Thị trường giảm sâu, một nhóm cổ phiếu "phòng ngự" ngược dòng ngoạn mục

Dương Ngọc | 00:01 04/10/2022

Bất chấp VN-Index giảm hơn 4%, nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm đã chứng minh sự “phòng thủ” của mình khi tăng điểm khởi sắc, thậm chí xuất hiện cổ phiếu ngược dòng “tím lịm”.

Thị trường giảm sâu, một nhóm cổ phiếu "phòng ngự" ngược dòng ngoạn mục

Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch đầu tuần nhiều sóng gió với sắc đỏ bao trùm, thậm chí hàng trăm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn. Trong bối cảnh đó, dòng tiền có xu hướng tìm kiếm nơi trú ẩn trên các nhóm cổ phiếu phòng thủ, điển hình như ngành dược.

Bất chấp chỉ số chính giảm hơn 4%, nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm đã chứng minh sự “phòng thủ” của mình khi tăng điểm khởi sắc, thậm chí xuất hiện cổ phiếu ngược dòng “tím lịm”.

co-phieu-nganh-duoc.png
Nhóm cổ phiếu ngành dược ngược dòng ngoạn mục

Cụ thể, hàng loạt mã cổ phiếu như TRA, DHG, DP3, DPM, PPP,… đồng loạt nhuộm sắc xanh tăng điểm, dù biên độ không đáng kể nhưng phần nào điểm thêm nét tươi sáng hơn thị trường.  Bên cạnh đó, SPM và DNM bứt phá với biên độ hơn 4% mỗi mã.

Thậm chí, cái tên NDP trở thành mã cổ phiếu “mặc áo tím” tăng hết biên độ. Đồng thời, những mã cổ phiếu trong ngành khác như DP1, IMP, DMC giữ được giá ở mốc tham chiếu cũng được coi là điều tích cực.

Động lực giúp cổ phiếu này vượt qua giông bão phần nào phản ánh kỳ vọng của ngành dược thời gian tới. Trong báo cáo triển vọng ngành dược, chứng khoán KIS cho rằng dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh mẽ trong mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10) khiến nhu cầu các loại thuốc hạ sốt (kháng sinh, dịch truyền) dự báo gia tăng.

Hơn nữa, nhu cầu về thực phẩm chức năng, kháng sinh, và thuốc điều trị trong bệnh viện (như thuốc điều trị ung thư, dung dịch lọc máu) sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dược trong cuối năm. Do vậy, CTCK này vẫn duy trì quan điểm rằng ngành dược vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng quý tiếp theo.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo doanh thu dược phẩm sẽ tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do mức nền thấp của kênh bệnh viện. Nguyên nhân do là dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam khiến bệnh nhân bị hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện làm doanh thu kênh ETC bị suy giảm kể từ đầu quý 1/2021.

Mặt khác, VDSC cũng kỳ vọng việc dân số Việt Nam có xu hướng già hóa là điều kiện thuận lợi cho ngành dược trong dài hạn. Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.

Được xem như một ngành phòng ngự khác chắc chắn, nhiều cổ phiếu dược phẩm có cơ cấu cổ đông "cô đặc" giúp cổ phiếu nhóm này ít chịu ảnh hưởng về giá trước các biến động thị trường. Trong số đó, nhiều quỹ ngoại đang nắm phần lớn cổ phiếu cho thấy sự quan tâm không chỉ tới từ phía nhà đầu tư trong nước mà cả ở nước ngoài. 

Trước đó, đại dịch Covid bùng phát trong 2 năm qua đã và đang đẩy nhanh tốc độ các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư ngoại trên thị trường dược Việt Nam. Về cơ bản, các hãng dược phầm hàng đầu Việt Nam đều trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. Khi có cơ hội từ các hoạt động thoái vốn Nhà nước hay nới room, cổ đông ngoại vẫn luôn sẵn sàng "chơi lớn" để thâu tóm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường giảm sâu, một nhóm cổ phiếu "phòng ngự" ngược dòng ngoạn mục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO