Thực hư thông tin MB tham gia “giải cứu” OceanBank…

Nguyên Hà | 23:08 10/03/2022

Tại báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán mới đây đã đề cập đến tin đồn cho rằng MB sẽ hỗ trợ một ngân hàng “0 đồng” là OceanBank.

Thực hư thông tin MB tham gia “giải cứu” OceanBank…
OceanBank có thể là thương vụ có lợi cho MB

Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và  tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

Thực hư việc MB sẽ tham gia “giải cứu” ngân hàng “0 đồng”

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) ngày 15/1 vừa qua, bên cạnh khách mời từ Ngân hàng Nhà nước, hội nghị còn có sự xuất hiện của hai vị lãnh đạo đến từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành - Giám đốc khối CIB MB. 

Theo thông tin từ OceanBank, phát biểu với tư cách khách mời của Hội nghị, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc MB cho biết: Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. 

Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. MB cũng  sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai. 

Với diễn biến trên, thông tin MB sẽ tham gia tái cơ cấu OceanBank không phải là không có cơ sở. 

Hé lộ tình trạng OceanBank sau 6 năm 

Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá "0 đồng" và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương. Từ đó đến nay, tình trạng của ngân hàng này vẫn không được công bố rộng rãi.

Báo cáo của công ty chứng khoán mới đây đã hé lộ tình hình của OceanBank. Theo  đó, tại thời điểm cuối 2020, dư nợ cho vay của OceanBank đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, một nửa trong đó là nợ xấu. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng là 8,4 nghìn tỷ đồng. 

Tiền gửi khách hàng là 32 nghìn tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu là âm 14 nghìn tỷ đồng (mất khả năng thanh toán). Ngân hàng vẫn chịu lỗ, do nguồn thu nhập hạn chế từ cho vay và tiền gửi khách hàng mới được sử dụng để trả lãi cho khách hàng cũ. Chi phí hoạt động không được tối ưu. 

Với tình trạng của OceanBank hiện tại, nhà đầu tư có thể lo lắng nếu MB tham gia tái cơ cấu. Trong quá khứ, việc giải cứu ngân hàng “0 đồng” được xem như là nghĩa vụ bắt buộc với một số ngân hàng lớn và kết quả không đạt kỳ vọng sau 7 năm vừa qua.

Tuy nhiên, ở tình hình hiện tại, nếu thương vụ MB -  OceanBank diễn ra, khả năng sẽ không giống với những thương vụ M&A truyền thống. 

Nếu MB tham gia tái cơ cấu…

Theo đánh giá của nhóm phân tích, Quy định của Luật các  Tổ chức tín dụng đã đưa ra một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng hỗ trợ, gồm: 

(1) Lựa chọn, giới thiệu và điều động cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện tham gia quản trị, kiểm soát và điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;
(2) Cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt;
(3) Bán nợ, trái phiếu doanh nghiệp đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;
(4) Được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt;
(5) Không bị hạn chế về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
(6) Các khoản cho vay, tiền gửi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Ngoài ra theo Điều 151 Luật các Tổ chức tín dụng, bên nhận chuyển giao có quyền và lợi ích như sau: 

(1) Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
(2) Không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;
(3) Được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất;
(4) Khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao;
(5) Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được thực hiện theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;
(6) Được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; 

Ngoài quyền lợi theo quy định, thực tế cho thấy, những năm qua, khi các ngân hàng hỗ trợ một số quỹ tín dụng, họ thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. 

Dựa theo tính toán sơ bộ, theo quan điểm của nhóm phân tích, đây sẽ giống một thương vụ hai bên cùng có lợi, hơn là việc MB hoàn thành một nghĩa vụ bắt buộc nào đó.

Lần này Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn với một số lợi ích dành cho các ngân hàng nhận chuyển giao nhằm tạo động lực lớn hơn để các ngân hàng lớn tham gia vào hỗ trợ ngân hàng “0 đồng”. 

Có thể MB cần thời gian để áp dụng và tích hợp hệ thống và mô hình hoạt động vào OceanBank. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực quản lý sang OceanBank cũng có thể tạo rủi ro cho MB. Một rủi ro khác là chu kỳ kinh tế kém thuận lợi khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt.

Tuy nhiên khả năng cao với sự hỗ trợ thanh khoản lớn cả từ phía Ngân hàng Nhà nước, MB không nhất thiết phải rót vốn ngay trong giai đoạn tiếp quản ban đầu.

Nhìn chung, OceanBank có thể là thương vụ có lợi cho MB và giúp MB tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn nếu ban lãnh đạo có thể chèo lái con thuyền đi đúng hướng.

Trong trường hợp đó, thương vụ này cũng đem lại lợi ích kinh tế tích cực về dài hạn. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thực hư thông tin MB tham gia “giải cứu” OceanBank…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO