Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn

Lê Sáng | 07:31 15/09/2023

Tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn,… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

12 nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các DNNN phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể.

Thứ ba, tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Thứ tư, các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL....

Thứ năm, các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.

Thứ sáu, các DNNN góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các ưu đãi cần thiết với DNNN để phát triển nhanh, bền vững.

Thứ bảy, đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội.

Thứ tám, đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những người yếu thế, khó khăn, những người gặp hoạn nạn...; chăm lo cải thiện đời sống công nhân, người lao động.

Thứ chín, các DNNN cùng nhau, cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

Thứ mười, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN...

Mười một, các DNNN cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn thach thức, đoàn kết, thống nhất nhưng cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp.

Mười hai, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.

Doanh nghiệp nhà nước đang nắm hơn 3,8 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%.

Dù số lượng doanh nghiệp nhà nước ít nhưng theo Bộ KH&ĐT, các doanh nghiệp này nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước).

Cũng theo Bộ KH&ĐT, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn-tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Đáng giá chung năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Bộ KH&ĐT cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT đánh giá, vẫn có nhiều doanh nghiệp nhà nước còn gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…

Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước là 689.534 tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ đạt đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra, đồng thời nộp ngân sách 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO