Môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu để chống lạm phát vẫn đang là nhân tố gây sức ép giảm giá đối với kim loại quý trong tuần qua. Mối lo Fed không giãn tiến độ tăng lãi suất đã đưa tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất trong 1 tháng và gây áp lực giảm giá lên vàng.
Lối thoát nào cho vàng thế giới?
Trong phiên mở cửa đầu tuần (15/8), giá vàng thế giới đã tuột khỏi mốc 1.800 USD/ounce được thiết lập vào thứ 6 tuần trước. Giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.798 USD/ounce. Mức giá này tương đương 50,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Đồng USD tăng giá mạnh trở lại khiến giá vàng thế giới “đứt phanh” trong phiên giao dịch ngày 16/8. Giá vàng thế giới giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.780 USD/ounce, tương đương 50,55 triệu đồng/lượng.
Đến phiên ngày 19/8, giá vàng thế giới tiếp tục giữ xu thế giảm, có thời điểm trượt khỏi mốc 1.600 USD/ounce. Nguyên nhân đến từ việc chỉ số đồng USD tăng (đạt 107,48 điểm) và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng (đạt 2,85%). Mức giá này tương đương 49,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với ngày thứ Sáu tuần trước, giá vàng thế giới quy đổi giảm sâu nhất là 900.000 đồng/lượng.
Quỹ giao dịch hoán đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong tuần qua liên tục bán mạnh vàng. Trong phiên ngày 18/8, quỹ này bán ròng hơn 3 tấn vàng, giảm nắm giữ về mức chưa đầy 986 tấn. Trong vòng hơn 1 tuần, quỹ này đã bán khoảng 13 tấn vàng, một dấu hiệu cho thấy sự bi quan của nhà đầu tư về triển vọng giá kim loại quý.
Dù giá vàng đang chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu tăng, đồng USD mạnh hơn và dòng vốn đầu tư bị rút ròng, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng việc gia tăng nắm giữ vàng ở mức hiện tại là lựa chọn tốt. Standard Chartered nhận định vàng có thể phục hồi mạnh mẽ khi căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao, chu kỳ tăng lãi suất mạnh của Fed có thể đã được phán ánh vào giá và đồng USD sẽ suy yếu trong 12 tháng tới.
Ông Joe Foster, giám đốc danh mục đầu tư tại VanEck cho rằng, vàng vẫn còn "sáng cửa" trong thời gian tới vì bất cứ sự suy yếu nào của đồng USD sẽ có lợi cho vàng. Với tình hình địa chính trị bất ổn như hiện nay, giới đầu tư vẫn coi kim loại quý là kênh trú ẩn an toàn.
Vàng SJC, vàng nhẫn, trang sức trong nước đồng loạt giảm
Giá vàng trong nước tuần này cũng tiếp đà giảm theo vàng thế giới. Mở cửa phiên đầu tuần (15/8), giá vàng trong nước có sự biến động mạnh. Có thời điểm Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 66,1 triệu và bán ra 67,1 triệu, giảm 500.000 đồng so với cuối tuần trước.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đầu tuần cao hơn 16,6-16,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC ngày 16/8 đã rớt khỏi vùng 67 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm mạnh của vàng SJC trong nhiều ngày qua. Cụ thể, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 65,9 triệu đồng/lượng, bán ra 66,9 triệu đồng/lượng, giảm tới 500.000 đồng mỗi lượng so với sáng ngày 15/8.
Ngoài ra, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại trong phiên thứ ba cũng giảm tới 300.000 đồng xuống 52,4 triệu đồng/lượng mua vào, 53,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Ngày 18/8, giá vàng ở thị trường trong nước tiếp tục biến động trong vùng hẹp dù giá vàng thế giới lao dốc. Tuy nhiên, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm sâu, giao dịch quanh 52,15 triệu đồng/lượng mua vào, 53,05 triệu đồng/lượng bán ra,
Đến phiên ngày 19/8, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với sáng ngày 18/8.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,2 - 17,3 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng nhẫn chênh với giá vàng thế giới chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường vàng, nếu nhà đầu tư muốn có kênh tích lũy dài hạn thì nên chọn loại vàng sát với thị trường thế giới hơn như vàng nhẫn. Còn nếu đầu tư trong ngắn hạn thì nhà đầu tư có thể chọn mua vàng miếng.