Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan” do Bộ Xây dựng và VCCI cùng phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI.
Kết quả cho thấy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và nhiều cấp chính quyền khác nhau.
Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI bổ sung, doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan.
Trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, 2 thủ tục dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp là kết nối cấp thoát nước và kết nối cấp điện khi tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với 2 thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%.
Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với 2 nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ tục được đánh giá.
Nghiên cứu chi phí thời gian trong hoạt động cấp phép xây dựng, một doanh nghiệp điển hình trung bình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, con số này không có thay đổi đáng kể so với khảo sát trong năm 2019.
Tuy nhiên, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2019.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, từ thực tế nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp mong chờ cải cách thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường.
Dư địa cải cách của ngành xây dựng vẫn còn nhiều, như cùng với việc cắt giảm thời gian ở mỗi thủ tục cần phải khắc phục được những mâu thuẫn và chồng chéo giữa các lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường.
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội Nhà thầu Việt Nam kiến nghị cho phép sửa đổi hợp đồng, quy định các chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng 30%, nhà thầu phải có bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng và một số bảo lãnh khác.
Công trình nếu chưa ký quyết toán không đưa vào sử dụng, phải có kiểm tra của Cục Giám định Nhà nước để có cơ sở cho các nhà thầu thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cần tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong việc lựa chọn chủ đầu tư, việc chuyển đổi từ đất khác sang đất nhà ở đô thị.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long thì nhấn mạnh đến việc cần thiết phải xây dựng chính sách riêng đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình. Kiến nghị xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ năm 2014 đến nay ngành xây dựng đã bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Riêng trong 10 tháng năm 2021 ngành xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59 trong tổng số 172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đạt tỉ lệ 34,3%; cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định và 7 Thông tư vào 2 Nghị định.
Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.