Tranh cãi vụ tàu Morning Vinafco rơi 37 container xuống biển: Sự cố hay tai nạn?

Quang Minh | 08:30 28/09/2024

Sau gần 10 tháng xác minh vụ việc tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco) rơi 37 container xuống biển, các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối.

Tranh cãi vụ tàu Morning Vinafco rơi 37 container xuống biển: Sự cố hay tai nạn?
Vụ tàu Morning Vinafco rơi 37 container xuống biển đang gây nhiều tranh cãi

Điểm khó trong công tác xác minh

Ngày 28/8/2024, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các bên liên quan để phối hợp xác minh sự cố tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco) rơi container xuống biển.

Trước đó, ngày 06/6/2024, Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng xác minh sự cố tàu Morning Vinafco.

Sau 02 tháng xác minh, ngày 09/8/2024 Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh có văn bản số 48/BC-CVHHTPHCM gửi Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo xác minh.

Nội dung báo cáo ghi nhận, tàu Morning Vinafco vận chuyển 298 container (tương đương 443 TEU, 6.669 tấn) rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vào khoảng 17:06 giờ ngày 22/12/2023 hành trình đi cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh) để trả hàng.

Vào khoảng 21:19 giờ ngày 22/12/2023, tàu đang hành trình thì bị container xuống biển tại khu vực Cù Lao Chàm (Quảng Nam), trong đó có 14 container là hàng hóa của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (bên trong container là 42 xe ô tô, gồm 26 xe điện).

Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sự cố này đã xảy ra từ ngày 22/12/2023, cho đến nay đã hơn 6 tháng, một số thuyền viên làm việc trên tàu tại thời điểm sự cố xảy ra đã không còn làm việc trên tàu.

Thời gian dài trôi qua, các dấu vết, vật chứng tại hiện trường đã bị mất, xáo trộn hoặc đã bị xóa bỏ do việc sửa chữa, duy tu các thiết bị trên boong bị hư hỏng sau sự cố để phục vụ hoạt động xếp hàng, chằng buộc hàng hóa để vận chuyển của tàu. Vì vậy, công tác thu thập bằng chứng, chứng cứ, dữ liệu liên quan đến sự cố hàng hải nói trên gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy vậy, cơ quan này vẫn kết luận: “không ghi nhận thông tin gây ô nhiễm môi trường”, “sự cố hàng hải không ảnh hưởng đến an toàn hành hải của tàu Morning Vinafco”. Đồng thời đã kiến nghị: “Cảng vụ đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam không thực hiện điều tra sự cố tàu Morning Vinafco rơi container trên biển ngày 22/12/2023”.

Trao đổi với MarketTimes, Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian xảy ra sự cố cũng lâu rồi nên các chứng cứ không còn được rõ nên việc xác minh rất khó khăn. Trong cuộc họp phối hợp xác minh, Cảng vụ đã giải thích rõ cho các bên liên quan biết. Bên nào có chứng cứ thì nộp cho Cảng vụ, Cảng vụ sẽ căn cứ vào đó để báo cáo. Còn về môi trường, Cảng vụ không đủ chức năng để thẩm định, đánh giá.

Ý kiến người trong cuộc 

Tuy nhiên, tại văn bản số 2450/CHHVN ATANHH, Cục Hàng hải Việt Nam đã lưu ý với Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh “các container trên chở ô tô có thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển” thế nhưng tại văn bản số 48/BC-CVHHTPHCM, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh chưa nêu hết về nội dung quan trọng này.

Theo Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh, trong số 37 rơi xuống biển mất tích, có 14 container chứa xe ô tô nguyên chiếc của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh và rất nhiều container chứa xe ô tô của 02 Công ty khác (Công ty Tín Nghĩa và Công ty Trường Nam), có tổng số lượng pin trên 10 tấn.

Riêng bên trong 14 container của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh có tổng cộng 42 chiếc xe ô tô mới nguyên chiếc (trong đó có 26 xe ô tô điện). Ô tô điện này có chứa pin điện lithium, là loại hoá chất độc hại, khi rơi xuống biển sẽ làm rò rỉ các hóa chất gây nguy hiểm cho môi trường.

“Chỉ tính riêng khối lượng pin chứa trong 26 xe ô tô điện bị rơi xuống biển đã vượt quá 10 tấn hoá chất độc hại nhưng chưa được Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh tổng hợp, điều tra, làm rõ”, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh cho biết.

Liên quan đến qua trình điều tra tai nạn hàng hải, tại Điều 3, Thông tư 01/2020/TT-BGTVT ngày 20/1/2020 quy định tai nạn hàng hải là sự kiện liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển gây ra một trong những hậu quả như “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Mục đích của điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.

Theo phân loại tại Điều 4, Thông tư 01/2020/TT-BGTVT, tai nạn hàng hải nghiêm trọng là tai nạn làm tràn ra môi trường từ 10 tấn hóa chất đến dưới 50 tấn hóa chất độc hại. Tai nạn hàng hải nghiêm trọng phải được điều tra, hoạt động điều tra phải đúng quy định, kịp thời, toàn diện và khách quan. Các tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng có thể được điều tra hay không điều tra do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định. Trường hợp không điều tra, Cảng vụ hàng hải phải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.

Do đó, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh kiến nghị Cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra tai nạn hàng hải về ô nhiễm môi trường trên cơ sở đánh giá lại sự tác động của pin xe điện đến môi trường và nghiên cứu áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc hãng tàu Vinafco trục vớt các container đã rơi trên biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Theo Điều 3 Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017, tài sản chìm đắm gây nguy hiểm là tài sản chìm đắm làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, hoạt động giao thông đường thủy nội địa; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người; ảnh hưởng đến tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Nghị định này cũng quy định, tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1 là những tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại.

Tại Điều 5 Nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm, Nghị định đã quy trách nhiệm: “Trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác được chuyên chở trên tàu thuyền, chủ tàu thuyền có nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm và chịu các chi phí liên quan; người quản lý, người khai thác tàu thuyền chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc trục vớt tài sản”.


(0) Bình luận
Tranh cãi vụ tàu Morning Vinafco rơi 37 container xuống biển: Sự cố hay tai nạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO