Với mong muốn tạo công ăn việc làm, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tháng 7/2018, TokyoLife đã mở xưởng may Thiên thần tại Long Biên (Hà Nội). Đây là nơi tuyển dụng, dạy nghề miễn phí, trả lương cho người khuyết tật cao hơn mặt bằng chung.
Hiện, TokyoLife có 150 người khuyết tật đang làm việc ở hầu hết các khâu như may, chăm sóc khách hàng, IT, đào tạo, bán hàng… Ở đây họ được gọi là "Thiên thần", vì theo một đại diện của TokyoLife "người khuyết tật dạy cho chúng tôi về tình yêu thương, sự gắn kết và lòng tử tế".
Nguyễn Thị Thư (23 tuổi, quê Bắc Giang) đã từng làm việc ở xưởng may ở gần nhà. Nhưng ở đó, cô bị ép phải làm việc nhanh như người bình thường. Trong khi, đôi tay của cô với những ngón chưa đến một cm không thể nào điều khiển linh hoạt. Quá tủi thân, cô gục xuống bàn may mà khóc. Chỉ 6 tháng làm việc ở đây, cô gái trẻ này đã phải khóc đến hàng chục lần. Không những thế, việc nợ lương thường xuyên khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Tìm kiếm trên mạng, Thư biết TokyoLife đang tuyển công nhân khuyết tật cho xưởng may Thiên thần. Thư suy nghĩ, lưỡng lự vì sợ bị lừa, sợ lại áp lực như xưởng cũ. Nhưng rồi cô đã nhắm mắt đưa chân với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Và khi đến làm việc, cô thấy mọi người vui vẻ, hoà đồng. Người lành sẵn sàng hỗ trợ người khuyết tật. Lúc đó Thư thở phào nhẹ nhõm. Hiện, cô gái quê Bắc Giang có mức lương 8-9 triệu đồng mỗi tháng, khá cao so với mặt bằng chung của một công nhân may khuyết tật.
Còn chị Nguyễn Thị Diệu bị co giật từ nhỏ, đến 4-5 tuổi mới biết đi. Với chiều cao chỉ khoảng 1,3 m cùng bàn tay kém linh hoạt, chị chỉ quanh quẩn ở nhà làm thợ “đụng”, nghĩa là đụng đâu làm đó. Thu nhập bấp bênh chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Chị quyết định phải đi học may mong thay đổi cuộc đời. Được hội người khuyết tật ở quê nhà (Như Thanh, Thanh Hoá) giới thiệu đến TokyoLife, ban đầu chị cũng ngại ngần nhưng khi vừa đến thì “thích lắm". Mọi người thân thiện với nhau. Tổ trưởng hay quản lý đều giúp đỡ chị.
Đặc biệt, năm ngoái khi công ty cho đi khám định kỳ, chị phát hiện bị sỏi thận. Bác sĩ cho biết nếu không mổ nhanh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ. Hoảng sợ, chị nhập viện gấp mà không có tiền hay người thân bên cạnh. Và chính những người đồng nghiệp ở xưởng may Thiên thần đã cho chị vay tiền, chăm sóc chị trong thời gian chờ người nhà ra đến Hà Nội.
Lê Văn Trọng bị lùn bẩm sinh. Dù đã 28 tuổi nhưng anh chỉ cao khoảng 1,3 m. Trước đây, anh làm ở xưởng may tại Đông Anh (Hà Nội). Mỗi ngày, anh phải bắt 4 chặng xe buýt hết 90 phút để đi từ quê nhà (Quế Võ - Bắc Ninh) đến nơi làm việc.
Từ khi chuyển sang xưởng may Thiên thần của TokyoLife, anh được ở nhà chung miễn phí. Mỗi ngày, anh chỉ cần đi bộ 7-10 phút là tới nơi.
Còn với Hiền (18 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) thì giá trị lớn nhất mà xưởng may Thiên thần mang lại là được làm việc chung với những người khiếm thính như mình. Qua ngôn ngữ ký hiệu, Hiền có thể chia sẻ những câu chuyện thường ngày chứ không lủi thủi một mình như trước nữa. Vì thế, dù mới làm được một tháng, Hiền đã quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nơi này.
Xưởng may của TokyoLife cũng là nơi chắp cánh cho những chuyện tình đẹp của các cặp đôi khuyết tật. Anh Vũ Văn Kiên (sinh năm 1993) khi thấy chị Phùng Thị Bạch (sinh năm 1998) nói chuyện vui tính trong nhóm chat chung thì tìm cách kết bạn. Sống cùng ở nhà chung, anh chị chia sẻ với nhau những công việc thường ngày. Một lần, anh đánh bạo rủ chị ra công viên hóng mát rồi thổ lộ tình cảm. Thấy anh chân thành lại có khuôn mặt dễ thương, chị Bạch liền gật đầu đồng ý. Và rồi, cặp đôi mới quen 3 tháng đã làm đám cưới trong sự chúc mừng của toàn bộ công nhân viên trong xưởng.
Trước đó, cả hai người đều đã có những giai đoạn rất khó khăn. Trong dịch Covid-19, anh làm ở xưởng may khác và bị nợ lương. Còn chị, ở nơi làm trước, vì không làm được nhanh như người bình thường nên tủi thân, tâm lý nặng nề. May mắn, cả hai tìm được đến xưởng may Thiên thần. Nơi đây không chỉ làm thay đổi đời sống kinh tế mà góp phần tạo nên tổ ấm hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ.
Chị Nguyễn Thị Thoa, quản lý xưởng may Thiên thần cho biết, việc quản lý người khuyết tật khiến chị có những thay đổi tích cực như biết yêu thương nhiều hơn, thông cảm hơn, sẵn sàng cho đi nhiều hơn. Đặc biệt, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chị lại nhìn vào các bạn khuyết tật và thầm nghĩ: “Các bạn khó khăn như thế mà còn vượt qua được, lẽ nào mình lại bỏ cuộc?”
Không chỉ làm việc ở xưởng may, người khuyết tật còn làm nhân viên tại các cửa hàng của TokyoLife. Nguyễn Thị Hạnh, quản lý cửa hàng TokyoLife Thái Hà (Hà Nội) cho biết cửa hàng có 6 người bình thường và 6 người khiếm thính. Các bạn khiếm thính đều rất chăm chỉ, yêu công việc.
Ban đầu, nhiều khách hàng không biết TokyoLife sử dụng nhân viên là người khiếm thính nên phàn nàn, khó chịu khi gọi mà các bạn không nghe. Hoặc đôi lúc cũng có người không hài lòng vì các bạn khiếm thính không thể tư vấn kỹ về màu sắc hay size sản phẩm. Nhưng khi biết TokyoLife tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật thì khách dần thông cảm, cởi mở hơn, thậm chí mua nhiều hơn để ủng hộ các bạn.
Tô Nhật Linh là một nhân viên ở cửa hàng TokyoLife. Bị ốm nặng khi mới 8 tháng tuổi dẫn đến liệt dây thần kinh thính giác, Linh từng có cuộc sống rất khó khăn khi phải chuyển từ Hà Giang đến Tuyên Quang rồi Hà Nội để theo học ngôn ngữ ký hiệu. Linh từng làm hoa thủ công và đóng gói tăm nhưng thu nhập không đáng kể.
Bốn năm trước, được các cô giáo giới thiệu vào TokyoLife, Linh đã được các bạn đồng nghiệp và quản lý hướng dẫn rất nhiều. Cô gái Hà Giang trở nên tự tin hơn, tư vấn nhiệt tình cho khách. Nhiều khách hàng không những mua nhiều mà còn gửi lời cảm ơn làm Linh rất hạnh phúc. Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Linh có doanh thu tốt và sắp được công ty thưởng một chuyến du lịch Nam Ninh (Trung Quốc).
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám đốc Hạnh phúc của TokyoLife cho biết, từ năm 2017, dự án đã giúp đỡ cho khoảng 300 người khuyết tật. Các bạn đã có những sự thay đổi rất lớn. Ban đầu, hầu hết các bạn nhút nhát do chưa từng rời khỏi vòng tay bố mẹ nhưng bây giờ các bạn đã tự tin giao tiếp, hoà nhập với các bạn bình thường trong công ty. Có những bạn đã kết hôn, tự xây dựng được hạnh phúc cho riêng mình.
Để lan toả mô hình này, TokyoLife sẵn sàng hỗ trợ truyền thông, tuyển dụng, hướng dẫn đào tạo cho các doanh nghiệp khác để tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.
"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/Human...