Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi quy định về các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam, mở rộng thêm quy định về nhập khẩu máy bay từ nhiều nơi.
Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định: Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.

Nghị định số 89/2025/NĐ-CP quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
Như vậy, quy định mới sẽ cho phép việc nhập khẩu máy bay được phê duyệt bởi nhiều nước hơn, bao gồm Brazil, Canada, Nga, Vương quốc Anh, và Trung Quốc.
Bộ Xây dựng (sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng việc giới hạn cho phép các tàu bay khai thác tại Việt Nam chỉ có Giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp, hoặc FAA (Mỹ) hay EASA (châu Âu) cấp mà không cho phép tàu bay được cấp Giấy chứng nhận loại từ các quốc gia khác cấp sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại tàu bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của hoạt động hàng không, công tác đảm bảo an toàn hàng không, Bộ Xây dựng cho rằng việc sửa quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về tàu bay, chủ động hoạt động khai thác tàu bay. Qua đó, tăng cường nâng cao hợp tác hữu nghị quốc tế với các đối tác truyền thống.
Cuối năm 2024, tại hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã chỉ ra khó khăn do 33 tàu bay đang phải bảo quản dừng bay trên 12 tháng. Một nguyên nhân lớn do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney của Mỹ, dẫn tới 26/53 tàu bay A321NEO phải bảo quản dừng bay.
Theo CAAV, tính đến ngày 20/12/2024 tổng số tàu bay hiện là 249 chiếc (220 tàu bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 tàu bay so với năm 2023.
Tình trạng thiếu tàu bay khai thác là một phần các nguyên nhân dẫn đến giá vé máy bay cao.
Vietjet muốn sử dụng máy bay Comac của Trung Quốc
Ngày 14/4, tiếp ông Hạ Đông Phong, Chủ tịch Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế hàng không và khai thác, phát triển không gian vũ trụ.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa Tập đoàn COMAC và Vietjet Air, cũng như khả năng mở rộng hợp tác giữa COMAC và các hãng hàng không, các đối tác khác của Việt Nam trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cùng với hợp tác mua, thuê, thuê mua máy bay, COMAC hợp tác với các đối tác đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.

Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet Air vừa đề xuất khai thác các chuyến bay thẳng tới Côn Đảo, sử dụng máy bay Comac ARJ21 của hãng máy bay Trung Quốc Comac. Hành trình dự kiến gồm các chặng khứ hồi từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến sân bay Côn Sơn.
Vietnam Airlines muốn sử dụng máy bay Embraer của Brazil
Tháng 3/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC, nay đã sáp nhập về Bộ Tài chính) Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer (Brazil).
"Các dòng máy bay thương mại thế hệ mới của Embraer có thể là giải pháp phù hợp giúp các hãng hàng không Việt Nam vừa phát triển đội bay, vừa đảm bảo khai thác hiệu quả và an toàn trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhận định.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo Vietnam Airlines trong công tác hoàn thiện Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn của Tổng công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó, có có nội dung tái cơ cấu Pacific Airlines và chiến lược tái cấu trúc và phát triển đội tàu bay. Do đó, các dòng máy bay thương mại thế hệ mới của Embraer có thể phù hợp với các chặng bay ngắn và trung bình, với số lượng hành khách không quá lớn, thích hợp cho phân khúc hàng không giá rẻ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh bày tỏ sự quan tâm tới các nội dung liên quan tới chính sách ưu đãi về chi phí, dịch vụ bảo dưỡng, công nghệ vận hành của các dòng máy bay thương mại thế hệ mới của Embraer; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Vietnam Airlines làm việc với phía Tập đoàn Embraer để tìm hiểu và nắm bắt về các nội dung này.