Trong khi các hãng xe ráo riết tìm nơi xây tổ, Trung Quốc lại nắm trong tay một 'thiên đường' xe cực hấp dẫn: Sẵn có nhiều nhà máy với giá cực rẻ, thu lợi nhuận cao chót vót trong năm 2023

Như Quỳnh | 18:59 28/03/2024

Thậm chí Trung Quốc được coi là vị cứu tinh đối với ngành ô tô quốc gia này.

Trong khi các hãng xe ráo riết tìm nơi xây tổ, Trung Quốc lại nắm trong tay một 'thiên đường' xe cực hấp dẫn: Sẵn có nhiều nhà máy với giá cực rẻ, thu lợi nhuận cao chót vót trong năm 2023
Ảnh minh họa

Trong khi các thương hiệu ô tô trên thế giới đang nỗ lực tìm cho mình một quốc gia để xây nhà máy, Trung Quốc lại đang có trong tay một thị trường vô cùng béo bở: mang lại lợi nhuận cao trong năm 2023, đã có sẵn những nhà máy với chi phí rẻ và các doanh nhân đang nỗ lực tìm mọi cách để thu hút ông trùm ô tô của thế giới.

Khi các công ty quốc tế bắt đầu rời khỏi Nga sau cuộc xung đột với Ukraine, 2 vị tỷ phú là Andrey Pavlovich và Andrey Olkhovsky đã tìm cách kiếm lời bằng cách thu mua các nhà máy ô tô bị bỏ lại với giá cực rẻ.

Hiện họ đang tìm cách tái sản xuất ô tô tại một quốc gia từng sản xuất khoảng 1,5 triệu xe mỗi năm trước xung đột và từng đặt mục tiêu trở thành thị trường ô tô lớn nhất châu Âu.

Art-Finance của Pavlovich đã mua các nhà máy từ Tập đoàn Hyundai và Volkswagen trong khi Tập đoàn Avtodom của Olkhovsky mua nhà máy Mercedes-Benz tại Nga. Giờ đây họ đều đang tìm kiếm đối tác và Trung Quốc đang là quốc gia mà họ cố gắng thu hút.

Tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn không ít khó khăn bởi đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu xe thành phẩm từ quốc gia châu Á này mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc sản xuất chúng ở Nga và Moscow sẽ cần mang lại cho họ những lợi ích đặc biệt để thu hút. 

Những kế hoạch này là ví dụ rõ ràng về việc quyền sở hữu tài sản đang chuyển dịch như thế nào trên khắp nước Nga. Bối cảnh kinh doanh đã được định hình lại hoàn toàn do sự rút lui của các công ty sau xung đột và các lệnh trừng phạt sâu rộng của các quốc gia phương Tây.

Khi ngày càng có nhiều tỷ phú thành danh hứng chịu các lệnh hình phạt, một số doanh nhân địa phương đang tận dụng cơ hội của mình bằng cách mua lại những tài sản với giá rẻ.

Pavlovich bắt đầu bán ô tô nhập khẩu vào Nga vào năm 1992. Sau đó, ông dành gần hai thập kỷ làm người đứng đầu đại lý Avilon Group, một nhà cung cấp ô tô hạng sang tại địa phương bao gồm Rolls-Royce và Bentley do Alexander Varshavsky đồng sáng lập.

Trong khi đó, Olkhovsky bắt đầu làm nghề buôn kim loại vào những năm 1990 tại một thành phố ở Siberia. Anh chuyển sang kinh doanh đại lý ô tô vào năm 2013 và trở thành giám đốc tại Avtodom vào năm 2019.

Mặc dù số tiền Pavlovich và Olkhovsky chi cho tài sản của họ vẫn chưa được xác định, nhưng người ta tin rằng số tiền đó rất nhỏ so với hàng tỷ USD mà họ sở hữu trước khi xảy ra xung đột.

Art-Finance của Pavlovich, hoạt động trong nước với tên gọi AGR Automotive Group, cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước rằng họ đã nối lại việc sản xuất ô tô Solaris tại một cơ sở cũ của Hyundai mà không tiết lộ số lượng sẽ lắp ráp trong năm nay.

Về phần mình, Avtodom đang tìm cách thu hút một đối tác từ Trung Quốc để khởi động lại nhà máy Mercedes-Benz trước đây của mình, nhưng quy mô tương đối nhỏ khiến khó có thể chế tạo những phương tiện tiết kiệm chi phí cho đại chúng, Olkhovsky cho biết.

Sau khi kiểm tra các cơ sở sản xuất của Nga vào năm ngoái, ông hy vọng họ sẽ hợp tác trong các dự án chung hoặc hợp tác lắp ráp vào năm 2025.

Các nhà máy khác đã dần dần hoạt động trở lại. Công ty do nhà nước điều hành - được Renault bán sau xung đột Ukraine - đã khôi phục hoạt động sản xuất thương hiệu Moskvich thời Liên Xô bằng cách sử dụng các bộ phận của JAC Motors của Trung Quốc. Truyền thông địa phương đưa tin trong tháng này rằng họ hiện đang tìm kiếm một đối tác Trung Quốc khác. Avtotor, nhà điều hành một cơ sở lắp ráp xe Hyundai và BMW, đang sản xuất ô tô BAIC và Kaiyi.

Vào năm 2023, Trung Quốc đã bán được số lượng ô tô ở Nga ít nhất gấp 5 lần so với con số 160.000 chiếc được thấy vào năm 2022, dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho biết.

Great Wall's Haval là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất có nhà máy ở Nga, tại một thị trấn cách Moscow khoảng 180 km về phía nam. Theo công ty phân tích Autostat, nhà máy sản xuất các mẫu SUV và crossover này đã khai trương vào năm 2019 sau khoản đầu tư 500 triệu USD và tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 100.000 xe vào năm ngoái, chiếm gần 11% doanh số bán hàng của thị trường ô tô Nga. 


(0) Bình luận
Trong khi các hãng xe ráo riết tìm nơi xây tổ, Trung Quốc lại nắm trong tay một 'thiên đường' xe cực hấp dẫn: Sẵn có nhiều nhà máy với giá cực rẻ, thu lợi nhuận cao chót vót trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO