"Thiên thời, địa lợi", loạt doanh nghiệp mía đường báo lãi tăng mạnh quý đầu năm, xuất hiện cái tên "vượt đỉnh" lợi nhuận

Dương Ngọc | 22:11 05/05/2023

Nhờ giá bán tăng vọt, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp mía đường trong quý 1/2023 cũng chứng kiến những gam màu “tươi sáng”.

"Thiên thời, địa lợi", loạt doanh nghiệp mía đường báo lãi tăng mạnh quý đầu năm, xuất hiện cái tên "vượt đỉnh" lợi nhuận

Trước lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu, giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" từ giữa tháng 3 và có thời điểm đạt xấp xỉ 27 USD/lbs, cao nhất kể từ năm 2012. Dù điều chỉnh nhẹ sau đó, giá đường vẫn neo gần đỉnh cùng mức tăng gần 30% trong chưa đầy 2 tháng.

jbp_com.jpeg

Với đà tăng phi mã của giá đường thế giới cùng tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ, giá đường trong nước được kỳ vọng duy trì ở mức cao. Điều này góp phần mang tới triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường liên quan.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp mía đường trong kỳ kinh doanh 1/1/2023-31/3/2023 cũng chứng kiến những gam màu “tươi sáng”.

miad-duong.png

Mặc dù vẫn có sự phân hoá nhất định nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp mía đường trong quý 3 NĐTC 2022-2023 (1/1/2023-31/3/2023) đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ.

Nổi bật, CTCP Đường Kon Tum (mã: KTS) ghi nhận doanh thu hơn 153 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 219%, tương đương gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đường Kon Tum thường xuyên duy trì lợi nhuận khá khiêm tốn dưới 4 tỷ đồng mỗi quý, song trong quý 3 NĐTC 2022-2023, doanh nghiệp này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao. Mức lãi thu được trong quý 3 niên độ 2022-23 cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 24 quý trở lại đây.

Lũy kế 9 tháng NĐTC 2022-23, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Đường Kon Tum ghi nhận lần lượt 259 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 100% về doanh thu và 207% về lãi sau thuế.

kontum-chart.png

Trong khi đó, Mía đường Sơn La (mã: SLS) tiếp đà khởi sắc, lợi nhuận sau thuế duy trì trên 100 tỷ đồng quý thứ 2 liên tiếp, với xấp xỉ 109 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trong quý 3 niên độ 2022-23 (tương ứng tăng 91% so với cùng kỳ), đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động. Doanh thu bán hàng tăng 28% đạt mức 411 tỷ đồng là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận SLS tăng trưởng mạnh mẽ. 

Lũy kế 9 tháng đầu NĐTC 2022-23, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận 1.126 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 298 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 73% và 138% so với cùng kỳ. EPS 3 quý đạt 30.482 đồng. Bình quân mỗi ngày trong niên độ tài chính, SLS thu về hơn 4 tỷ đồng doanh thu.

Thậm chí, cổ phiếu SLS trên sàn chứng khoán còn neo đang ở đỉnh lịch sử 172.000 đồng/cp.

sls-chart.png

Một doanh nghiệp mía đường khác dù không đạt mức tăng trưởng vượt trội như SLS và KTS, tuy nhiên Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. So sánh với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế LSS tăng 22% với giá trị đạt gần 9 tỷ đồng. Kết thúc 3 quý đầu niên độ 2022-23, lợi nhuận sau thuế của Mía đường Lam Sơn ghi nhận hơn 16 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

lss-chart(1).png

Đối với Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (mã: SBT), lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu niên độ đạt gần 585 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 533 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

Kết thúc quý 3 niên độ 2022-2023, doanh nghiệp đã tiêu thụ lũy kế 996.000 tấn Đường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, ghi nhận doanh thu thuần lũy kế đạt 17.946 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Tính riêng quý 3 NĐTC 2022-23, đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu thuần khi doanh thu bán đường đạt 5.174 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; bán mật đường duy trì doanh thu trên 180 tỷ đồng.

sbt-chat.png

Mặt khác, "vua Sữa đậu nành" - Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) cũng hưởng lợi không nhỏ từ giá bán đường tăng vọt. Theo BCTC quý 1/2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận gần 2.130 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17%. Lợi nhuận sau thuế gần 317 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, sản phẩm đường đem lại tới 746 tỷ đồng, tăng trưởng 79% so với quý 1/2022 trong khi sản phẩm Sữa đậu nành chững lại, giảm gần 9%. Doanh nghiệp cho biết, sản phẩm Đường trong quý 1 có sản lượng tiêu thụ tăng 90% còn lại các sản phẩm như Sữa, Nướng khoáng, Bia, Bánh kẹo,… ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ.

Trong năm 2023, Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu tổng doanh thu 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng. Sau quý đầu năm kinh doanh, QNS đã hoàn thành được khoảng 26% kế hoạch doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận.

qns.jpg

"Thiên thời, địa lợi"... với doanh nghiệp mía đường

Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt có thể khiến giá đường tăng cao hơn nữa, lo ngại thắt chặt nguồn cung xuất phát từ triển vọng xuất khẩu hạn chế của Ấn Độ khi sản lượng của nước này không như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, cũng như nguồn cung mờ nhạt từ các quốc gia khác (Pakistan, Thái Lan,...), trong khi tiêu thụ toàn cầu tăng đều đặn và dự trữ giảm.

Cùng với đó là những lo ngại rằng giá dầu tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy Brazil và Ấn Độ chuyển hướng sang sản xuất ethanol.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó.

Cụ thể, niên vụ 2022 - 2023, cả nước dự kiến có khoảng 151.300 ha diện tích trồng mía sản xuất, tăng 3% so với niên vụ trước. VSSA kỳ vọng sản lượng mía ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường sản xuất đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, giá thu mua mía nhiều khả năng sẽ ổn định hơn nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía, đảm bảo nguồn cung nội địa.

Đồng thời, nhờ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt.

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ năm 2022 đang giảm dần. Do đó, VND cho rằng giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung, đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Thiên thời, địa lợi", loạt doanh nghiệp mía đường báo lãi tăng mạnh quý đầu năm, xuất hiện cái tên "vượt đỉnh" lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO