Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Anh Dũng | 13:54 23/09/2024

Đánh giá cao cơ hội rộng mở của ngành tài chính Việt Nam, Thị trưởng Michael Mainelli bày tỏ hy vọng về nhiều chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong tương lai.

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

Đeo chiếc mề đay lấp lánh dành riêng cho Thị trưởng Khu Tài chính London, Giáo sư Michael Mainelli nở nụ cười tươi chia sẻ với phóng viên những điều ông tâm đắc trong chuyến công tác mới đây tại Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam chính thức đầu tiên của một Thị trưởng Khu Tài chính London trong suốt 10 năm qua.

Suốt cuộc trò chuyện, ngài Thị trưởng thứ 695 của Khu Tài chính London đã đưa ra nhiều nhận định về triển vọng của ngành tài chính nói chung và những cơ hội xoay quanh việc phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam nói riêng.

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 2.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng ngành tài chính Việt Nam? Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để phát triển ngành này?

Khi tôi nhìn vào các con số, Việt Nam thực sự nổi bật. Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt hậu đại dịch, độ cởi mở trong thương mại lên tới 200% GDP. Việt Nam cũng đã ký kết thành công 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và duy trì mức thặng dư thương mại lớn với Vương quốc Anh, Mỹ và phần lớn EU.

Trong bối cảnh này, thị trường tài chính Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để khai phá tiềm năng. Tất nhiên, Việt Nam không thể tránh được một số khó khăn vì lĩnh vực này còn đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Tôi nhận thấy Việt Nam có thể cải thiện các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), khai thác nguồn vốn từ quỹ hưu trí, nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngoại hối để giải phóng đầu tư, v.v…

Ngoài ra, Việt Nam cần quảng bá để nâng cao hình ảnh của đất nước mình, đặc biệt là nhận thức về thị trường tài chính. Đó là lý do vì sao tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thảo luận trong tuần này về dự án Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam.

Nhắc đến IFC, Việt Nam có lợi thế và thách thức như thế nào trong việc phát triển một trung tâm tài chính?

Khi nhắc đến trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta thường liên tưởng ngay đến những cái tên như New York, London, Zurich. Trên thực tế, Việt Nam không thể một bước trở thành tên tuổi lớn. Các bạn hướng đến ngôi sao xa trên bầu trời nhưng phải nhìn xuống con đường mình đang bước đi, tức là nhìn vào thực tế là không thể làm trong ngày một, ngày hai.

Việt Nam có những thách thức trong việc phát triển một trung tâm tài chính nhưng không có rào cản nào là không thể vượt qua. Điều quan trọng là phân chia và thực hiện kế hoạch phát triển này theo từng giai đoạn.

Trước tiên, Việt Nam có thể tập trung vào nền kinh tế địa phương, đảm bảo các khoản đầu tư và đặt ra các quy định chặt chẽ từ cấp độ nhỏ nhất. Việt Nam cũng có thể thực hiện nhiều cải tiến để củng cố thị trường tài chính. Ví dụ, nếu các bạn đang cố gắng để huy động được nguồn tài chính xanh thì có thể tham khảo mô hình hệ thống giao dịch khí thải đã phổ biến ở một số nước trên thế giới.

Ngành tài chính rất rộng và không phải quốc gia nào cũng cần phát triển đầy đủ các lĩnh vực. Việt Nam có thể chọn ra ba đến bốn lĩnh vực như bảo hiểm, tái bảo hiểm, bảo hiểm P&I, môi giới liên đại lý, ngoại hối... Việt Nam có thể xem xét lợi thế về mặt hàng nông nghiệp, tham khảo thị trường trái phiếu đô thị và các dự án năng lượng xanh.

Khi điều hành một trung tâm tài chính, hãy để các con số thống kê sang một bên và đặt sự công bằng lên hàng đầu.
Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli

Vương quốc Anh có thể hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển IFC?

Tôi đã phác thảo năm yếu tố cần thiết để phát triển một IFC đó là: môi trường kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chất lượng cuộc sống tốt và hệ thống tài chính tốt.

Nhưng khi điều hành một trung tâm tài chính, hãy để các con số thống kê sang một bên và đặt sự công bằng lên hàng đầu. Nếu bạn có môi trường kinh doanh tốt, có con người được đào tạo bài bản, có cơ sở hạ tầng đầy đủ, thì điều duy nhất bạn cần đảm bảo là mọi người được đối xử công bằng. Và sự công bằng thì đòi hỏi luật pháp nghiêm minh.

Việt Nam đã và đang làm tốt việc này. Vương quốc Anh nói chung và London nói riêng có thể dùng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính để hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn các phương pháp cho Việt Nam trong mục tiêu phát triển IFC.

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 4.

Ở cấp độ vĩ mô hơn, ông có thể chia sẻ về tiềm năng hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Vương quốc Anh qua chuyến thăm này và trong tương lai?

Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Vương quốc Anh tại khu vực Đông Nam Á. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đạt 6 tỷ bảng Anh vào cuối quý 1 năm 2024.

Các doanh nghiệp đến từ Vương quốc Anh như KPMG, Prudential, HSBC, Standard Chartered, ACCA, ICAEW... đã có mặt tại Việt Nam trong một thời gian dài và đóng góp tích cực vào sự phát triển của các ngành dịch vụ tài chính, kinh doanh cũng như cả nền kinh tế.

Không dừng lại ở đó, hai nước đặt ra nhiều mục tiêu hợp tác tài chính trong Hiệp định thương mại tự do Anh-Việt (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Vương quốc Anh đã trở thành thành viên chính, sẽ có hiệu lực vào tháng 12 sắp tới.

UKVFTA đóng vai trò nền tảng để tăng cường thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Và chúng tôi lạc quan rằng CPTPP sẽ giúp thúc đẩy thương mại Anh-Việt tiến xa hơn nữa. Thỏa thuận này sẽ mở ra những con đường mới cho tăng trưởng kinh tế, cơ hội mới cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng.

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 5.

Tài chính xanh và tín dụng xanh là những thuật ngữ được nhắc đến ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này như thế nào?

Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Vương quốc Anh đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, thân thiện với thiên nhiên, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thông qua hàng loạt các chương trình và dự án đa dạng, trong đó có Chương trình Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi vì khí hậu (UK PACT).

Một ví dụ là dự án "Mở khóa Tài chính xanh thông qua công bố Rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu" của UK PACT, do Ernst and Young và The Asia Foundation đồng thực hiện. Các đơn vị này hợp tác với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính ) để giúp các doanh nghiệp đưa rủi ro và cơ hội về khí hậu vào chiến lược kinh doanh của họ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững.

Một dự án khác, cũng nằm trong khuôn khổ chương trình UK PACT, xoay quanh hỗ trợ công bố thông tin trái phiếu xanh. Dự án do tổ chức Carbon Trust thực hiện, hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam hoàn thiện hướng dẫn phát hành trái phiếu , nâng cao nhận thức cũng như xây dựng năng lực cần thiết cho các bên tham gia thị trường nhằm tăng cường phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Mainelli: Không rào cản nào có thể ngăn Việt Nam phát triển trung tâm tài chính quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO