Thị trường chứng khoán Việt Năm năm 2022 ghi nhận đầy những thăng trầm. Bối cảnh nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm giá sâu cộng thêm dòng tiền bị thu hẹp đáng kể đã khiến những kế hoạch phát hành trở nên khó khăn khi nguồn cung cổ phiếu tăng cao trong khi phía cầu lại không có lực đối ứng. Kết quả là không ít kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã phải trì hoãn, thậm chí có doanh nghiệp buộc phải rút hồ sơ chào bán cổ phần chỉ sau vài tháng thông qua.
"Điệp khúc" lý do lặp đi lặp lại, điểm chung lớn nhất là sự lao dốc của giá cổ phiếu
Ngay trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua, hai doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Apec là Chứng khoán APEC (mã chứng khoán: APS) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đồng loạt công bố Nghị quyết của HĐQT về việc rút hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng. Cụ thể, APS thì rút hồ sơ chào bán 83 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn lên gấp đôi. Tương tự, IDJ cũng quyết định rút hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng với khối lượng dự kiến ban đầu là hơn 173 triệu đơn vị theo tỷ lệ 1:1, vốn điều lệ tăng gấp đôi lên 3.470 tỷ đồng.
Nguyên nhân đưa ra đều giống nhau là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông. HĐQT hai công ty cũng cho biết sẽ xem xét thời điểm phù hợp để tiếp tục triển khai phát hành cổ phiếu trong thời gian tới.
Quyết định rút hồ sơ của hai doanh nghiệp trên diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu APS và IDJ trên thị trường đều đã giảm sâu. Cần nhắc lại rằng hai mã chứng khoán này từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 với mức tăng đột biến hàng chục lần chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi chạm đỉnh thì giá các cổ phiếu đều lao dốc mạnh. Tạm tính theo thị giá hiện tại, APS vẫn mất tới 84% giá trị kể từ đỉnh trong khi IDJ cũng giảm gần 80% từ mức giá cao nhất ghi nhận được hồi tháng 11/2021.
Tương tự là CTCP Phú Tài (mã chứng khoán: PTB) khi doanh nghiệp này tạm dừng kế hoạch phát hành gần 10,7 triệu cổ phiếu với giá 25.000 đồng, trong đó hơn 9,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và hơn 971 nghìn cổ phiếu phát hành cho người lao động ESOP. Nguyên nhân đưa ra vẫn lại có liên quan đến tình hình thị trường chứng khoán và công ty muốn đảm bảo lợi ích cổ đông.
Ngoài ra, cùng thời điểm công bố tạm dừng kế hoạch phát hành, Phú Tài cũng chốt ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền lấy ý kiến cổ đông. Nội dung lấy ý kiến liên quan về việc mua lại cổ phiếu quỹ.
Một trường hợp khác, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thu Duc House – Mã chứng khoán: TDH) đã quyết định dừng triển khai phương án chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng với lý do phương án không còn phù hợp với tình hình hiện tại. HĐQT TDH cho biết sẽ xin ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất. Tuy nhiên, TDH cũng đã đồng thời hủy ngày chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 vì "thị trường bất động sản không thuận lợi". Hiện chưa có thêm thông tin mới về kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường của TDH.
Trước đó trong tháng 10, HĐQT Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán: C4G) đã thông qua tạm dừng đăng ký chào bán thêm hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 để huy động thêm gần 1.124 tỷ đồng. Lý do của việc tạm dừng được C4G đưa ra là để cập nhật một số nội dung liên quan đến kiện toàn cơ cấu quản trị và kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty.
Trên thị trường, giá cổ phiếu C4G đã giảm mạnh, chiết khấu tới 66% từ đỉnh tháng 4 năm nay, hiện xuống dưới mệnh giá tại 8.900 đồng/cp.
CTCP Thủy Đặc Sản (mã chứng khoán: SPV) cũng đã quyết định tạm dừng thực hiện phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch ban đầu, Thủy Đặc Sản sẽ chào bán thêm 5,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên mức 162 tỷ đồng.
Tuy nhiên khác với các mã trên, cổ phiếu SPV hiện vẫn đang ở trong vùng giá của đầu năm, chốt phiên 22/12 đạt 13.200 đồng/cp. Nguyên nhân do mã chứng khoán này gần như “tắt thanh khoản”, hiếm hoi có phiên ghi nhận vài trăm đơn vị được khớp lệnh khiến thị giá biến động.
Thậm chí có doanh nghiệp hoãn phát hành kể cả khi cổ phiếu đang tăng trần liên tục
Hồi đầu tháng 12, Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco – mã PET) đã thông báo về việc dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với kế hoạch ban đầu, Petrosetco dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm gần 45 triệu cổ phiếu mới.
Động thái diễn ra bất ngờ trong bối cảnh cổ phiếu PET khi đó vừa trải qua 4 phiên trần liên tiếp để hồi về mức 18.650 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 35% so với đáy giữa tháng 11. Tuy nhiên, so với đỉnh hồi đầu tháng 4, cổ phiếu này vẫn còn thấp hơn khoảng 72%. Giá trị vốn hóa cũng theo đó “bốc hơi” gần 4.500 tỷ đồng sau 8 tháng, còn khoảng 1.700 tỷ đồng.
Nhìn chung, để đảm bảo cho phương án huy động vốn thành công, các doanh nghiệp thường lựa chọn thời điểm thuận lợi như thị trường chứng khoán thăng hóa, giao dịch sôi động và dòng tiền nhà đầu tư dồi dào. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán trong năm 2022 không mấy thuận lợi, giá nhiều cổ phiếu giảm hàng chục phần trăm, thậm chí xuống thấp hơn mức giá chào bán.
Đồng thời, bối cảnh thanh khoản giảm sút khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn cũng là một trở ngại lớn cho những hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán.