Thứ kim loại màu bạc khiến Trung Quốc đánh liều thâu tóm mỏ địa chất trên khắp thế giới, nếu thành công sẽ vô địch ngành công nghiệp mắt xích xe điện

Vũ Anh | 15:17 25/05/2023

Trung Quốc đang mạo hiểm chi hàng tỷ USD mua cổ phần tại gần 20 mỏ lithium.

Thứ kim loại màu bạc khiến Trung Quốc đánh liều thâu tóm mỏ địa chất trên khắp thế giới, nếu thành công sẽ vô địch ngành công nghiệp mắt xích xe điện

Các công ty Trung Quốc từ lâu đã thống trị ngành công nghiệp tinh chế lithium. Họ mong muốn giành được phần lớn thị phần thông qua việc thâu tóm các mỏ địa chất trên khắp thế giới, song đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở các nước phương Tây. 

Theo các chuyên gia, đây là một chiến lược mạo hiểm. Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD mua cổ phần tại các quốc gia có lịch sử bất ổn về chính trị và đi theo chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Các dự án thường xuyên phải đối mặt với sự chậm trễ, phản đối của chính quyền, thậm chí là hủy bỏ. Dẫu vậy, nếu Trung Quốc thành công, nước này có thể tiếp cận 1/3 năng lực sản xuất lithium vào năm 2025, theo ước tính của ngành.

Lithium, kim loại mềm, màu bạc, là thành phần quan trọng trong pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện và điện thoại thông minh. Theo công ty nghiên cứu Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, vào cuối thập kỷ này, nhu cầu có thể vượt xa nguồn cung khoảng 300.000 tấn.

Trung Quốc muốn nắm giữ nhiều lithium hơn trước những lo ngại trong việc tiếp cận nguồn cung. Canada và Úc, nơi có trữ lượng lithium lớn nhất nhì thế giới, mới đây đã chặn các khoản đầu tư của Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.

Susan Zou, phó chủ tịch của Rystad Energy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Na Uy, cho biết Trung Quốc, quốc gia hiện đang có 8% trữ lượng lithium của thế giới, “không có lựa chọn nào khác ngoài việc liều mình”.

Trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã chi 4,5 tỷ USD mua cổ phần tại gần 20 mỏ lithium, hầu hết ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, theo dữ liệu do Rystad và Benchmark tổng hợp. Các quốc gia như Mali và Nigeria được chọn làm nơi ‘gửi vàng’.

Vào tháng 12, Zimbabwe áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lithium chưa qua xử lý. Vào tháng 2, chính phủ Mexico đã phải ký một nghị định đẩy nhanh quá trình quốc hữu hóa dự trữ lithium của cả nước. Vào tháng 4, Tổng thống Chile thì đề xuất rằng các công ty tư nhân phải hợp tác với doanh nghiệp nhà nước nếu muốn khai thác lithium.

Bolivia là một trong những khu vực Trung Quốc đầu tư mạnh do nắm giữ khoảng 1/5 nguồn tài nguyên lithium của thế giới. Trước đó, một thỏa thuận vào năm 2019 nhằm giúp Trung Quốc khai thác lithium ở Bolivia đã đổ bể sau khi lãnh đạo ủng hộ dự án bị lật đổ. 

Bất chấp thách thức, các công ty Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn so với các đối tác phương Tây. CATL, công ty khổng lồ về pin, với sự hậu thuẫn của giới chức Bắc Kinh và mạng lưới rộng khắp các công ty dọc chuỗi cung ứng, là một ví dụ. 

im-787104.jpeg
Trung Quốc đang mạo hiểm chi hàng tỷ USD mua cổ phần tại gần 20 mỏ lithium.

“Nếu ai đó làm được thì chỉ có thể là các công ty Trung Quốc”, Emilio Soberón, chuyên gia phân tích từ công ty tư vấn khoáng sản SFA Oxford, cho biết. 

Theo WSJ, các nước đang phát triển thường thích hợp tác với Trung Quốc để tham gia chế biến, tinh chế hoặc sản xuất pin, do đó rất quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô ổn định. Ngược lại, các công ty Trung Quốc cũng rất cố gắng thu hút các khoản đầu tư như một cách để giúp các quốc gia này phát triển. 

“Người Trung Quốc đã làm chủ hoạt động khai thác ở Zimbabwe giống như cách họ làm ở nhiều quốc gia châu Phi tiềm năng khác”, Sam Hosack, giám đốc điều hành của công ty khai thác mỏ Prospect Resources, nói.

Thực tế, lithium mất nhiều năm để trở thành thứ kim loại chủ đạo. Được phát hiện vào năm 1817 bởi nhà hóa học Thụy Điển Johan August Arfwedson, song lithium không được sản xuất quy mô lớn mãi cho đến khi Mỹ bắt đầu dự trữ chúng để chế tạo vũ khí vào cuối những năm 1950. Lithium sau đó bắt đầu được sử dụng trong các hợp kim nhẹ, pin đồng xu và pin điện thoại di động vào những năm 1990.

Hiện tại, hơn một nửa nguồn cung thế giới được khai thác tại “Cánh đồng lithium” hay “Tam giác lithium” - khu vực biên giới giữa 3 quốc gia Argentina, Bolivia và Chile. Tại đây, nơi mỏ lithium Soquimich nằm trên sa mạc Atacama, các nhà sản xuất sẽ chiết rút lithium từ hồ nước muối bằng cách cho chúng tự bay hơi trong vòng 12-28 tháng. Tuy nhiên, công nghệ này hiện chỉ thu được khoảng 50% lượng lithium trong nước muối mà thôi.

Phần lớn nguồn cung còn lại đến từ trầm tích của một loại đá lửa tên spodumene, trong đó Australia là nhà khai thác lớn nhất. Chúng được đem lọc với axit sulfuric, sau đó chuyển đến Trung Quốc để sản xuất thành lithium hydroxit và lithium carbonate - những hợp chất có thể kết hợp với niken hoặc coban để tạo thành pin xe điện.

im-787093.jpeg
Các công ty Trung Quốc từ lâu đã thống trị ngành công nghiệp tinh chế lithium.

Theo các chuyên gia, cách nhanh nhất để tăng nguồn cung là cải thiện sản lượng khai thác từ những nguồn hiện có này. Ganfeng Lithium, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới cho biết đang lên kế hoạch sử dụng mức lợi nhuận kỷ lục để tăng sản lượng. Công ty Pilbara Minerals của Australia cũng đặt mục tiêu tăng công suất bằng cách mở rộng mỏ Pilgangoora phía tây Australia sau khi bắt tay hợp tác với các đối tác Trung Quốc là Great Wall Motor và CATL.

Tuy nhiên, không phải cứ muốn tăng sản lượng lithium là tăng được ngay, bởi quá trình này còn phụ thuộc vào giấy phép hoạt động và thời gian chờ nước muối bay hơi.

Trước đó, do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá lithium bị đẩy lên gần 500% chỉ sau 1 năm. Khủng hoảng lithium trầm trọng đến mức chính phủ Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng 80% lượng pin lithium-ion trên thế giới, phải lên tiếng khuyến khích các nhà cung cấp giảm giá bán. 

Theo: WSJ, Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thứ kim loại màu bạc khiến Trung Quốc đánh liều thâu tóm mỏ địa chất trên khắp thế giới, nếu thành công sẽ vô địch ngành công nghiệp mắt xích xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO