Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra vào sáng 14/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực điều hành, điều tiết các giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường kinh tế vĩ mô.
Với vai trò là hệ thống cung cấp nguồn vốn tín dụng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và NHNN cũng đã có nhiều cuộc họp triển khai tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: Các DNNN đều là các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn, do đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống trên cơ sở khả năng cân đối vốn phối hợp với các ngân hàng khác để có thể đồng tài trợ.
Trường hợp số vốn quá lớn không thể đồng tài trợ, NHNN cũng sẽ hướng dẫn các ngân hàng báo cáo lên cấp có thẩm quyền để cấp tín dụng. Đơn cử như vừa rồi, Vietcombank đã báo cáo về việc trình và cấp tín dụng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 của Tập đoàn điện lực Việt Nam với tổng số vốn lên đến 27.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc, thời gian vừa qua, do tác động của dịch COVID-19 và do bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới khiến các DNNN gặp khó khăn về nguồn tiền và tín dụng. Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 áp dụng trong giai đoạn 2019-2020.
Và mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Các thông tư này nhằm giúp DNNN giãn nợ cũng như có thể tiếp tục vay tiền của các tổ chức tín dụng trong hệ thống khôi phục lại việc kinh doanh.
Về cung ứng chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đây là lĩnh vực Chính phủ có chủ trương ưu tiên, NHNN cũng đã chủ trì và trình Chính phủ ban hành nghị định ưu đãi cho các doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thời hạn trả nợ… Đến nay, dư nợ nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống là 3 triệu tỷ đồng trên tổng số quy mô 12 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống. Con số này cho thấy lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất được Chính phủ quan tâm.
Về vấn đề hạn mức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích: Trên thực tế, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên đánh giá uy tín, tín nhiệm của khách hàng còn NHNN chỉ đóng vai trò điều hành tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống. Năm nay, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng là 14% theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.
“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, chúng tôi xin nhắc lại, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.