Sáng nay (21/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Hội nghị này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý những vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nhất là già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động khó lường cũng như rủi ro từ tình hình quốc tế và khu vực.
Thủ tướng chỉ rõ 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, từ đó tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Đặc biệt, một trong những lưu ý quan trọng của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị này có liên quan tới NHNN. Theo đó, trước tiên, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Thứ hai, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng.
Thứ tư, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thứ năm, NHNN thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà.
Cuối cùng, NHNN cần thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội.
NHNN sẽ triển khai các gói tín dụng lớn

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng bày tỏ quyết tâm cao quán triệt sâu sắc tinh thần tăng trưởng tăng tốc bức phá, làm thế nào để góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên để tạo đà cho phát triển kinh tế cao trong những năm sau.
Theo Thống đốc, trước những căng thẳng thay đổi về chính sách thương mại, thị trường tài chính sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo đó, chính sách tiền tệ, tỉ giá của các ngân hàng trung ương trên thế giới và của NHNN Việt Nam cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực. Hiện nay, mặc dù tình hình trong nước cải thiện những vẫn còn có những khó khăn thách thức. Doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh trên và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, theo Thống đốc, những trọng tâm NHNN tập trung điều hành, bao gồm như sau:
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây được coi là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Thứ hai, trong năm 2025, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động. NHNN căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5 - 5% để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng như là gói tín dụng thủy sản 100 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120 nghìn tỷ đồng.
Đối với nội dung lãi suất và tỷ giá, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức. Và những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào ra của nền kinh tế. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.
Đối với lãi suất, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho DN và người dân, cũng như kết hợp tổng thể các giải pháp điều hành về vấn đề tỷ giá.
Đặc biệt, với tín dụng nhà ở, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống.
"Tuy nhiên, với 120 nghìn tỷ đồng giải ngân hạn chế, chúng tôi cũng phân tích đánh giá đã là người dân có thu nhập thấp rồi thì không phải ai cũng có mong muốn đi vay để sở hữu một cái nhà", Thống đốc NHNN cho biết.
Vì vậy, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp. Về phía ngành ngân hàng, NHNN sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Gói vay mua nhà cho người dưới 35 tuổi của ngân hàng ACB. Ảnh: ACB
Trước đó, tại hội nghị với các ngân hàng thương mại sáng 11/2, Thủ tướng yêu cầu NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu và tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở cho người trẻ từ 18-35 tuổi.
Ngay sau khi tham dự hội nghị này, Ngân hàng ACB đã ra mắt gói vay "Ngôi nhà đầu tiên" dành cho người dưới 35 tuổi, với lãi suất từ 5,5% được cố định trong 5 năm, thời gian vay lên đến 30 năm. Theo đó, người vay có thể linh hoạt trả nợ với số tiền nhỏ trong những năm đầu và tăng dần theo thu nhập trong tương lai.