Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất chủ trương mở rộng đường Láng gấp đôi hiện tại từ 10,5m mỗi làn lên tổng 53,5m chiều rộng. Đáng chú ý, mức đầu tư dự kiến cho đoạn đường 3,8km là 17.241 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 541 tỷ đồng, còn chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 16.700 tỷ đồng (chiếm 96,8%). Con số chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Nhận định về vấn đề trên, chuyên gia luật và chính sách công Nguyễn Minh Đức hiện công tác tại Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, mỗi khi Nhà nước mở rộng đường, đặc biệt là các đường nội đô, sẽ nảy sinh vấn đề rất lớn.
“Nhà nước phải bỏ số tiền vô cùng lớn để giải phóng mặt bằng, đền bù cho người đang mặt đường. Như đường Láng, dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng là 16,7 nghìn tỷ, chiếm 98,2% chi phí dự án. Những người có đất ở trong ngõ, tự dưng được ra mặt đường to thì được hưởng lợi khổng lồ, mỗi mét vuông đất tăng giá hàng chục lần. Việc một số cá nhân không lao động gì thêm, không có tài năng gì, mà bỗng dưng được hưởng một lợi ích rất lớn sẽ bào mòn hệ giá trị của xã hội. Người ta sẽ thấy rằng may hơn khôn, mua trúng mảnh đất là đổi đời”, ông Đức chia sẻ quan điểm.
Cũng theo ông Đức, tình trạng trên còn tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm hơn khi lợi ích quá lớn sẽ có nguy cơ tạo ra tham nhũng hoặc bóp méo chính sách. Những người biết trước quy hoạch có thể giao dịch nội gián, mua trước đất trong hẻm để thu lợi. Thậm chí lợi ích này có thể khiến cán bộ cố tình bóp méo quy hoạch để đất của mình hoặc lãnh đạo ra mặt đường đẹp, ông Đức phân tích.
Thu hồi đất 2 bên đường để đấu giá có khả thi?
Thực trạng nói trên đã tồn tại lâu nay khi Nhà nước triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra giải pháp thu hồi đất thêm ở hai bên đường.
Cụ thể, khi triển khai mới hay mở rộng một tuyến đường sẽ thu hồi thêm các diện tích đất 2 bên chỉ giới đường đỏ với giá theo quy định căn cứ theo vị trí hiện tại sau đó Nhà nước bán đấu giá với giá đất ngoài mặt đường. Tiền chênh lệch thu được sẽ giảm, thậm chí còn có lời khi triển khai dự án giao thông.
Dù được cho là rất “hợp lý” nhưng theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức giải pháp trên lại “rất kém khả thi”.
“Bạn cứ thử đặt mình vào vị trí một người đang có nhà trong hẻm. Một ngày Nhà nước thông báo là dự kiến sẽ mở đường, khiến mảnh đất của bạn được ra mặt phố. Bạn đang hý hửng tưởng là sắp giàu to rồi, bán cái nhà này đi là có vài chục tỷ dưỡng già. Nhà nước lại thông báo thêm là dự kiến sẽ thu hồi luôn đất của bạn và đền bù cho bạn với giá vài trăm triệu. Khi Nhà nước đưa dự án ra lấy ý kiến, bạn lại chẳng nhảy dựng lên, lôi kéo hàng xóm biểu tình phản đối việc thu hồi thêm đất hai bên đường vì cho rằng đất đai cha ông tôi để lại ba đời mà họ thu hồi với giá bèo rồi đấu giá bán gấp 5 gấp 10”, ông Đức nêu quan điểm.
Thuế tài sản, giải pháp “tốt cho cả hai”
Từ những vấn đề đặt ra liên quan đến câu chuyện xử lý chênh lệch địa đô một cách hài hòa, hợp lý khi Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyên gia Nguyễn Minh Đức cho rằng thuế tài sản có thể được xem xét như là một giải pháp “tốt cho cả hai”.
“Thuế tài sản thu trên giá trị bất động sản anh có. Ví dụ thu 1% mỗi năm. Nếu anh có nhà trong hẻm, giá trị đất khoảng 500 triệu, thì mỗi năm anh nộp thuế 5 triệu mỗi năm. Nếu cũng căn nhà đó mà ra mặt đường, giá trị tăng lên thành 10 tỷ, thì số tiền thuế anh phải nộp tăng lên 100 triệu mỗi năm”, ông Đức đặt vấn đề.
Theo ông Đức, việc áp dụng cơ chế thuế sẽ ít bị phản đối hơn cơ chế thu hồi đất, vì số tiền này nộp dần dần từng năm chứ không phải là mất một lần. Anh có thể cho thuê mặt bằng, số tiền thu được chắc chắn thừa để nộp thuế.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng thuế tài sản sẽ có cái lợi nữa là không chỉ xử lý được trường hợp Nhà nước làm đường mà sẽ rất khả dĩ trong trường hợp xây dựng các hạ tầng như công viên, sân bay, trường học thì người dân quanh đó hưởng lợi, giá đất tăng lên thì khoản thuế thu được cũng lớn hơn.
“Nhà nước làm công viên, sân bay, trường học,… thì khó mà có thể thu hồi đất quanh công viên rồi đấu giá lại”, ông Đức nhận định.
Về góc độ các đơn vị quản lý, theo ông Đức, việc thu thuế tài sản cũng sẽ giúp chính quyền địa phương sẽ có động lực để làm công viên, đường xá, trường học thay vì chỉ tập trung cấp phép đất làm nhà ở hay trung tâm thương mại, vì làm công viên cũng ra tiền, chứ không phải chỉ cấp phép đất ở mới ra tiền.
“Nhiều người đề nghị thuế tài sản phải đánh lũy tiến, đánh từ căn nhà thứ hai trở lên, như vậy lại đòi hỏi phải xác định chính xác chủ sở hữu. Tuy nhiên, giai đoạn đầu có thể đơn giản là đánh đồng loạt bằng nhau hết, cứ phần trăm giá trị tài sản, không cần luỹ tiến. Hiện nay, Việt Nam đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng thuế này rất thấp. Một căn nhà to đẹp vài chục tỷ ở Hà Nội mà thuế mỗi năm có vài trăm nghìn, không đáng để Nhà nước và người dân bận tâm”, ông Đức nêu quan điểm.