Steve Adcock là 1 chuyên gia về tài chính cá nhân có nhiều bài viết đăng trên MarketWatch, Forbes and Business Insider. Từng là 1 kỹ sư phần mềm, anh chọn cách nghỉ hưu sớm ở tuổi 35.
Triệu phú Steve Adcock và vợ. Ảnh: CNBC
Để đạt sự tự do tài chính ở độ tuổi còn rất trẻ, triệu phú này cho biết ngoài tiền tiết kiệm 70% thu nhập, kinh doanh và đầu tư thì phần lớn thành công của anh đến từ việc cắt giảm chi tiêu. Steve Adcock cho biết có 3 thứ "vô bổ" mà người giàu hiếm khi "xuống tiền" trong khi những người khó khăn hơn lại thường đổ xô đi mua.
- Nâng cấp điện thoại dù không cần thiết
Thật khó để chối từ những lời quảng cáo hấp dẫn từ các thương hiệu điện thoại mỗi lần ra mắt sản phẩm mới. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại ngày nay tiên tiến đến mức chúng có thể sử dụng trong một thời gian dài mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong công việc và cuộc sống.
Ảnh minh họa: Internet
Do vậy, dù các tính năng được cập nhật rất hay, nhưng Steve cũng khuyên mọi người không nên tốn nhiều tiền chỉ để chọn một phiên bản nâng cấp hơn điện thoại cũ một chút nếu không thực sự cần thiết. Nếu chiếc điện thoại hiện tại của bạn gặp các vấn đề kỹ thuật, việc mang nó đến cửa hàng để sửa chữa trước có thể giúp bạn tiết kiệm hàng trăm USD.
“Vợ chồng tôi đã dùng điện thoại hơn bốn năm trước quyết định mua điện thoại mới vào năm ngoái. Đối với quyết định không nâng cấp điện thoại, mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm được tới 1.500 USD. Thay vì sở hữu một thiết bị công nghệ bị mất giá mỗi năm, chúng tôi nghĩ rằng nên đầu tư số tiền đó vào việc đánh giá tài sản trên thị trường chứng khoán”, Steve Adcock nói.
2. Gói bảo hành mở rộng
Bảo hành mở rộng là chế độ bảo hành trả phí để kéo dài thời hạn bảo hành của thiết bị điện tử.
Theo Steve, một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Stanford cho thấy rằng người tiêu dùng thường trả quá nhiều cho các loại bảo hành kéo dài bởi vì họ đánh giá quá cao khả năng một sản phẩm sẽ cần sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, các gói dịch vụ này hoạt động giống như bảo hiểm và đối với mỗi USD bạn chi tiêu, bạn có thể sẽ chỉ nhận lại được một xu.
Theo đó, triệu phú này khuyên mọi người nên nghiên cứu để đảm bảo mua được mặt hàng chất lượng cao, ít có khả năng bị hư hỏng thay vì phải “xài” những gói bảo hành hiếm khi “hữu dụng” này. Anh cũng nhắc nhở mọi người nếu thực sự cần được bảo hành mở rộng thì hãy luôn đọc kỹ chính sách của bên cung cấp dịch vụ.
3. Những cuộc chiến "may rủi"
Theo Steve, cơ hội để chiến thắng khi mua vé số là rất nhỏ - và khi so sánh với các chiến lược đầu tư cơ bản, chẳng hạn như liên tục đóng góp vào tài khoản hưu trí, thì việc chi vài USD cho vé số chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, nếu vài USD đó sau nhiều lần cộng lại cũng là một khoản tiền lớn.
Ảnh minh họa: Internet
Theo một báo cáo năm 2019 từ Bankrate, mỗi người tiêu dùng trung bình chi khoảng 86 USD vào vé số mỗi tháng. Điều ngạc nhiên hơn là 59% trong số những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ tin rằng trúng số là một cách hợp lý để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò năm 2019 từ ứng dụng đầu tư Stash, việc từ bỏ trò chơi đỏ đen này có thể giúp bạn tiết kiệm khoảng 1.032 USD một năm.
