Mặc dù chịu áp lực từ chính phủ Mỹ nhưng TikTok vẫn đang phát triển mạnh mẽ bất chấp đà suy giảm của ngành công nghệ. Trong khi những ông lớn như Meta hay Twitter phải sa thải hàng loạt nhân viên thì TikTok lại liên tục tuyển thêm kỹ sư công nghệ thông tin tại Mỹ. Thậm chí nền tảng này còn dự định thách thức Amazon trong mảng thương mại điện tử với việc mở mạng lưới nhà kho trên toàn nước Mỹ và đăng tuyển ồ ạt các công việc liên quan.
Theo tờ The Economist, TikTok đang phát triển với tốc độ khiến không chỉ các đối thủ cùng ngành mà ngay cả ông lớn công nghệ khác mảng kinh doanh hoặc thậm chí là chính phủ Mỹ cũng phải dè chừng.
Chỉ trong vòng 5 năm, TikTok đã lọt vào top những mạng xã hội hàng đầu bị các nhà hoạch định chính sách nhắm đến, bao gồm cả Facebook, về những lý do như bảo mật thông tin cá nhân. Việc nền tảng này thu hút người dùng mãnh liệt đã khiến ông lớn như Facebook phải thừa nhận chịu áp lực, qua đó chuyển sang phát triển vũ trụ ảo.
Thậm chí, thành công của TikTok còn khiến nhiều ứng dụng khác bắt chiếc và nếu nền tảng này nhảy sang thương mại điện tử thì Amazon có lẽ sẽ phải nối đuôi Facebook đi tìm nguồn thu mới.
Chặng đường 10 năm
Cách đây 10 năm, nhà khởi nghiệp trẻ Zhang Yiming đã thành lập nên hãng công nghệ ByteDance. Những sản phẩm ban đầu của hãng này bao gồm Duanzi, một nền tảng chia sẻ những trò đùa, và Toutiao, một trang tổng hợp tin tức. Điều đặc biệt là những nền tảng này đều dùng trí thông minh nhân tạo (AI) để tìm hiểu thị hiếu người dùng và cho ra những thông tin phù hợp nhất.
Cả 2 sản phẩm này đều thành công và hiện Toutiao đang là trang tổng hợp tin tức lớn nhất tại Trung Quốc với 360 triệu người dùng.
Từ những thành công ban đầu đó, nhà sáng lập Zhang đã bắt đầu dùng thuật toán của mình để tìm kiếm hướng đầu tư mới. Năm 2016, ByteDance phát hành Douyin, một ứng dụng để ghi và chia sẻ những video hát nhép. Ý tưởng này được sao chép theo Musical.ly, một ứng dụng hát nhép của Trung Quốc khác vốn rất phổ biến tại Mỹ thời kỳ đó, nhưng Douyin được cải tiến nhờ AI của ByteDance.
Thế rồi nền tảng này nhanh chóng trở thành cơn sốt tại Trung Quốc. Chỉ 1 năm sau, ByteDance phát hành một nền tảng song song bên ngoài Trung Quốc với giao diện và thuật toán giống hệt nhưng có sự tách biệt về nội dung với Douyin, mang tên TikTok.
Ban đầu nền tảng này không thu hút được sự chú ý ngoài Châu Á, nhưng vào năm 2017 khi ByteDance mua lại Musical.ly để tận dụng tệp 100 triệu khách hàng thì TikTok bắt đầu nổi tiếng ở Mỹ và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Đến tháng 9/2022, dù chỉ với 4 năm hoạt động nhưng TikTok đã đạt 1 tỷ người dùng, con số mà Facebook, Youtube hay Instagram phải mất tới 8 năm. Kể từ đầu năm 2020, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất thế giới, qua đó trở thành mạng xã hội được giới trẻ yêu thích hơn cả Facebook.
Số liệu của eMarketer cho thấy 44% người dùng TikTok tại Mỹ có độ tuổi dưới 25, cao hơn nhiều mức 16% của Facebook.
Nền tảng này khiến việc quay một video trở nên dễ dàng cùng với các công cụ tùy chỉnh chẳng kém Instagram, qua đó biến người dùng trở nên lung linh hơn.
Đặc biệt nhất là hệ thống AI luôn làm bất ngờ người xem với những video hấp dẫn, phù hợp thị hiếu cá nhân bất kể video đó từ người nổi tiếng hay vô danh. Điều này rất khác với Facebook khi sản phẩm của Mark Zuckerberg chỉ ưu ái những tài khoản nhiều người theo dõi hoặc có đóng tiền quảng cáo.
Thêm nữa, TikTok cũng dễ xem hơn nhiều so với Facebook khi không cần phải kết nối, tìm kiếm hay thậm chí đăng nhập. Các nội dung của nền tảng này chẳng cần được khuyến nghị bởi bạn bè hay người thân mà dựa trên thuật toán AI thông qua thời gian cũng như lượt thích của người xem với các dạng video.
Chính những ưu thế này khiến TikTok trở thành thứ gây nghiện cho giới trẻ. Các số liệu cho thấy bình quân người Mỹ tốn đến 46 phút mỗi ngày trên TikTok, dài hơn một chút so với Youtube và hơn tới 16 phút so với Facebook và Instagram.
Quá lớn để cấm?
Sự bùng nổ của TikTok đi kèm với lợi nhuận. Số liệu của eMarketer cho thấy doanh thu của TikTok đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 12 tỷ USD trong năm nay, dự đoán khoảng 23 tỷ USD trong năm 2024. Phần lớn nguồn thu đến từ quảng cáo.
Con số trên cao gấp đôi so với những mạng xã hội lâu đời hơn như Twitter, Snapchat hay Pinterest, đồng thời tương đương với Youtube.
Thậm chí nếu xét theo độ bùng nổ của người anh em Douyin, TikTok sẽ còn lớn mạnh hơn nữa.
Báo cáo của Bernstein cho thấy bình quân mỗi người Trung Quốc tốn 100 phút mỗi ngày trên Douyin, tương đương hơn 12% tổng lượng thời gian online của người dân nước này. Hãng ByteDance cũng chiếm đến 28% thị phần quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc năm 2021, cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ như Tecncent, Baidu.
Thậm chí, Douyin đã lấn sân mạnh mẽ sang cả thương mại điện tử khi các buổi livestream đã trở thành những kênh bán hàng trực tuyến riêng nổi tiếng trên mạng xã hội. Những đội quân bán hàng trực tuyến của Douyin có thể được thấy ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc.
Mặc dù TikTok Shop được ra mắt vào tháng 11/2022 ở Anh và Indonesia không thành công nhưng chắc chắn ByteDance sẽ không từ bỏ mảng béo bở này.
Ở một khía cạnh khác, trong khi TikTok tìm kiếm sự bành trướng thì nhiều hãng công nghệ lại quay ra bắt chước nền tảng này. Tháng 4/2022, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố bảng tin của facebook sau 16 năm hoạt động thì nay sẽ thay đổi, dùng “công cụ khai phá” trí tuệ nhân tạo để khuyến nghị những tin mới cho người dùng, tương tự như TikTok.
Trong khi đó, Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram cũng đã phát triển Reels, một nền tảng video ngắn tương tự như TikTok.
Thế rồi chúng ta có Snapchat Spotlight, Youtube Shorts, Pinterest Watch hay thậm chí là Fasst Laughs của Netflix. Một số nền tảng cũng có được thành công nhất định, ví dụ như Reels chiếm tới hơn 20% thời lượng người dùng trên Instagram, hay Youtube Shorts có 1,5 tỷ người dùng mỗi tháng.
Tuy nhiên TikTok cũng không chịu ngồi yên khi phản pháo lại các đối thủ. Họ đã nâng độ dài giới hạn của các video lên 10 phút để ăn mòn thị phần Youtube hay cho ra mắt những clip tự động biến mất tương tự như Snapchat. Đồng thời nền tảng này cũng đang thử nghiệm mô hình trả phí như Twitter, truyền hình trực tiếp như Amazon hay các clip trả phí để xem như những kênh sáng tạo nội dung khác.
Sự bành trướng của TikTok đã khiến chính phủ Mỹ có những động thái gây áp lực, như yêu cầu ByteDance di chuyển các máy chủ của mình sang nơi khác hoặc chia sẻ thuật toán. Thế nhưng, Trung Quốc lại không đồng tình với điều này.
Năm 2020, khi Mỹ đòi hỏi TikTok phải bán lại mảng kinh doanh của họ tại đây cho một công ty khác, Trung Quốc ngay lập tức đã thông qua điều luật quy định những công nghệ như thuật toán của ByteDance là kỹ thuật nhạy cảm vào hàng cần được bảo vệ.
Rất rõ ràng, sự trỗi dậy của Tiktok đã không chỉ khiến những ông lớn trong ngành công nghệ dè chừng mà đã trở thành chiến trường địa chính trị. Bất chấp điều đó, TikTok vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển khi nền tảng này thu hút ngày càng nhiều người trẻ khắp nơi trên thế giới dán mắt vào màn hình.
*Nguồn: The Economist, CNN