Vỏ quýt khô làm nên thương hiệu lớn
Người Trung Quốc có câu rằng "Gió thu nổi lên thì đem vỏ quýt (trần bì) ra mà phơi". Cứ vào thu, người Quảng Đông dày dặn kinh nghiệm sẽ chẳng ai bảo ai mà cùng làm một việc: Phơi vỏ quýt.
Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, cả khu Tân Hội (thành phố Giang Môn, Quảng Đông) sẽ được bao phủ bởi màu vàng óng.
Vỏ quýt Tân Hội được chế biến từ quýt Tân Hội, một đặc sản địa phương, được mệnh danh là đệ nhất trong "ba bảo vật" của Quảng Đông và là một trong 10 vị thuốc nam quý hàng đầu, có lịch sử lâu đời trong ứng dụng thực phẩm, dưỡng sinh.
Theo Bảng giá do Trung tâm lưu trữ tiêu chuẩn hóa Tân Hội công bố vào ngày 10/3/2022, tùy thuộc vào khu vực sản xuất, giá thị trường của vỏ quýt 3 năm tuổi dao động từ 1.580 NDT - 5.240 NDT/kg (tương đương 5,5 triệu - 18 triệu VNĐ), giá thị trường của vỏ quýt 5 năm tuổi là 2.480 NDT - 8.000 NDT/kg (tương đương 8,6 triệu - 28 triệu VNĐ).
Trên trang thương mại của một công ty địa phương ở Tân Hội, vỏ quýt khô 10 năm tuổi có giá gần 12.000 NDT/kg (tương đương 42 triệu VNĐ), 1 hũ 120gr vỏ quýt khô 21 năm tuổi có giá gần 30.000 NDT (tương đương 104 triệu VNĐ), tức gần 250 NDT/gr (870.000 VNĐ). Chẳng phải là nói ngoa khi người Trung Quốc ví vỏ quýt là vàng - "một lạng vỏ quýt là một lạng vàng, vỏ quýt trăm tuổi quý hơn vàng".
Theo Báo Đô thị Phương Nam (Quảng Châu), hiện nay, quy mô thị trường vỏ quýt Tân Hội đã vượt 10 tỷ NDT, tạo cơ hội việc làm cho 55.000 người. Với xu hướng bùng nổ của ngành đại công nghiệp y tế sức khỏe, vỏ quýt Tân Hội đã chuyển từ phụ phẩm nông nghiệp đơn lẻ sang sản phẩm văn hóa sức khỏe, ẩm thực tới sản phẩm tài chính.
Với Tân Hội, một vỏ quýt khô đã làm phát đạt cả một ngành, làm giàu cho người dân và làm rạng danh cả một thành phố.
Có căn cước riêng - dùng làm tài sản thế chấp vay vốn
Tại Tân Hội hiện có hơn 200 cửa hàng bán lẻ, bán buôn và chế biến vỏ quýt nằm san sát nhau.
Đây là một khu phức hợp văn hóa thương mại và nông nghiệp điển hình quy mô lớn với diện tích 250.000m2, tích hợp các hình thức giải trí dưỡng sinh, trải nghiệm văn hóa sinh thái và giao dịch vỏ quýt.
Năm 2013, ông Ngô Quốc Vinh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đã bỏ ra 500 triệu NDT để thành lập thôn Trần Bì, chiêu mộ gần 300 thương nhân để thành lập tổ hợp này.
Nói về ý định ban đầu thành lập thôn, ông Ngô cho biết: "Tôi luôn suy nghĩ về cách làm cho một sản phẩm nông nghiệp bình thường có sức sống hơn, làm thế nào để nó tốt hơn và mạnh hơn...".
Trong cuộc họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 16 của quận Tân Hội vào tháng 11/2021, báo cáo công tác nhiều lần đề cập đến ngành công nghiệp trần bì và đề ra mục tiêu đạt doanh thu vượt 50 tỷ NDT trong năm 2025, biến nó trở thành ngành đại công nghiệp trần bì.
"Khi chính phủ thúc đẩy phát triển công nghiệp vào năm 2010, giá trị sản lượng vỏ quýt Tân Hội chưa đến 30 triệu NDT, diện tích trồng trọt chưa đến 10.000 mẫu. Đến năm 2020, giá trị sản xuất đã vượt 10 tỷ NDT, diện tích trồng trọt lên tới 120.000 mẫu", ông Lưu Lạc, Giám đốc quản lý hành chính thôn Trần Bì cho biết.
Tuy nhiên, trước đó, ngành công nghiệp sản xuất vỏ quýt ở Tân Hội từng gặp nhiều khó khăn như quy mô trồng nhỏ lẻ, tiêu chuẩn chất lượng không đồng bộ, bảo hộ tài nguyên chưa đầy đủ, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận còn yếu.
Là người đứng đầu chuỗi công nghiệp sản xuất vỏ quýt ở Tân Hội, Ngô Quốc Vinh biết rằng để một ngành có tương lai thì nó phải được tiêu chuẩn hóa. Do đó, vào năm 2013, Tân Hội đã bắt tay với Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông để thiết lập 5 tiêu chuẩn cho vỏ quýt Tân Hội. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của vỏ quýt Tân Hội theo hướng hiện đại hóa.
Tiêu chuẩn hóa có nghĩa là từ vệ sinh máy móc, sấy khô bằng không khí ở nhiệt độ thấp, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, đến bảo quản lưu trữ... Tất cả các quy trình đều áp dụng các tiêu chuẩn hiện đại khép kín đồng bộ. Lúc đầu, điều này đương nhiên không quen với người nông dân, những người đã quen với cách phơi nắng và bảo quản bằng bao tải truyền thống.
Hiện nay trong trung tâm lưu trữ tiêu chuẩn hóa của khu phức hợp công nghiệp trần bì, mỗi hộp trần bì đều có "thẻ ID" riêng, công nghệ này do thôn Trần Bì kết hợp Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông cùng phát triển. Với "thẻ ID", thông tin nguồn gốc của vỏ quýt có thể được tìm thấy trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, cứ một thùng sẽ được gắn một mã, khách hàng có thể theo dõi chính xác tuổi cây, nơi xuất xứ, năm hái, thời gian chế biến, lưu trữ của sản phẩm.
Xuất phát từ tình hình khó khăn của một số nông dân trong giai đoạn đầu "biết trồng nhưng không bán được", làng Trần Bì đã thành lập hợp tác xã với gần 200 hộ nông dân và hơn 16.000 mẫu đất, để giải quyết mối quan hệ cung cầu và giúp các thành viên mở rộng tiêu thụ.
Trong 5 năm đầu thành lập làng Trần Bì, mỗi thương nhân được miễn tiền thuê đất 3 tháng/năm, cùng tham gia vận hành và ươm tạo công nghiệp, phát triển từ hộ thương nghiệp cá nhân đến doanh nghiệp, hình thành chuỗi công nghiệp theo hình thức "doanh nghiệp + hộ nông dân". Cho đến nay, khu tổ hợp đón trung bình 2 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Tại Tân Hội, vỏ quýt không chỉ để giao dịch thương mại mà còn có thể được dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Tại trung tâm giao dịch trần bì, giá giao dịch mới nhất của vỏ quýt sẽ được lưu trữ hiển thị trên màn hình lớn theo thời gian thực, vỏ quýt càng có tuổi đời lớn càng có giá trị giao dịch cao.
Do là một sản phẩm có tính chất tài chính nên năm 2013, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Môn cùng tham gia hệ thống tài chính trần bì, thành lập "Ngân hàng trần bì" đầu tiên trên cả nước. Ngân hàng sẽ đánh giá nông dân và hộ kinh doanh cần vay vốn, sau đó cung cấp khoản vay phù hợp dựa trên 30% -70% giá thị trường của vỏ quýt.
Từ phụ phẩm nông nghiệp thành ngôi sao sáng
Trong những năm gần đây, trà Xiaoqinggan (Tiểu thanh cam) của Tân Hội đã trở nên phổ biến trên toàn quốc vì sự kết hợp giữa hương thơm trái quýt và vị êm dịu của trà Phổ Nhĩ. Đây là loại trà mới nổi, được ưa chuộng trên thị trường, giúp danh tiếng của vỏ quýt Tân Hội càng lan xa.
Trà Xiaoqinggan là một sản phẩm sáng tạo được tạo ra bằng cách thêm trà Phổ Nhĩ Vân Nam vào quả quýt tươi non đã bỏ ruột. Năm 2015, sản lượng trà Xiaoqinggan tăng trưởng mạnh, đạt 800 triệu NDT; năm 2016, giá trị sản lượng của Xiaoqinggan đạt 1,6 tỷ NDT; năm 2017, "cơn sốt trà" tiếp tục bùng nổ, với doanh thu vượt 3 tỷ NDT...
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm khác được chế biến từ vỏ quýt Tân Hội .
Đầu năm 2019, Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Jeju Hàn Quốc đã đến thăm Tân Hội và ký thỏa thuận hợp tác. Hai bên hợp tác nghiên cứu và phát triển dòng mỹ phẩm chiết xuất từ quýt Tân Hội. Theo báo cáo, các thành phần hoạt tính sinh học như flavonoid trong vỏ quýt có tác dụng chống oxy hóa, đáp ứng yêu cầu của các sản phẩm chăm sóc da, rất có triển vọng nghiên cứu và phát triển.
Tại Tân Hội, bạn cũng có thể thấy nhiều sản phẩm sáng tạo từ vỏ quýt như kẹo trần bì, kem trần bì, lạc rang trần bì mang đến cho thực khách cảm giác thích thú trên đầu lưỡi. Ở các thành phố lớn, vỏ quýt cũng đang thâm nhập vào thị trường đồ uống. Trần bì pha lạnh là một trong những sản phẩm mới, sáng tạo, thời thượng đang thu hút sự chú ý của giới trẻ Trung Quốc.