Chiều 5/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả quá trình tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 33 của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, qua quá trình tiến hành rà soát, làm việc với các địa phương đã nhận diện những khó khăn vướng mắc.
Một là khó khăn về mặt thể chế, vướng mắc về pháp luật của các dự án bất động sản. "Qua rà soát các dự án, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và pháp luật về nhà ở cũng như các luật khác có liên quan", Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết.
Thứ hai, khó khăn về thực thi ở các địa phương. Trong nhiều báo cáo, chúng tôi đều làm rõ việc trách nhiệm thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Thứ ba là những khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính ở các dự án bất động sản. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua.
"Trên cơ sở nhận diện khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Nghị quyết 33 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất dộng sản phát triển an toàn, ổn định, lành mạnh. Rồi 3 công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã có báo cáo cụ thể và trên cơ sở đề xuất củaTtổ công tác và các bộ ngành, vừa qua đã có những tháo gỡ", ông Sinh nói.
Thứ nhất về mặt thể chế, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, các bộ ngành đã ban hành nhiều thông tư để tháo gỡ khó khăn. Điển hình là Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mang lại hiệu quả ngay, bước đầu đã có những tín hiệu tốt để đảm bảo nguồn lực.
Thứ hai, Chính phủ ban hành Nghị định 10 sửa đổi một số điều của Nghị định thi hành Luật Đất đai. Việc này cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, nhất là những việc như cấp sổ hồng cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Chính phủ hiện đã trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó đưa toàn bộ nhóm chính sách về vướng mắc liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ V, thông qua vào kỳ họp thứ VI và có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội ban hành để tháo gỡ ngay cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó đã đưa ra nhiều sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch, nhà ở rồi thủ tục, đặc biệt là tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân giai đoạn từ nay đến 2030.
Đây là một trong những đề án có nhiều nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể để triển khai, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới. Đồng thời NHNN đã triển khai ngay gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ, đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể cho các đối tượng là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay để thực hiện đầu tư các dự án cũng như cho vay các đối tượng để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về điều kiện, chủ yếu là các dự án được vay, công bố cũng như ủy quyền cho các địa phương công bố các danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội để được vay nhanh nhất.
"Có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản", ông Sinh nói.