Ngày 2/4, thương hiệu trà - cà phê Katinat Saigon Kafe đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội trên đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Chuỗi này còn dự kiến có thêm 2 cửa hàng khác tại đường Nguyễn Chí Thanh (Quận Đống Đa) và Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình).
Thời điểm phóng viên đến cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt là 1 giờ chiều, khoảng thời gian nghỉ trưa của dân công sở. Lúc này đã có khá nhiều người đến xếp hàng và chờ đợi để được thưởng thức. Phải mất khoảng hơn 30 phút phóng viên mới order và nhận được đồ uống. Nếu là buổi tối, số lượng xếp hàng và thời gian chờ đợi thậm chí có thể lâu hơn.
Trước Katinat Saigon Kafe, đã có một số thương hiệu đình đám khác tại TP.HCM 'Bắc tiến' có thể kể đến như Cheese Coffee mở cửa hàng đầu tiên tại đường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), hay Phúc Long được người dân Thủ đô nhớ mặt gọi tên với số lượng kios rộng khắp. Cùng lúc mở 3 cửa hàng tại Hà Nội, liệu Katinat có cơ hội?
Thương hiệu quen mặt tại TP.HCM
Thành lập năm 2016, Katinat Saigon Kafe được đặt dưới sự quản lý của CTCP Cafe Katinat. Cái tên Katinat được truyền cảm hứng từ đường Catinat (tên cũ của đường Đồng Khởi). Do đó, cửa hàng đại diện của thương hiệu này cũng được đặt tại vị trí đắc địa là số 91, đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Đến cuối năm 2021, chuỗi cửa hàng Katinat Saigon Kafe đã có 10 chi nhánh ở TP.HCM nằm tập trung tại Quận 1 và Quận 3 và một cửa hàng tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Ở thời điểm đó, thương hiệu này chưa mấy nổi danh bởi họ không tiến hành bất cứ chiến dịch tiếp thị (marketing) rầm rộ nào trên các kênh truyền thông.
Tuy nhiên, bước ngoặt phát triển đã đến kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ và Việt Nam bước vào thời kỳ “bình thường mới”, được xem là thời điểm mà thị trường F&B (Food and Beverage - Thực phẩm và đồ uống) tái cơ cấu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa các cửa hàng để cắt giảm chi phí, giữ dòng tiền dương.
Tận dụng cơ hội này, Katinat Saigon Kafe liên tục mở rộng thêm nhiều chi nhánh. Sau 6 năm, Katinat hiện có tổng cộng 46 cửa hàng: TP.HCM (40), Bình Dương (1), Đồng Nai (2), Cần Thơ (1), Lâm Đồng (1), Tiền Giang (1). So với các "gã khổng lồ" như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legends,... thì không đáng là bao nhưng bấy nhiêu cũng đủ để khẳng định thực lực trên chiến trường đầy rẫy các chuỗi nhỏ lẻ khác.
Phần lớn các cửa hàng đều được đặt tại các khu phố nhộn nhịp, sầm uất tại TP.HCM như Đồng Khởi, Hàm Nghi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Theo đó, chuỗi cửa hàng này phục vụ hơn 1.000.000 ly trà và cà phê mỗi tháng.
Chinh phục thị trường Hà Nội
Katinat Saigon Kafe thường chọn vị trí có tầm nhìn mở, nằm ở các góc phố đông đúc, sở hữu 2 mặt tiền, giống như cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội nằm giao nhau giữa đường Lý Thường Kiệt và Quán Sứ. Hiện tại, các cửa hàng của chuỗi này đều có không gian rộng rãi và cao tầng, phổ biến là từ 2 đến 3 tầng. Nhiều chuỗi cửa hàng đồ uống tại Hà Nội cũng có cách lựa chọn vị trí tương tự như Aha, KAFA, LAIKA,...
Về đồ uống, chuỗi Katinat Saigon Kafe ban đầu được định hướng với phong cách thưởng thức cà phê vỉa hè theo kiểu Sài Gòn. Tới thời điểm hiện tại, chuỗi này tập trung nhiều vào các sản phẩm trà sữa, phù hợp với thị hiếu của đối tượng khách hàng trẻ trung, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
Menu của Katinat hiện có hơn 40 loại thức uống từ truyền thống như cà phê sữa đá, Latte cho đến các món đồ uống hiện đại như trà đào hồng đài, trà ô long macchiato hay độc lạ với trà cocktail, trà sữa chôm chôm,...
Với menu này, Katinat có thể phục vụ cho số đông khách hàng đại trà nhưng vẫn nổi bật lên điểm nhấn thể hiện sự sáng tạo trong nghiên cứu hương vị đồ uống. Trong khi Highlands tập trung nhiều vào giới văn phòng và các dòng đồ uống truyền thống thì Katinat Saigon Kafe lại thường bắt kịp xu hướng đồ uống theo mùa.
Đi cùng với menu đồ uống đa dạng, giá cả của Katinat cũng có sự trải dài, dao động từ 32.000 - 65.000 đồng. Điều này giúp Katinat phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Mức giá đồ uống của thương hiệu này được đánh giá cùng phân khúc với một số chuỗi trà-cà phê như Phúc Long, Cheese Coffee hay Phê La.
Có 2 size đồ uống M và L, chênh nhau khoảng 10.000 – 15.000 đồng, có thể phục vụ từ các bạn học sinh, sinh viên có khả năng chi tiêu hạn chế cho tới người làm văn phòng, người trưởng thành có khả năng chi “mạnh tay” hơn.
Đây cũng chính là 2 tệp khách hàng chủ yếu của Katinat: Gen Y và Gen Z. Đối với Gen Y, tệp khách hàng văn phòng và người trưởng thành, Katinat phải thuyết phục họ bằng đồ uống chất lượng và không gian làm việc.
Vị trí mà Katinat Saigon Kafe lựa chọn mở rộng tại Hà Nội là trung tâm "ăn-chơi" của giới trẻ và gần với khu vực nhiều văn phòng. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho Gen Y tại Hà Nội khi họ có thể trải nghiệm thương hiệu ngay trong khoảng thời gian nghỉ trưa thay vì để đến cuối tuần.
Đồng thời, Katinat gây ấn tượng mạnh mẽ với giới trẻ Gen Z Hà Nội bằng không gian kiến trúc cổ điển nhưng không kém phần hiện đại từ ngoại thất cho tới nội thất, trở thành một nơi phù hợp để vừa làm việc vừa ‘check-in’ sống ảo.
Theo chia sẻ trên trang cá nhân của ông Hoàng Tùng, một chuyên gia trong lĩnh vực F&B, việc "Bắc tiến" của Katinat Saigon Kafe là đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, ông cho rằng Katinat định vị là cafe Sài Gòn style, thế nên sản phẩm chủ đạo nên gắn với gốc cafe. Nếu có được những sản phẩm chủ đạo, thực sự gây thương nhớ mạnh mẽ thì Katinat sẽ phát triển bền vững hơn tại thị trường miền Bắc.