Trồng loại cây lấy vỏ triệu đô, Việt Nam vươn lên top 3 thế giới: Ấn Độ, Indonesia liên tục săn lùng, thu gần 200 triệu USD kể từ đầu năm

Như Quỳnh | 05:51 01/10/2024

Đây cũng là loại cây được mệnh danh là gia vị lâu đời nhất thế giới.

Trồng loại cây lấy vỏ triệu đô, Việt Nam vươn lên top 3 thế giới: Ấn Độ, Indonesia liên tục săn lùng, thu gần 200 triệu USD kể từ đầu năm
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu quế của Việt Nam trong tháng 8 đã thu về gần 23 triệu USD, sản lượng đạt 8.186 tấn, giảm 17,1% so với tháng trước đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng bao gồm: Prosi Thăng, Gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Senspice Việt Nam và Tuấn Minh.

Lũy kế trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu quế đạt 62.918 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 177 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam với 20.722 tấn, tuy nhiên giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường: Mỹ đạt 7.399 tấn, tăng 8%, Bangladesh đạt 6.238 tấn, tăng 35,2%; Indonesia đạt 4.110 tấn, tăng 121,4% và UAE đạt 1.633 tấn, tăng 91,4%.

c1.png

Quế là loại cây gia vị lâu đời nhất thế giới, được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Hiện nay có một số ít quốc gia trồng được bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Indonesia, Sri Lanka và Nam Mỹ. 

Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương tại Việt Nam.

Quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…Hiện Việt Nam đã trở thành nước có diện tích quế lớn nhất trên thế giới, với sản lượng vỏ quế đạt 72.000 tấn (năm 2023).

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) - chia sẻ, năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD.

Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, tuy nhiên vẫn chưa đủ so với cả ngành quế Việt Nam. Hiện thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam là Ấn Độ, Mỹ, Bangladesh, Brazil, Indonesia.

Không chỉ sở hữu riêng cây quế, Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Mặc dù hiện nay Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu, tuy nhiên ngành quế vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn để vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế. Theo đánh giá từ các chuyên gia, nước ta chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường.

Chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng quế Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với năng suất quế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ. Tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa phát triển mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị nhưng chủ yếu làm thương mại.

Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Trồng loại cây lấy vỏ triệu đô, Việt Nam vươn lên top 3 thế giới: Ấn Độ, Indonesia liên tục săn lùng, thu gần 200 triệu USD kể từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO