Bản tin 7 ngày địa ốc: Làn sóng nợ lương, sa thải nhân sự bất động sản có xu hướng gia tăng

Thủy Tiên SM | 10:56 24/12/2022

Sự trầm lắng của thị trường địa ốc đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng cạn kiệt nguồn tiền, không đủ năng lực tài chính để duy trì bộ máy, nhiều đơn vị chọn cách cắt giảm nhân sự để vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của BĐS tuần qua.

Bản tin 7 ngày địa ốc: Làn sóng nợ lương, sa thải nhân sự bất động sản có xu hướng gia tăng
Khoảng 10 ngày trở lại đây, làn sóng giảm/nợ lương, sa thải nhân sự tại các doanh nghiệp BĐS diễn ra mạnh dần. Ảnh: Lao Động
Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Làn sóng nợ lương, sa thải nhân sự bất động sản trầm trọng mùa cận Tết

Khoảng 10 ngày trở lại đây, làn sóng giảm/nợ lương, sa thải nhân sự tại các doanh nghiệp BĐS diễn ra mạnh dần. Thậm chí, xu hướng này trở nên trầm trọng hơn khi Tết cận kề.

Một doanh nghiệp địa ốc phía Nam đã cho hơn 40% nhân sự nghỉ việc. Trong khi khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay, số lượng nhân sự cắt giảm chỉ mới chiếm khoảng 15%. Cùng với việc sa thải, lương toàn hệ thống giảm 30%. Đây là mức giảm lớn nhất tính từ thời điểm Covid-19 bùng nổ (cuối năm 2019).

Một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP.HCM phải cho nhân viên nghỉ việc hơn 60%, lương tính theo hiệu suất công việc, theo hình thức phụ cấp từ 20-40% (tuỳ cấp bậc). Không bán được hàng, không đòi được các khoản nợ từ chủ đầu tư khiến sàn lâm vào cảnh khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Cách đây không lâu, Chủ tịch HĐQT một Tập đoàn BĐS lớn tại TP.HCM đã viết tâm thư gửi khách hàng để thông tin về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Trong tâm thư, vị này cho biết năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên diện rộng, hậu quả dịch bệnh đến chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và thị trường. Công ty vì vậy cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến cắt giảm nhân sự lớn trong thời gian qua.

Làn sóng cắt giảm nhân sự, giảm lương, chuyển sang chế độ lương cộng tác viên của các sàn giao dịch, chủ đầu tư BĐS ngày càng rõ nét. Nhiều nhân sự không nằm trong diện sa thải nhưng cũng xin nghỉ việc vì thu nhập sụt giảm. Nhân viên kinh doanh gần như bị cắt toàn bộ lương cứng, chỉ hưởng hoa hồng khi bán được sản phẩm.

Lượng giao dịch chung cư tại TP.HCM xuống thấp kỷ lục trong 5 năm

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho biết tại TP.HCM cho biết nguồn cung căn hộ trong quý IV đã sụt giảm xuống còn 450 căn hộ sơ cấp, và chỉ khoảng 100 căn hộ được giao dịch, chiếm khoảng 25%.

bds.jpg
Lượng giao dịch BĐS tại TP.HCM xuống thấp kỷ lục. Ảnh: Hà Nội Mới

Trước đó, trong quý I và quý II, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt 70-80% dù có đến gần 14.000 căn hộ mới chào bán. Kể cả trong quý III,  khi toàn thành phố chỉ còn 1.250 căn được giới thiệu ra thị trường thì tỷ lệ tiêu thụ vẫn đạt gần 52%.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, lượng giao dịch căn hộ trong quý IV là mức thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.  Ông Tuấn nhấn mạnh đây là tình trạng chưa từng xuất hiện, nhất là khi giai đoạn cận Tết thường là cao điểm của thị trường bất động sản. Giao dịch giảm sút ngay cả trong tình hình nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những mức chiết khấu cao lên đến 40-50%.

Theo lý giải của đại diện Batdongsan.com.vn, thời điểm này giao dịch "đóng băng" do khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Kể cả những khách hàng có thể vay vốn cũng cảm thấy "sốc" vì lãi vay tăng nhanh, do đó họ trì hoãn mua nhà trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhóm khách hàng có sẵn tiền mặt vẫn ngập ngừng vì họ kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm với các chính sách chiết khấu sâu hơn.

Giá nhà toàn cầu đang giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo dữ liệu được các chuyên gia Knight Frank công bố, có 48 trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được theo dõi bởi chỉ số giá nhà toàn cầu vẫn ghi nhận giá nhà trong năm 2022 tăng lên so với năm 2021.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi tính đến các yếu tố khác như lạm phát, giá nhà hiện đang giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu của đơn vị này, giá nhà trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang tăng với tốc độ 8,8% theo năm, giảm từ tỷ lệ 10,9% ở mức cao nhất vào quý 1/2022.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ tăng giá nhà đứng đầu thế giới, nhưng tốc độ tăng giá “phi mã” của nước này có thể bị giảm do áp lực từ lạm phát và tăng lãi suất.

Ở các thị trường Bắc và Trung Âu, một số quốc như như Estonia, Hungary, Cộng hòa Séc, Iceland, Slovakia… đều ghi nhận mức tăng giá nhà hàng năm trên 16%.

Các thị trường từng chứng kiến tỷ lệ giá nhà tăng mạnh nhất trước đây đang tụt hạng trong quý III/2022. Chẳng hạn, Canada đã tụt từ vị trí thứ 10 xuống vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng, trong khi Úc cũng tụt từ vị trí thứ 28 xuống vị trí thứ 47 trong 3 tháng qua.

Singapore là thành phố đứng đầu châu Á với tốc độ tăng trưởng giá nhà từ năm 2021 đến năm 2022 là 14%. Có một thị trường lao động lành mạnh, kết hợp với việc các nhà đầu tư chuyển từ thị trường chứng khoán sang bất động sản để tận dụng giá thuê tăng đang góp phần đẩy giá nhà tại Singapore lên cao.

Theo Knight Frank, chỉ có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự sụt giảm về giá nhà trong năm 2022 so với năm 2021, tính đến hết quý 3/2022, bao gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Peru, Trung Quốc đại lục, New Zealand và Maroc.

Người Mỹ không còn thiết tha mua nhà

Theo Bloomberg, lượng xây dựng nhà mới tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 11. Số đơn xin giấy phép cũng vì thế mà giảm xuống. Điều này xuất phát từ việc chi phí vay tăng cao kết hợp cùng sự ảnh hưởng của lạm phát. Hai yếu tố trên đã làm giảm khả năng chi trả và nhu cầu nhà ở của người dân Mỹ.

Số lượng công trình xây dựng mới sụt giảm liên tục cho thấy việc lãi suất thế chấp tăng cao trong năm nay đã kìm hãm nhu cầu của người mua và tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở.

Trong khi đó, chi phí lao động và nguyên vật liệu tăng cao đã khiến các công ty phát triển bất động sản gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì lợi nhuận và thu hút khách hàng.

Dù lãi suất thế chấp đã giảm xuống, chi phí đi vay vẫn tăng gấp đôi so với năm ngoái. Những dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cùng với nguy cơ xảy ra suy thoái khiến thị trường nhà đất có thể vẫn ảm đạm trong năm tới.

Các tin tức đáng chú ý khác 

Huế khởi công dự án cầu vượt sông Hương gần 2.300 tỷ đồng

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khởi công dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc tuyến vành đai 3 hôm 23/12. Tổng chiều dài đường và cầu là 1,67 km. Trong đó, tuyến thuộc đường Nguyễn Hoàng khoảng 1,08 km, chiều dài tuyến thuộc cầu vượt sông Hương 0,59 km. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 2.281 tỷ đồng.

TP.HCM chuẩn bị đầu tư cầu Cần Giờ

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí chuẩn bị làm cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cầu Cần Giờ dài 3,4 km, dự kiến có 4-6 làn xe, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận.

Cầu Cần Giờ dự kiến được đầu tư với 9.982 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp, ngân sách thành phố chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2022-2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.

 

 

 

 

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bản tin 7 ngày địa ốc: Làn sóng nợ lương, sa thải nhân sự bất động sản có xu hướng gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO