Dầu tăng do lạc quan về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc
Giá dầu đóng cửa tăng trong phiên đầu tuần, đảo chiều giảm trước đó do nhà đầu tư lạc quan rằng du lịch trong kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tại đây.
Chốt phiên 24/4, dầu thô Brent tăng 1,07 USD hay 1,3% lên 82,73 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 0,89 USD hay 1,1% lên 78,76 USD/thùng.
Trong tuần trước cả hai loại dầu này giảm hơn 5%, giảm tuần đầu tiên trong 5 tuần khi Mỹ ngụ ý nhu cầu xăng giảm so với năm trước đó.
Sự phục hồi kinh tế một cách khó khăn của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã che phủ triển vọng nhu cầu dầu mỏ, mặc dù số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nước này nhập khẩu khối lượng kỷ lục trong tháng 3.
Việc đặt các chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ 1/5 sắp tới cho thấy lượng khách du lịch tiếp tục phục hồi tới các nước Châu Á, nhưng số lượng vẫn còn xa so với mức trước đại dịch do giá vé máy bay tăng vọt và không đủ chuyến bay.
Nguồn cung khan hiếm do tổ chức các nhà sản xuất OPEC+ lên kế hoạch cắt giảm thêm nguồn cung từ tháng 5 cũng có thể nâng giá.
Xuất khẩu dầu ở miền bắc Iraq cũng có một vài dấu hiệu về việc sắp khởi động lại sau vài tháng bế tắc, do thỏa thuận giữa Baghdad và chính quyền khu vực người Kurd (KRG) vẫn chưa được giải quyết.
Lợi nhuận lọc dầu ở Châu Á suy yếu do sản lượng kỷ lục từ các nhà máy lọc dầu hàng đầu của Trung Quốc và Ấn Độ, điều đó đang hạn chế nhu cầu nhập khẩu của khu vực này từ Trung Đông trong tháng 6.
Vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng bởi đồng USD yếu, mặc dù giá biến động trong phạm vi hẹp do các nhà đầu tư quay lại quan tâm tới số liệu kinh tế trong tuần này để có manh mối về quyết định chính sách của Fed.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.990,34 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,5% lên 1.999,80 USD/ounce
Giá vàng trở lại tích cực sau báo cáo của Fed chi nhánh Dallas cho thấy hoạt động sản xuất tại Texas giảm trong tháng 4, làm nổi bật tác động tới kinh tế từ chu kỳ thắt chặt lãi suất của Fed.
USD giảm 0,5% khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Các thị trường hiện nay dự đoán 91% Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 2-3/5.
Đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần do thị trường tập trung vào nhu cầu yếu từ Trung Quốc, trong khi USD yếu đã hạn chế đà giảm.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,6% xuống 8.739 USD/tấn, trước đó đã xuống 8.726,5 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 5/4.
Hy vọng nhu cầu đồng mạnh hơn tại Trung Quốc sau khi dỡ bỏ những hạn chế về Covid đã không còn nữa, hoạt động tại lĩnh vực sản xuất này tăng chậm hơn dự kiến.
Các nhà giao dịch đang theo dõi lượng lớn các hợp đồng chì LME giao ngay gây lo lắng về nguồn cung trong ngắn hạn và giá giao ngay cao hơn nhiều so với hợp đồng giao sau 3 tháng. Trong ngày 21/4 mức cộng này đạt 35,25 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 1. Hiện nay mức cộng là 31,75 USD/tấn. Giá chì giao sau 3 tháng giảm 0,8% xuống 2.143,5 USD/tấn.
Quặng sắt giảm sâu
Giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng do nhu cầu thép yếu tại Trung Quốc thúc đẩy giảm sản xuất, trong khi các báo cáo mới nhất từ các công ty khai thác lớn cho thấy nguồn cung của thành phần sản xuất thép dồi dào.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 3,1% xuống 721,5 CNY (104,69 USD)/tấn. Trước đó giá đã giảm xuống 715,5 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 21/12/2022.
Tại Singapore, quặng sát giao tháng 5 giảm khoảng 4,9% xuống 102,8 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2022.
Giá các loại thép tại Thượng Hải cũng giảm, thép thanh giảm 3,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, thép cuộn cán nóng giảm 3,7%.
Hơn 40% lò luyện thép ở Đường Sơn, thành phố sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc đang được bảo trì, làm giảm nhu cầu quặng sắt.
Quặng sắt cũng mất hỗ trợ từ phía nguồn cung. Tập đoàn Fortescue Metals duy trì lượng xuất khẩu trong năm nay bất chấp một cơn bão trong tháng này làm gián đoạn xuất khẩu từ trung tâm quặng sắt của Úc.
Rio Tinto tái khẳng định dự báo lượng xuất khẩu quặng sắt hàng năm sau khi báo cáo xuất khẩu trong quý 1 từ Tây Úc tăng 15,4%, vượt dự kiến.
Cao su Nhật Bản có ngày giảm mạnh nhất trong gần 3 tuần
Giá cao su Nhật Bản có ngày giảm thứ hai và là ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/4, theo xu hướng giảm giá tại thị trường Thượng Hải và giá dầu yếu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,3 JPY hay 2,1% xuống 205,8 JPY (1,53 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su cùng kỳ hạn giảm 285 CNY xuống 11.695 CNY (1.694,85 USD)/tấn.
Dự trữ cao su của sàn giao dịch Thượng Hải tính đến 21/4 giảm 0,9% so với một tuần trước.
Cà phê robusta lên mức cao nhất trong 12 năm
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 62 USD hay 2,6% lên 2.444 USD/tấn, trước đó giá đã đạt cao nhất kể từ giữa năm 2011 tại 2.485 USD/tấn.
Các đại lý cho biết dự trữ cà phê tại Việt Nam gần như cạn kiệt, gần như không có giao dịch nào được ký kết và nông dân đang giảm diện tích trồng cà phê để trồng chanh dây và sầu riêng.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 2 US cent hay 1% lên 1,9345 USD/lb, giá đã đạt cao nhất 6 tháng trong tuần trước.
Các nhà đàu cơ cà phê arabica trên sàn ICE đã tăng vị thế mua ròng 9.355 hợp đồng lên 20.262 hợp đồng trong tuần tính tới ngày 18/4.
Xuất khẩu của Brazil trong tháng 4 đang chậm lại so với tốc độ năm ngoái.
Đường cao nhất 11 năm
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 1,08 US cent hay 4,3% lên 25,91 US cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 11 năm tại 25,99 US cent.
Xuất khẩu đường của Brazil đạt trung bình 51.300 tấn/ngày cho tới tuần thứ 3 của tháng này, so với 69.300 tấn/ngày trong cả tháng 4 năm ngoái.
Một phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ thăm Nga từ ngày 24 tới 27/4 nhằm mở rộng xuất khẩu nông sản của Ấn Độ sang Nga – gồm đường và cà phê – lên tới 5 tỷ USD trong năm nay.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 13,7 USD hay 2% lên 690,1 USD/tấn.
Ngô thấp nhất 8 tháng, đậu tương, lúa mì thấp nhất một tháng
Giá ngô Chicago giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng sau khi chính phủ thông báo Trung Quốc hủy bỏ một số giao dịch mua ngô của Mỹ.
Các thương nhân cho biết việc hủy bỏ cũng ảnh hưởng tới giá lúa mì và đậu tương, làm nổi bật những lo ngại về nhu cầu yếu đối với hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ bởi vụ thu hoạch lớn ở Brazil.
Các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo rằng khách hàng Trung Quốc đã hủy mua tổng cộng 327.000 tấn ngô.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 7-3/4 US cent xuống 6,07-1/2 USD/bushel sau khi giảm xuống 6,04-1/4 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 18/8/2022.
Đậu tương CBOT cùng kỳ hạn giảm 13 US cent xuống 14,36 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 7 giảm 16 US cent xuống 6,57 USD/bushel, thị trường không quan tâm tới lo ngại về việc kết thúc thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine từ một số cảng Biển Đen và tình trạng mùa màng xấu đi ở Mỹ.