Thương mại điện tử 2024: Duy nhất một thương hiệu nội địa lọt top 10 doanh số, hơn 324 triệu sản phẩm được nhập vào Việt Nam qua Shopee

Minh Anh | 11:00 04/02/2025

Năm 2024, tính riêng trên Shopee, hơn 324,1 triệu sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam và tạo ra hơn 14.200 tỷ đồng doanh thu, đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá mới có thể cạnh tranh.

Thương mại điện tử 2024: Duy nhất một thương hiệu nội địa lọt top 10 doanh số, hơn 324 triệu sản phẩm được nhập vào Việt Nam qua Shopee
Ảnh minh họa.

Doanh số bùng nổ nhưng số lượng nhà bán hàng giảm

Theo Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025 do Metric mới phát hành, tổng doanh số năm 2024 của 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 318.900 tỷ đồng, tăng trưởng 37,36% so với năm 2023.

Đồng thời, tổng sản lượng tiêu thụ cũng đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%, cho thấy sức mua của thị trường vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20,25% xuống còn 650.000 shop, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều nhà bán nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải rời thị trường, nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.

tmdt-2024.png
Nguồn: Metric

Bên cạnh đó, Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận tăng trưởng doanh số mạnh mẽ, lần lượt là 69,79% và 181,31%, phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và cửa hàng có độ tin cậy cao.

Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà bán lẻ về việc nâng cao trải nghiệm mua sắm, cải thiện chất lượng dịch vụ và xây dựng chiến lược phát triển bền vững để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường”, Metric nhận định.

Sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu, chỉ một thương hiệu Việt lọt top 10 doanh số cao nhất

Số liệu đáng chú ý được Metric đưa ra là trong năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam trên sàn Shopee, tạo ra hơn 14.200 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hiện diện của 31.500 nhà bán nước ngoài đang tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp với các shop nội địa trên thị trường sàn bán lẻ trực tuyến.

nhap-khau.png
Nguồn: Metric

Các nhà bán nước ngoài đang chiếm gần 11% tổng số shop trên Shopee tại Việt Nam, một phần phản ánh sức hấp dẫn của các sản phẩm quốc tế đối với người tiêu dùng Việt, đặc biệt trong các ngành hàng làm đẹp, thời trang,...với giá rẻ (trung bình 43.682 đồng/sản phẩm) và mẫu mã đa dạng.

Các shop nội địa có thể đối mặt với thách thức trong việc duy trì thị phần nếu không tăng cường chiến lược cạnh tranh và cải thiện chất lượng sản phẩm”, Metric phân tích.

Việc người tiêu dùng Việt không còn quá e ngại khi đặt mua đồ từ nước ngoài cũng xuất phát từ một số yếu tố như hệ thống logistics phát triển, giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm. Ngoài ra, các sàn TMĐT cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài.

Về ngành hàng, Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống và Thời trang nữ là 3 lĩnh vực mang lại doanh số nhiều nhất cho các sàn TMĐT. Tuy nhiên, Bách hóa – Thực phẩm mới là ngành hàng nổi bật với mức tăng trưởng lên đến 76,3% - cao nhất trong số các ngành hàng.

Xu hướng này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm, khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ truyền thống hoặc siêu thị.

Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này bao gồm sự tiện lợi và tốc độ giao hàng nhanh hơn, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi và mã giảm giá hấp dẫn cũng khiến việc mua thực phẩm online trở nên kinh tế hơn”, báo cáo của Metric có đoạn.

Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất năm 2024 (số liệu từ 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo), Vinamilk là thương hiệu nội địa duy nhất, còn lại là các thương hiệu đến từ Mỹ, Trung Quốc… Tuy nhiên, Vinamilk có mức tăng trưởng khá tốt khi đã tăng 2 bậc so với năm 2023, lên vị trí thứ 7 và tăng trưởng 49,08%.

thuong-hieu.png
Nguồn: Metric

Nhìn vào top 10, có thể thấy các thương hiệu công nghệ duy trì vị thế dẫn đầu, với 4 cái tên đạt doanh số cao nhất là Apple, Samsung, Xiaomi và OPPO. Đáng chú ý nhất là OPPO khi mới xuất hiện trong top 10 năm nay, nhưng đã đứng ở vị trí thứ 4 với mức tăng trưởng mạnh mẽ 114,12%.

Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục là điểm sáng với Ensure, Vinamilk và HUGGIES đạt mức tăng trưởng ổn định so với năm 2023, phản ánh xu hướng ưu tiên các sản phẩm thiết yếu và chăm sóc cá nhân.

Ngược lại, các thương hiệu trong ngành Điện gia dụng và Nhà cửa – Đời sống như Philips lại gặp khó khăn với doanh số giảm sâu, cho thấy sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu của người tiêu dùng.


(0) Bình luận
Thương mại điện tử 2024: Duy nhất một thương hiệu nội địa lọt top 10 doanh số, hơn 324 triệu sản phẩm được nhập vào Việt Nam qua Shopee
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO