêu gọi khối ngừng nhập khẩu LNG từ Nga. 

EU đã cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga qua đường biển, sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã cắt giảm hầu hết lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu qua đường ống từ Nga, thay thế phần lớn bằng nguồn cung từ Mỹ. 

Mỹ hiện là nước xuất khẩu nhiên liệu hàng đầu với châu Âu, chiếm 46% nguồn cung của khối vào năm 2023. Hiện tại, nguồn cung từ Nga chiếm 8% lượng LNG nhập khẩu của EU. Các nước xuất khẩu LNG lớn khác sang EU bao gồm Qatar và Algeria. 

Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại ING, cho hay: “Mỹ sẽ được hưởng lợi nếu EU tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, vì ngành dầu khí sẽ nhận được động lực lớn.” 

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể tác động lớn đến ngành năng lượng, vì ông có quan điểm ủng hộ hoạt động sản xuất dầu. 

Phát biểu trong một sự kiện của đảng Cộng hoà vào tháng 7, ông cho biết: “Tôi cam kết với người dân Mỹ rằng, tôi sẽ chấm dứt ngay cuộc khủng hoảng lạm phát, hạ lãi suất và hạ nhiệt chi phí năng lượng.” 

Dù cam kết nới lỏng các quy định đối với năng lượng của ông Trump được coi là động lực cho ngành này, song nguồn cung dầu có thể tăng lên. Đây là một yếu tố không có lợi cho giá dầu. 

Đối với người tiêu dùng, giá năng lượng thấp hơn cũng sẽ giúp giá xăng và điện đi xuống. Tuy nhiên, điều này lại gây áp lực lên lợi nhuận của các công ty năng lượng và từ đó khiến sản lượng sụt giảm - vốn đang ở mức kỷ lục tại Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể đưa ra những động thái khác với dự báo, ví dụ như áp lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran, Venezuela và Nga. Quyết định này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu giảm và thúc đẩy giá dầu. 

Ngay cả trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả, nền kinh tế vốn dựa vào lĩnh vực năng lượng của Nga và Ả Rập Xê Út - 2 trong số nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã gặp nhiều khó khăn trong khi đang nỗ lực đa dạng hoá động lực tăng trưởng. 

Trong khi đó, thị trường năng lượng vẫn đang ở trạng thái chờ đợi và quan sát. 

Kaushal Ramesh, giám đốc phân tích lĩnh vực khí đốt và LNG tại công ty nghiên cứu Rystad Energy, nhận định: “Phản ứng ban đầu của thị trường với chiến thắng của ông Trump vẫn là khá yên ắng. Nhưng về trung hạn, dự kiến Mỹ sẽ củng cố vai trò là nước xuất khẩu dầu và LNG hàng đầu.” 

Tham khảo BI


(0) Bình luận
Trụ cột của nền kinh tế sẽ lung lay nếu bị EU ‘quay ngoắt’, Nga càng chịu áp lực lớn sau khi ông Trump lên nắm quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO