Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầy rung lắc sau thông tin nới room tín dụng được đưa ra vào chiều 5/12. VN-Index mở cửa nhanh chóng lùi xuống dưới mốc tham chiếu, và duy trì trạng thái giảm điểm phần lớn thời gian giao dịch. Dù xuất hiện cầu bắt đáy giúp thu hẹp đà giảm, song càng về cuối phiên, chỉ số chính càng chịu áp lực chốt lời mạnh. Kết phiên, VN-Index giảm 4,11% xuống mức thấp nhất tại 1.048,69 điểm.
Mức giảm 4,11% đã đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á ngày 6/12 (theo Stockq), chấm dứt nhiều chuỗi tăng điểm mạnh trước đó. Phiên giảm mạnh cũng đã "thổi bay" gần 180.000 tỷ đồng (~7,5 tỷ USD) vốn hóa của HoSE, đưa vốn hóa sàn này xuống còn gần 4,2 triệu tỷ đồng.
Trái ngược với đà giảm của VN-Index, giao dịch trên thị trường lại rất sôi động đẩy thanh khoản thị trường tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên HoSE lên đến hơn 21.730 tỷ đồng, cao hơn 21% so với phiên trước. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong hơn 7 tháng kể từ ngày 22/4 (giá trị đạt 22.850 tỷ đồng). Tổng giá trị giao dịch trên HoSE bao gồm thỏa thuận đạt mức 23.533 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD).
Về mặt khối lượng giao dịch, con số 1,47 tỷ cổ phiếu khớp lệnh phiên hôm nay cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm. Điều đáng lưu ý là hôm nay không có pha “giải cứu” nào đẩy thanh khoản tăng đột biến trên một cổ phiếu như một số phiên gần đây. Điều này cho thấy dòng tiền lan tỏa khá tích cực nhưng mặt khác cũng phản ánh áp lực chốt lời trên diện rộng sau nhịp tăng mạnh vừa qua.
Đóng góp đáng kể vào sự sôi động này là giao dịch đầy tích cực đến từ khối ngoại khi mua ròng hơn 817 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Mặc dù nhóm này đã chấm dứt chuỗi mua ròng hàng nghìn tỷ đồng gần đây, song xu hướng mua ròng tích cực được tiếp nối từ tháng trước vẫn là điểm sáng cho thị trường chung. Trước đó trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng lên đến 16.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn chứng khoán Việt Nam, con số kỷ lục trong lịch sử.
Một trong những yếu tố có thể thúc đẩy dòng tiền nhập cuộc trong giai đoạn này đến từ mức định giá rất thấp của thị trường và nhiều cổ phiếu Bluechips. Theo đó, P/E trailing của VN-Index hiện đã rơi xuống mức 11 lần gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012. Cùng với đó, định giá của nhiều cổ phiếu lớn đã về gần giá trị sổ sách với P/B xấp xỉ 1 lần, điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo chứng khoán BSC, diễn biến tích cực của khối ngoại cùng tâm lý lạc quan tiếp tục được duy trì thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, thông điệp bắt đầu giảm nhịp độ tăng lãi suất từ T12/2022 của chủ tịch FED sẽ là tiền đề quan trọng để các NHTW khác trên thế giới trong đó có SBV sẽ giảm bớt áp lực trong việc điều hành tỷ giá, lãi suất để từ đó tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế trước viễn cảnh một số nền kinh tế có thể xảy ra suy thoái vào năm 2023.
Với sự quay trở lại mạnh mẽ của dòng tiền NĐT nước ngoài cũng như một số diễn biến trên thế giới trong giai đoạn vừa qua, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành có triển vọng và tiềm năng, bao gồm: nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm hưởng lợi nếu Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế (nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch).
Ở một khía cạnh khác, VN-Index dường như đang có phản ứng trái chiều trước thông tin nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%.
Theo ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng đây là thông tin rất tích cực, giúp khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Việc nới room tín dụng trong thời điểm này cho thấy chính sách của NHNN rất linh hoạt, mềm dẻo.
Về tác động đến TTCK, ông Khánh cho rằng thông tin này sẽ như “làn gió mới” giúp thị trường tiếp tục tích cực trong ngắn hạn, song mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. Bởi thị trường đã phục hồi mạnh trong thời gian vừa qua nên khó thể tiếp tục bứt phá khi dòng tiền có thể sẽ có sự chọn lọc, phân hoá.