Nội dung chính:
- Coteccons đặt mục tiêu lợi nhuận 233 tỷ đồng năm 2023, cao hơn gấp 10 lần so với năm 2022.
- Công ty chú trọng các dự án Mega, đẩy mạnh repeat - sales và các dự án mảng hạ tầng, FDI.
- Coteccons đặt mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2025 - gấp 5 lần vốn hóa hiện tại.
Ngày 25/4/2023, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 - năm được công ty xem là năm chuyển đổi của Coteccons với mục tiêu quay lại mức lợi nhuận trăm tỷ.
Cụ thể, Coteccons lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 16.249 tỷ đồng và 233 tỷ đồng - tương ứng tỷ lệ tăng trưởng 12% và 1.010% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ Lego lại được giao cho nhà thầu Việt”.
Dự án nhà máy Lego với quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD được đánh giá là một trong những dự án lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Cuối năm 2022, Coteccons được giao vai trò tổng thầu cho dự án lịch sử này. Với vai trò Tổng thầu, Coteccons sẽ đảm nhiệm toàn bộ các hạng mục xây dựng, kết cấu, cơ điện và hoàn thiện cho cho phân khu 1-5 với diện tích sàn xây dựng lên đến 163,000 m² (GFA).
Các dự án Mega - là các dự án lớn về giá trị, tầm ảnh hưởng và có yêu cầu cao - được coi là một trong những trọng tâm mà Coteccons sẽ theo đuổi trong những năm tới.
Bên cạnh Mega, Coteccons chủ trương đẩy mạnh repeat-sales - là phương thức chinh phục các khách hàng cũ để nhận thầu các dự án mới của họ. Các dự án hạ tầng lớn, mảng FDI cũng là mảng mà Coteccons đánh giá tiềm năng trong thời gian tới.
Lấy lại mức lợi nhuận trăm tỷ
Kế hoạch kinh doanh của Coteccons năm 2023 với các chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội được đặt ra trong bối cảnh ngành xây dựng sẽ còn chịu nhiều khó khăn thách thức, thậm chí còn khốc liệt hơn năm trước.
Năm 2022 Coteccons đã rất thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 20 tỷ đồng. Kế hoạch này đã trở thành chủ đề “đàm tiếu” khi một doanh nghiệp xây dựng hàng đầu lại đề ra mục tiêu quá khiêm tốn. Kết quả, Coteccons là công ty xây dựng hiếm hoi trên thị trường hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm khó khăn vừa qua. Nếu loại trừ chi phí dự phòng, lợi nhuận của Coteccons có thể lên tới trên 300 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Coteccons đã trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi lên tới 1.049 tỷ đồng, tăng 388 tỷ đồng so với đầu năm. Như nhiều doanh nghiệp xây dựng khác, trích lập dự phòng là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Coteccons bị bào mòn. Về nguyên tắc, các khoản trích lập dự phòng được hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Coteccons đã trích lập dự phòng đều đặn qua nhiều năm, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, khi Công ty bắt đầu lâm vào khủng hoảng lãnh đạo cấp cao. Lợi nhuận của Coteccons cũng sụt giảm nghiêm trọng trong ba năm gần đây.
Năm 2023, Coteccons dự kiến phát hành 554.785 cổ phiếu ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) nhằm thu hút nhân tài, giữ chân người lao động. Cổ phiếu được phát hành cho ban lãnh đạo công ty và người lao động đủ tiêu chuẩn - với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Ban lãnh đạo công ty cam kết mục tiêu sẽ đưa vốn hóa Coteccons đạt mức 1 tỷ USD.
Hiện tại cổ phiếu CTD của Coteccons có giá xung quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, khối lượng cổ phiếu dự kiến phát hành của Coteccons trị giá 33 tỷ đồng. Vốn hóa của Coteccons hiện tại ở vào khoảng 4.343 tỷ đồng, tương đương 190 triệu USD. Mục tiêu vốn hóa của Coteccons cao hơn 5 lần vốn hóa hiện tại của công ty.
Năm 2023, Coteccons sẽ thay đổi năm tài chính, kết thúc vào 30/6 hàng năm (thay vì 31/12 như hiện tại). 2023 là năm tài chính đầu tiên của Coteccons áp dụng năm tài chính mới, do đó chỉ được tính từ 1/1 đến 30/6. Với năm tài chính mới, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của Coteccons lần lượt là 7.644 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.