Thủ tướng yêu cầu xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023

Lê Sáng | 09:42 19/12/2023

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đẩy mạnh xử lý nợ xấu; xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Thông báo số 527/TB-VPCP, trong 11 tháng của năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, bên cạnh đó nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, tác động ảnh hưởng sau COVID-19 còn kéo dài.

Cũng theo thông báo kết luận của Thủ tướng, tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với không ít tồn tại, trong đó nổi cộm là nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay hoặc kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư số 06/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2878/TB-TTKQH ngày 16 tháng 10 năm 2023. Nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ mới cho các dự án xanh, chuyển đổi số.

Triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023.

Loại bỏ tín dụng đen

Đối với công tác phát triển tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô… nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức, góp phần loại bỏ tín dụng đen.

Tiếp tục có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả chỉ đạo triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện/yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà. Tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời hiệu, quả các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.

Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đối với chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng Đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.

Tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.

Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng yêu cầu xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO