Đúng như dự báo của thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất 22 năm và phát đi tín hiệu kết thúc chu kỳ thắt chặt này vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, điều khiến giới tài chính toàn cầu chú ý hơn quyết định trên là quan điểm điều hành của Fed đã mang tính cứng rắn hơn nhiều so với hồi tháng 6. Theo đó, các quan chức Fed dự kiến số lần giảm lãi suất trong năm tới sẽ giảm so với dự báo trước đây. Đây cũng là điều nhà đầu tư lo ngại, rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
“Nền kinh tế Mỹ đang quá mạnh và chu kỳ tăng lãi suất này sẽ kéo dài hơn so với những gì mà Phố Wall mong muốn”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Sau cuộc họp của Fed, thị trường tiền tệ Việt Nam cũng ghi nhận một diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Cụ thể, Nhà điều hành ngày 21/9 đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.
Việc NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và có chiều hướng làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá – vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %; cùng thời gian đó, Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.
Sự trái chiều về chính sách tiền tệ được thể hiện rõ nhất qua chênh lệch lãi suất USD – VND liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao (4 -5 điểm ở kỳ hạn qua đêm) trong vòng 3 tháng qua. Điều này đã và đang kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), tạo nên áp lực mất giá tiền Đồng. Và thực tế, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng qua đã tăng khoảng 800 đồng so với cuối tháng 6, tương đương tăng 3,3%.
Trong bối cảnh Fed thể hiện quan điểm "diều hâu" hơn sau cuộc họp vừa qua, động thái mở lại kênh hút tiền dường như cũng phát đi tín hiệu về sự tinh chỉnh trong chính sách tiền tệ của NHNN.
Xung quanh vấn đề lãi suất – tỷ giá, trong các phát ngôn về chính sách gần đây, các lãnh đạo của NHNN cũng liên tục đề cập đến sự cân bằng giữa hai chỉ số này.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp mới diễn ra vào ngày hôm qua (21/9), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN đang theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.
“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”, bà Hồng cho hay.
Trước đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Theo ông Tú, giảm lãi suất là bức thiết nhưng giảm lãi suất quá sẽ dẫn đến mất tỷ giá. Mất tỷ giá cũng làm đảo lộn, ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài, doanh nghiệp, người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng tiền nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng sẽ bị tác động mạnh. Do đó phải giữ tỷ giá, mà muốn giữ thì lãi suất phải hợp lý.
“Nếu tỷ giá không ổn định, không có lòng tin thì còn ai bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam. Người ta có thể sẽ rút vốn về nước, họ tính toán lợi ích ngay”, Phó Thống đốc cho hay.