Dầu tăng nhẹ
Giá dầu đóng cửa tăng nhẹ, đầu phiên đã giảm 1 USD/thùng do lo ngại về nhu cầu và USD mạnh lên, nhưng sau đó phục hồi trở lại bởi báo cáo dự trữ dầu diesel đang giảm ở Châu Âu.
Giá bắt đầu phục hồi vào giữ buổi sáng tại New York sau khi công ty tư vấn của Hà Lan đăng dữ liệu cho thấy dự trữ dầu diesel tại kho lưu trữ độc lập ở kho cảng ARA giảm 3% trong tuần gần nhất.
Chốt phiên 24/8, dầu thô Brent tăng 0,15 USD hay 0,2% lên 83,36 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0,16 USD hay 0,2% lên 79,05 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm cả hai loại dầu giảm hơn 1 USD.
Trong ngày 23/8, Nhật Bản báo cáo hoạt động sản xuất giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8. Hoạt động kinh doanh của khu vực eurozone cũng giảm nhiều hơn dự kiến và nền kinh tế Anh giảm trong quý 3.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ gần mức trì trệ trong tháng 8, với tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 2. Nhưng số liệu cũng cho thấy tình trạng thị trường lao động vẫn tốt mặc dù Fed tăng lãi suất tích cực.
Số liệu kinh tế này cũng giúp USD mạnh lên làm giảm nhu cầu dầu bởi khiến mặt hàng này đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu thô của Iran sẽ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9.
Các quan chức Mỹ cũng đang soạn thảo một đề xuất nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt với Venezuela, cho phép nước này xuất khẩu thêm dầu mỏ nếu quốc gia Nam Mỹ này tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.
Trong khi đó Saudi Arabia dự kiến tiếp tục tình nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 10 để hỗ trợ thị trường này.
Vàng thay đổi ít
Giá vàng gần như ổn định mặc dù USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu tăng do sự thận trọng trước bài phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.916,69 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,1% xuống 1.947,1 USD/ounce.
Fed tổ chức hội nghị chuyên đề thường niên tại Jackson Hole, Wyoming từ ngày 24 tới 26/8, các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của chủ tịch Fed vào sáng ngày 25/8 để xác định liệu lãi suất có tăng tiếp trong thời gian dài hơn hay không.
Số liệu cho thấy số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm trong tuần trước do tình trạng thị trường lao động vẫn mạnh bất chấp việc tăng lãi suất của Fed.
Đồng giảm do USD mạnh
Giá đồng giảm trở lại sau 5 phiên tăng liên tiếp do lãi suất tăng cao hạn chế tăng trưởng toàn cầu lấn át lạc quan về nhu cầu tăng tại Trung Quốc.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME giảm 1,1% xuống 8.360 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 10/8 trong phiên liền trước.
Đồng Comex của Mỹ giảm 1,1% xuống 3,77 USD/lb.
Giá đồng giảm sau khi không vượt qua được mức kháng cự tại 8.469 USD/tấn, trung bình 100 ngày.
Tuy nhiên, giá đồng trên sàn giao dịch Thượng Hải gần mức cao nhất trong ba tuần trong bối cảnh hy vọng về nhu cầu phục hồi bởi việc hỗ trợ chính sách và mùa tiêu thụ tăng cao sắp tới ở Trung Quốc.
Quặng sắt thoái lui sau nhiều phiên tăng
Giá quặng sắt giảm do nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá dài nhất của Singapore kể từ tháng 6 và quặng sắt Đại Liên tăng 10 phiên, và do lo lắng kéo dài về suy thoái kinh tế đồng thời khó khăn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại Singapore giảm 1,4% xuống 111,65 USD/tấn sau khi tăng 5 phiên liên tiếp và đã lên mức cao nhất 4 tuần trong phiên này.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 giảm 0,9% xuống 811 CNY (111,39 USD)/tấn sau khi giao dịch gần mức cao nhất hai năm trong phiên trước đó.
Trong tuần này quặng sắt tại Đại Liên và Singapore tăng lần lượt khoảng 7% và 5%, trong khi giá giao ngay cũng đạt cao nhất 4 tuần, do chính sách hỗ trợ của Trung Quốc cho sự phục hồi kinh tế đang chậm chạp đã củng cố tâm lý.
Dự trữ quặng sắt tại cảng đang giảm dần tại Trung Quốc và sản lượng thép tăng mạnh trước hoạt động xây dựng trong nước phục hồi theo mùa từ tháng 9 tới tháng 10 cũng thúc đẩy đà tăng.
Tuy nhiên, đà giảm của giá quặng sắt có thể bị hạn chế do không có chỉ thị mới và rõ ràng từ chính quyền Trung Quốc nhằm hạn chế sản lượng thép trong năm nay.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 1,2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,6%, trong khi thép dây cuộn tăng 2,9%. Thép không gỉ giảm 1,5%.
Cao su Nhật Bản vượt mức cao nhất hai tháng do đồng JPY yếu
Giá cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20/6, bởi đồng JPY yếu và nhà đầu tư mua vào ở mức giá thấp.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,6 JPY hay 1,8% lên 207 JPY (1,43 USD)/kg. Hợp đồng này đã ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 5/2022 do giá tăng phiên thứ 8 liên tiếp.
Tại Thượng Hải cao su cùng kỳ hạn tăng 70 CNY lên 13.210 CNY (1.815,01 USD)/tấn.
Đồng JPY giảm 0,19% so với USD khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người giữ các ngoại tệ khác.
Đường trái chiều
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,44 US cent hay 1,8% lên 24,29 US cent/lb.
Thị trường này được hỗ trợ từ tin tức Ấn Độ dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ này bắt đầu từ tháng 10, đây là lần dừng xuất khẩu lần đầu tiên trong 7 năm.
Các đại lý cũng lưu ý sản lượng đường tại Trung Nam Brazil trong nửa đầu tháng 8 thấp hơn một chút so với dự kiến ở mức 3,46 triệu tấn mặc dù vẫn cao hơn 31,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 0,1 USD xuống 693,4 USD/tấn.
Cà phê
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 4 USD hay 0,2% lên 2.406 USD/tấn.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0,4 US cent lên 154,30 US cent/lb.
Giá cà phê tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tuần này trong bối cảnh hoạt động trầm lắng do các thương nhân đợi cà phê vụ mới, trong khi tại Indonesia giá tăng nhẹ do các nguồn cung cấp ít.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 63.900 – 64.700 đồng (2,66 – 2,7 USD)/kg, giảm từ 64.900 – 66.600 đồng một tuần trước.
Một thương nhân cho biết “hiện nay giao dịch trầm lắng. Chúng tôi đợi cà phê mới, hy vọng sẽ đến trong cuối tháng 11 hay tháng 12”.
Thương nhân tại Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 3 – 10 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024 tại London.
Trong khi đó, tại Indonesia cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức cộng 500 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trong tuần này, tăng từ mức cộng 470 USD trong tuần trước.
Giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất trong số các trung tâm Châu Á trong tuần này do lo ngại nguồn cung một phần bởi việc hạn chế xuất khẩu gần đây của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Bangladesh đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm do dự trữ trong nước tốt và vụ mùa bội thu. Họ xuất khẩu một lượng nhỏ gạo thơm sang Mỹ, Anh và Trung Đông, nhưng lệnh cấm hiện nay với các gạo khác sẽ tiếp tục do quốc gia này nỗ lực để kiềm chế giá gạo nội địa tăng vọt.
Gạo 5% tấm của Việt nam được chào bán ở mức 650 – 660 USD/tấn so với 660 USD/tấn một tuần trước. Nguồn cung trong nước vẫn khan hiếm và điều đó khiến các nhà xuất khẩu không thể ký các hợp đồng mới. Số liệu xuất khẩu sơ bộ cho thấy 339.880 tấn gạo được xuất đi ở cảng thành phố Hồ Chí Minh từ 1 tới 26/8.
Tại Thái Lan giá gạo 5% tấm tăng lên 630 USD/tấn từ 615 – 620 USD/tấn một tuần trước.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi so với tuần trước ở mức 450 – 455 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu yếu từ các nước Châu Phi.
Đậu tương tăng do xuất khẩu mạnh, ngô, lúa mì giảm
Giá đậu tương Chicago tăng phiên thứ hai liên tiếp bởi xuất khẩu mạnh và nguồn cung không rõ ràng do thời tiết nóng và khô. Ngô giảm, lúa mì giảm do nhu cầu đối với lúa mì của Mỹ yếu.
Hợp đồng đậu tương trên sàn CBOT được giao dịch nhiều nhất tăng 11-1/4 US cent lên 13,71-3/4 USD/bushel.
Ngô CBOT giảm 2-1/4 US cent xuống 4,88-1/4 USD/bushel trong khi lúa mì mất 8 US cent xuống 6,31-3/4 USD/bushel.