Ramit Sethi là một triệu phú tự thân và là ngôi sao của chương trình “Làm thế nào để trở nên giàu có” trên Netflix — nhưng chưa ai thấy ông vung tiền mua một chiếc xe hơi sang trọng dù sở hữu tài sản tới hơn 25 triệu USD (khoảng 593 tỷ đồng).
Trên thực tế, Sethi vẫn lái chiếc Honda Accord mà ông mua sau khi tốt nghiệp đại học từ năm 2005.
“Việc giữ chiếc xe là rất hợp lý. Tôi luôn giữ nó trong tình trạng tỉ mỉ,” Sethi chia sẻ. “Tôi có thể mua một chiếc ô tô mới ngay ngày mai không? Chắc chắn là có. Nhưng điều đó có quan trọng với tôi không? Câu trả lời là không."
Vì chiếc xe này đã được trả hết nợ, nên việc không tốn tiền trả góp hàng tháng cho phép Sethi dành số tiền đó cho những thứ khác quan trọng hơn, bao gồm du lịch, từ thiện và đầu tư.
Phương pháp money dial
Sethi gọi chiến lược chi tiêu này là phương pháp “money dial”. Ông giải thích rằng với phương pháp này, ông có thể cho phép mình chi tiêu nhiều hơn cho những thứ ông thích, bằng việc chi tiêu ít hơn cho những thứ không đáng quan tâm.
Ông nói: “Tôi sẵn sàng tiêu xài phung phí cho những thứ tôi yêu thích, nhưng cũng sẽ cắt giảm không thương tiếc với những thứ tôi không thích.
Về cơ bản, giảm chi tiêu của bạn ở một số lĩnh vực nhất định sẽ cho phép tăng chi tiêu ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, nếu bạn thích mua sách, bạn có thể vung thêm tiền vào hoạt động này, chẳng hạn như thoải mái mua nhiều sách hơn hoặc đăng kí ghế đầu khi tham dự sự kiện ra mắt sách mới.
“Với cách này, tiền trở nên sâu sắc hơn nhiều so với việc chỉ mua đồ. Tiền tạo ra ý nghĩa và đó thực sự là một phần cốt lõi của cuộc sống giàu có,” Sethi nói.
“Chúng ta thường không nghĩ đến việc chi tiêu nhiều hơn cho những thứ mình yêu thích, bởi vì chúng ta được dạy rằng tiền chỉ nên ở mức giới hạn. Tuy nhiên, việc bạn thích một thứ gì đó, đủ khả năng chi trả và sau đó mua nó là hoàn toàn bình thường.”
Thay vì chỉ tập trung vào việc giới hạn chi tiêu bản thân, phương pháp này cho phép bạn tập trung vào những thứ bạn yêu thích và chi tiêu thoải mái trong những lĩnh vực đó. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm những thứ ít quan trọng hơn.
Xây dựng 'kế hoạch chi tiêu có ý thức'
Áp dụng phương pháp money dial cho tài chính cá nhân là một công đoạn trong quá trình xây dựng một “kế hoạch chi tiêu có ý thức”. Phương pháp này hướng dẫn phân bổ nguồn tiền vào 4 hạng mục:
- Chi phí cố định, chẳng hạn như tiền thuê nhà, thế chấp hoặc khoản vay sinh viên
- Tiết kiệm, bao gồm cả quỹ khẩn cấp
- Các khoản đầu tư
- “Chi tiêu vô tội”, chẳng hạn như đi du lịch và ăn uống bên ngoài
Hãy chi trả cho các khoản tiền gắn với trách nhiệm trước tiên, sau đó bạn có thể chi tiêu phần tiền còn lại cho các khoản “vô tội” như trên.
Thay vì bóp nghẹt chi tiêu, hãy phân bổ chi tiêu một cách thông minh, và đừng tiếc khi chi tiêu nhiều hơn cho những thứ chúng ta yêu thích.