Kinh tế toàn cầu năm 2023 đã “hạ cánh mềm”, thay vì những lo ngại suy thoái như trước đó. Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực và là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, trong đó, thị trường chứng khoán cũng có một năm hoạt động ổn định, đi sâu về chất lượng.
Trao đổi trong Talk Show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital đánh giá, bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nhất định, tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng của Việt Nam
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế thế giới đã hạ cánh mềm trong năm 2023, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital
Cũng đúng là như vậy, tăng trưởng GDP bên Châu Âu đạt gần 1% và GDP của Mỹ tăng khoảng 2 - 3%, như vậy có thể nhận xét là tương đối ổn. Lý do nền kinh tế bên Mỹ và Châu Âu vẫn tiếp tục phát triển liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân lãi suất tăng mạnh, trong 6-12 tháng vừa qua, người dân gửi tiền ở ngân hàng với mức lãi suất cao nhất trong 20 năm. Như vậy, số tiền lãi ấy dù chưa đủ để mua nhà, mua xe mới nhưng đủ để cho họ đi du lịch, chi tiêu…giúp gia tăng mảng dịch vụ cũng như tạo ra nhu cầu tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng lạm phát và chu kỳ tăng lãi suất sẽ sớm kết thúc và lãi suất có thể quay đầu giảm trong năm 2024. Đây sẽ là tin tốt cho các doanh nghiệp khi chúng ta bước vào giai đoạn lãi suất giảm.
Tại Việt Nam, dù bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế thế giới, nhưng vẫn có sự tăng trưởng tích cực và là điểm sáng về tăng trưởng, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Như chúng ta đã thấy, trong 6-18 tháng trước, các đơn hàng từ Châu Âu và Mỹ đặt sản xuất tại Việt Nam yếu đi do kinh tế khó khăn, thì đến giữa năm 2023, các đơn hàng đã được cải thiện, và đến đầu năm nay số lượng đơn đặt hàng đã tăng trưởng trở lại. Dòng vốn FDI là rất quan trọng cho Việt Nam bởi giá trị đầu tư lớn, lâu dài và tạo ra việc làm cho nền kinh tế. Theo số liệu tôi có được, tính đến hết năm 2023, FDI giải ngân đã đạt 23,2 tỷ USD và vốn đăng ký cũng đã đạt 36,6 tỷ USD. Đó là một yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt sẽ tạo hiệu ứng tốt cho năm 2024, 2025.
Tuy nhiên, mức tăng các đơn đặt hàng chưa mạnh đến mức để các nhà máy sản xuất mới được mở ra, lĩnh vực bất động sản vẫn khó khăn, chính vì vậy tín dụng cũng tăng trưởng chậm theo. Hy vọng sang năm 2024, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 14-15%, hàng hóa sản xuất và xuất khẩu cũng phải tăng trở lại mức bình thường, tiêu dùng nội địa tăng trưởng thì đó sẽ là những yếu tố giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong 2024.
Bước sang năm 2024, ông đánh giá nền kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến như thế nào?
Kinh tế thế giới có những đầu tàu dẫn dắt là Mỹ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, tôi tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, GDP sẽ tăng từ 2%-3%. Trong năm nay, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất, qua đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Còn với Trung Quốc, nền kinh tế đã tăng trưởng khá cao những năm trước, vì vậy năm nay có thể chậm lại dưới 5%. Theo tôi năm nay là một năm quan trọng đối với Trung Quốc trong việc cần xử lý được các vấn đề liên quan đến bất động sản và tín dụng, như vậy mới có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Việt Nam cũng thông qua mục tiêu GDP năm nay sẽ đạt 6%- 6,5%, theo ông đánh giá mục tiêu này khả thi không?
Theo tôi, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 6-7% trong năm 2024. Trong quá khứ Việt Nam cũng tăng trưởng trung bình xấp xỉ 6 - 7% trong khoảng 5 - 10 năm qua. Như tôi đã phân tích về kinh tế Mỹ và Trung Quốc, với các yếu tố như vậy sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế Việt Nam phát triển trong năm nay.
Tuy nhiên, ở trong nước, tăng trưởng tín dụng cũng phải mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh hơn vào thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán cũng phải tiếp tục phát triển, lãi suất giảm xuống khá mạnh sẽ giúp thúc đẩy thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Gần đây, tiêu dùng nội địa cũng đã mạnh lên như việc người dân chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực ăn uống và du lịch. Đầu tư công cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng, hy vọng trong năm 2024, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó sẽ càng thu hút nhiều sự quan tâm của dòng vốn FDI trong tương lai.
Với những phân tích trên, theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ như thế nào trong năm 2024?
Năm 2023, nhờ yếu tố lãi suất giảm nhanh nên thị trường chứng khoán cũng đã được hưởng lợi. Nếu nhìn vào thanh khoản của thị trường cuối năm 2023 sẽ thấy khối lượng giao dịch đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Hiện tại, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD. Khi lãi suất tiền gửi xuống mức 4-5%/năm, nhà đầu tư sẽ không còn thấy kênh gửi tiết kiệm hấp dẫn nữa, họ sẽ chuyển sang đầu tư các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản. Trong năm 2024, tôi nghĩ thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi lại, chưa kể yếu tố lạm phát đang ở mức 3-4%, hay tiền đồng có thể mất giá 1-2%/năm thì rõ ràng sẽ có cơ hội nhiều cho thị trường chứng khoán. Trong năm nay, VinaCapital dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trung bình toàn thị trường sẽ đạt 15-20%, cùng với mức PE hiện đang ở khoảng 9-10 lần thì cơ hội đầu tư trong 12 tháng tới sẽ là hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm việc Việt Nam có thể được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thì các quỹ đầu tư lớn trên thế giới sẽ đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, VinaCapital đang tiếp tục giải ngân và đầu tư vào Việt Nam, và khi nào thị trường được nâng hạng thì những nhà đầu tư mới họ sẽ vào thị trường, sẽ làm việc với các nhà đầu tư như chúng tôi để mua lại cổ phần, cổ phiếu mà chúng tôi đã đầu tư từ trước đó.