Nghỉ hưu sớm ở tuổi 35 nhờ 2 quy tắc đơn giản
Năm 2016, Steve Adcock nghỉ hưu sớm ở tuổi 35. Vào thời điểm đó, anh đã tiết kiệm được 900.000 USD và trong vòng vài năm sau đó, con số này đã tăng lên 1 triệu USD.
"Tôi không sinh ra đã giàu có. Tôi cũng xuất thân từ nhân viên văn phòng với công việc 9 giờ/ngày, 5 giờ/tuần. Tôi không nhận được tài sản thừa kế hay trúng xổ số. Và tôi chưa bao giờ là người thông minh nhất tại công ty”, Steve chia sẻ.
Không chỉ áp dụng phương thức tiết kiệm, không chi tiêu tiền vào những thứ không cần thiết, triệu phú này còn tiến hành đầu tư và xây dựng một sự nghiệp vững chắc. Dưới đây là 2 quy tắc quan trọng giúp Steve Adcock đạt tự do tài chính và nghỉ hưu từ khi còn rất trẻ:
1.“Phớt lờ” lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của bạn”
Theo triệu phú Steve, làm công việc mình đam mê có thể giúp chúng ta hoàn thành nó một cách tốt hơn. Tuy nhiên, để kiếm được mức lương cao từ niềm đam mê thì không phải ai cũng làm được. Thay vào đó, anh chọn kiếm tiền từ điểm mạnh của bản thân.
"Niềm đam mê của tôi là nhiếp ảnh, nhưng tôi chọn ngành khoa học máy tính vì tôi giỏi về nó. Hơn nữa, các ngành công nghệ có xu hướng trả lương cao hơn. Năm 2004, anh bắt đầu công việc kỹ sư phần mềm với mức lương 55.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng). Đến năm 2016, anh đã kiếm được tới 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) từ công việc này.
“Tôi không chắc mình có thể kiếm được nhiều như vậy nếu chọn theo đuổi đam mê hay không”, anh nói.
Mặc dù có thể biến sở thích thành công việc kiếm được tiền nhưng Steve chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình.
“Tôi dành thời gian chụp ảnh vào buổi tối và cuối tuần, và tôi chưa bao giờ phải chịu áp lực phải chụp ảnh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, nó vẫn là niềm đam mê của tôi", triệu phú này chia sẻ.
Triệu phú Steve Adcock và vợ. Ảnh: CNBC
2. Dám thử sức
Theo Steve Adcock , việc dũng cảm thử sức ở một cơ hội mới cũng là cách khôn ngoan giúp bạn có thu nhập cao hơn và có chỗ đứng hơn. Việc này có thể giúp bạn thăng chức, tăng lương và có các cơ hội khác để kiếm nhiều tiền hơn.
"Một thập kỷ trước, tôi có cơ hội nhảy lên hai cấp quản lý với sự thăng tiến lớn. Tôi không cảm thấy sẵn sàng cho công việc, nhưng tôi vẫn nhận nó. Tôi đã học được rất nhiều thứ khi tôi chấp nhận thử thách. Bước nhảy vọt đó đã đặt ra một quỹ đạo mới được trả lương cao cho phần còn lại của sự nghiệp của tôi. Nó giúp tôi tự tin hơn vào khả năng của mình", Adcock kể lại.
Triệu phú này cũng tiết lộ anh từng được tăng lương 15-20% mỗi khi chuyển công ty. Con số này vượt xa mức tăng thông thường là 3% mà nhiều nhà tuyển dụng dùng để giữ chân nhân viên ở lại. Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng mọi người không nên nhảy việc quá thường xuyên bởi sẽ tạo ấn tượng xấu cho các nhà tuyển dụng. Hãy cố gắng làm một công việc ít nhất trong 1 năm.
(Theo CNBC)