Thủ đô Thái Lan đối mặt "khủng hoảng", có thể tổn thất tới 200 triệu USD

Dy Khoa | 21:50 25/01/2025

Thành phố Bangkok đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng.

Thủ đô Thái Lan đối mặt "khủng hoảng", có thể tổn thất tới 200 triệu USD

“Các chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng đang tác động đến du lịch, chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất, khi các nhà lãnh đạo ngành kêu gọi các biện pháp nghiêm ngặt hơn để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ”, đoạn mở đầu bài viết của The Nation (Thái Lan) nhấn mạnh “khủng hoảng” ô nhiễm không khí đang xảy ra tại thủ đô Bangkok của Vương quốc Thái Lan.

Tờ báo hàng đầu Thái Lan dẫn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KResearch) cho biết rằng ô nhiễm không khí PM2.5 có thể gây thiệt hại kinh tế từ 3 đến 6 tỷ baht (lên đến 200 triệu USD) ở Bangkok và các khu vực xung quanh nếu tình trạng này kéo dài trong 1 tháng.

PM2.5 là tên gọi chung của các hạt vật chất mịn có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh phổi và tim.

1x-1-4(1).jpg
Thủ đô Bangkok của Thái Lan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí, có thể gây thiệt hại cho kinh tế đến 200 triệu USD.

Bà Kevalin Wangpichayasuk, Phó giám đốc điều hành của KResearch, lưu ý rằng tình trạng ô nhiễm gây ra hậu quả kinh tế trên nhiều yếu tố, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và du lịch. 

Bà nêu lên mối lo ngại rằng tác động đến sức khỏe có thể làm giảm năng suất và dẫn đến mất doanh thu cho các doanh nghiệp ngoài trời. Ngoài ra, chi phí hộ gia đình đang tăng lên khi mọi người đầu tư vào khẩu trang và máy lọc không khí. 

Bà cho biết: “Tác động kinh tế phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm và quyết định của người dân”. 

Trong khi đó, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) kêu gọi chính phủ giải quyết ô nhiễm PM2.5 nghiêm ngặt hơn, nhấn mạnh tác động của nó đối với ngành du lịch. Họ lưu ý rằng một số du khách đang lựa chọn các điểm đến có chất lượng không khí tốt hơn. 

Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul cho biết: “Vấn đề chính là giải quyết các nguyên nhân cốt lõi, chẳng hạn như tình trạng đốt mùa màng, mà chính phủ phải giải quyết thông qua việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt”.

Phó chủ tịch TCC Wisit Limluecha đề xuất Thái Lan tìm kiếm sự hợp tác toàn ASEAN để chống ô nhiễm trong dài hạn. Ông cũng khuyến nghị nghiên cứu các biện pháp do các quốc gia khác thực hiện, chẳng hạn như Hoa Kỳ, để giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. 

Wisit cho biết ô nhiễm PM2.5, giống như cháy rừng, đang nhanh chóng trở thành thảm họa toàn cầu và chính phủ cần phải nghiêm túc giải quyết vấn đề này. 

Không khí của Bangkok và Hà Nội đều ô nhiễm

Đến tối 25/1, hệ thống thông báo tình trạng ô nhiễm không khí IQAir cho biết ô nhiễm không khí của Thái Lan tồi tệ thứ 9 thế giới, Hà Nội đứng thứ 13.

o-nhiem-khong-khi-hn-1548850810735284519115-157052954741065116614-16061732080581715928383.jpg
Từ đầu năm 2025, Hà Nội cũng liên tục vào top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Hôm 21/1, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho rằng thủ đô ô nhiễm không khí nghiêm trọng do thời tiết, phương tiện giao thông tăng đột biến dịp cuối năm. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.

Cụ thể, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng là thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.

Cạnh đó, lưu lượng phương tiện giao thông đông hơn dịp cuối năm khiến không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải.

Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, là nơi có dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.

"Giải pháp vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí", bà Chi nói.


(0) Bình luận
Thủ đô Thái Lan đối mặt "khủng hoảng", có thể tổn thất tới 200 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO