Tờ Korea Herald cho hay hiện tượng "ký sinh trùng" (Parasite) hay "Thế hệ chuột túi" (Kangaroo Generation) tại Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng khi nhiều người trong độ tuổi lao động ăn bám gia đình.
Năm 2022, 81% người trong độ tuổi 20 sống cùng cha mẹ, cao nhất trong số các thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó, khoảng 77% thế hệ MZ ở Hàn Quốc, ám chỉ những người sinh trong khoảng 1980-2004, tương đương dưới 21-45 tuổi vẫn cần hỗ trợ tài chính từ phụ huynh.
Hầu hết những người trưởng thành này chẳng thể sống tự lập một mình vì thất nghiệp, không đủ tiền thuê nhà và buộc phải ăn bám vào gia đình lẫn người thân.

Tệ hơn theo nhiều nghiên cứu từ DBpia, tỉ lệ NEET (Không có việc làm, Không có trình độ và Không được đào tạo bất cứ tay nghề gì) trong nhóm 15–29 tuổi là 20,1% năm 2022, nếu quy ra con số tuyệt đối tương đương thì có khoảng 1,7 triệu thanh thiếu niên Hàn Quốc thuộc diện này.
Trang Pckworld thì cho biết tính đến tháng 5/2023, Hàn Quốc có đến 218.000 thanh niên 15-29 tuổi đã không tham gia lao động, giáo dục hay đào tạo trong ít nhất 3 năm liên tục. Trong số này, khoảng 80.000 người (36,7%) thuộc diện hoàn toàn không đi tìm việc hay đào tạo mà chỉ ở nhà ăn bám gia đình.
Hãng tin Reuters cho hay nguyên nhân của tình hình trên đến từ nhiều yếu tố, từ áp lực giá nhà leo thang, thị trường lao động khó khăn cho đến văn hóa gia đình Á Đông nhấn mạnh trách nhiệm hỗ trợ con cái đến khi tự lập.
Chính những gánh nặng này đã khiến tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm xuống mức kỷ lục 0,75 con/phụ nữ năm 2024, khiến sức khỏe tâm thần của người dân suy giảm và tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.
Mặc dù chính phủ đã triển khai các chương trình hỗ trợ NEET, ưu đãi nhà ở xã hội và khuyến khích sinh con, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn, nhất là trong việc khuyến khích tính tự lập của thế hệ trẻ.
Thế hệ chuột túi
Theo Báo cáo "Society at a Glance" của OECD, trung bình 50% thanh niên tại các nền kinh tế thành viên sống cùng cha mẹ năm 2022, nhưng con số này ở Hàn Quốc lên tới 81%, dẫn đầu 36 nước thành viên.
Con số này cao hơn nhiều so với 46,2% năm 2000 và 55,3% vào năm 2020.
Đặc biệt, trong nhóm 19–34 tuổi chưa lập gia đình, 59.7% vẫn ở chung với phụ huynh đến cuối năm 2023.
Trong khi đó, một khảo sát của Bộ Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc cho biết 77% thế hệ MZ (sinh 1980–2004) vẫn dựa vào cha mẹ về mặt tài chính, trong đó 43% sống cùng và 41% nhận trợ cấp thuê nhà hoặc sinh hoạt hàng tháng.

Một nghiên cứu khác thì cho thấy có đến 44% người Hàn Quốc từ 18-44 tuổi dù không sống cùng cha mẹ nhưng thường nhận hỗ trợ kinh tế từ cha mẹ trong vòng 1 năm qua, bao gồm chi phí sinh hoạt, điện thoại, đăng ký dịch vụ...
Ngay cả tỷ lệ NEET cũng đang ngày càng lớn tuổi hơn khi nhóm NEET 40–49 tuổi tăng lên 270.000 người tính đến tháng 9/2023, tăng 38.5% so với năm 2018. Nhiều người trong nhóm này vẫn sống cùng hoặc phụ thuộc vào cha mẹ, làm gia tăng gánh nặng cho các gia đình và hệ thống an sinh.
Theo Reuters, một trong những nguyên nhân chính là giá bất động sản tại các đô thị lớn như Seoul tăng gần gấp đôi trong một thập niên, vượt xa khả năng thu nhập của người lao động trẻ. Nhà ở xã hội mặc dù được mở rộng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là với sinh viên mới ra trường hoặc lao động thu nhập thấp.
Ngoài ra, thị trường việc làm khó khăn cũng khiến ngày càng nhiều bạn trẻ mất hy vọng.
Báo cáo của KOSIS cho thấy tính đến tháng 3/2025, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên 15–29 tuổi tại Hàn Quốc đạt 7,5%, tăng mạnh từ mức 5,9% vào tháng 12 2024 và cao nhất kể từ đỉnh dịch COVID‑19 năm 2021. Mức này hơn gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung quốc gia là 3,1%.
Trong khi đó, báo cáo của OECD thì nhận định nhiều bạn trẻ chờ đợi thi lại vào các doanh nghiệp lớn, qua đó sa vào trạng thái NEET và trì hoãn việc tự lập tài chính. Thế nhưng việc ngày càng có nhiều người trung niên Hàn Quốc cũng sa vào trạng thái này cho thấy câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều.
Tờ Korea Herald cho hay văn hóa gia đình và kỳ vọng xã hội Hàn Quốc là một yếu tố nữa khiến tình trạng ký sinh trùng ở nền kinh tế này tăng lên.
Trong khảo sát của KIHASA, có đến 64.1% người độc thân dưới 50 tuổi đang sống chung với cha mẹ và đa phần phụ huynh cho rằng họ có trách nhiệm hỗ trợ con cái đến khi chúng hoàn toàn tự lập.
Đặc biệt, khoảng 66.9% phụ huynh thừa nhận phải chịu trách nhiệm cho thành công và hạnh phúc của con cái đến khi trưởng thành.

Đồng thời, sự giảm mạnh tỉ lệ sinh (0,75 con/phụ nữ năm 2024) cũng làm thay đổi cấu trúc gia đình, khiến nhiều gia đình có ít thành viên và chú trọng hỗ trợ lẫn nhau hơn. Dẫu vậy, chính điều này lại làm gia tăng thế hệ chuột túi và tạo nên những hệ lụy đáng tiếc.
"Thế hệ chuột túi đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực về xã hội Hàn Quốc. Chúng ta cần gia tăng các cơ hội việc làm để những người này có thể tự chủ hơn trong cuộc sống", Chuyên gia nghiên cứu Oh Ho Young của Viện KRIVET nhận định.
Gánh nặng cho cha mẹ
Gánh nặng an sinh xã hội từ hệ lụy ăn bám của lực lượng lao động tại Hàn Quốc là rất lớn.
Hãng tin Reuters cho hay nhiều phụ huynh lớn tuổi tại Hàn Quốc phải gánh chi phí y tế, giáo dục và sinh hoạt của con cái dù đã lớn ảnh hưởng đến tích lũy hưu trí và phúc lợi cộng đồng. Về dài hạn, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng tăng do cha mẹ phải hỗ trợ con cái, tạo vòng xoáy gánh nặng đa thế hệ.
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát cũng cho thấy 75,1% số người già trên 60 tuổi tại Hàn Quốc không muốn sống cùng con cái để giảm gánh nặng cho chúng. Thế nhưng trên thực tế ngày càng nhiều thanh thiếu niên và cả người trung tuổi Hàn ăn bám vào cha mẹ mình.
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ người già trên 65 tuổi lâm vào cảnh nghèo đói tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong các thành viên của nhóm này.
Không dừng lại ở đó, thế hệ chuột túi ở Hàn Quốc gia tăng cũng khiến tỷ lệ sinh giảm. Năm 2024, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống 0.75 con/phụ nữ, thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Việc hoãn cưới, hoãn sinh gắn liền với tình trạng phụ thuộc gia đình kéo dài, làm trầm trọng thêm xu hướng già hóa dân số và giảm quy mô lực lượng lao động theo thời gian.
Thêm nữa, nhóm NEET và những người sống phụ thuộc kéo dài thường gặp trầm cảm, lo âu do cảm giác vô dụng và áp lực trách nhiệm với gia đình. Tình trạng Hikikomori (tự cách ly xã hội) cũng đã được ghi nhận gia tăng, nhất là trong nhóm trung niên phụ thuộc ở Hàn Quốc.
Trước tình hình đó, chính phủ Hàn Quốc đã chi 1.000 tỷ won cho chương trình tư vấn việc làm, đào tạo kỹ năng cho thanh niên NEET, kèm theo các khóa học miễn phí và hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, kết quả ban đầu còn hạn chế do thiếu cơ chế liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng mở rộng quỹ nhà ở xã hội, cho thuê mua với lãi suất thấp và hỗ trợ đặt cọc dành cho người dưới 35 tuổi độc thân. Mục tiêu tăng thêm 100.000 căn hộ trong giai đoạn 2023–2025 để giải quyết tình trạng thế hệ chuột túi hiện nay.

Chính quyền Seoul thậm chí tung ra các gói trợ cấp tài chính cho mỗi con thứ nhất là 200.000 won/tháng, hỗ trợ nghỉ thai sản kéo dài lên 90 ngày và mở rộng trung tâm trông trẻ công lập. Chính phủ cũng tuyên truyền nhiều chiến dịch truyền thông về "Tự lập", kêu gọi thanh niên hướng đến cuộc sống độc lập và tự chủ tài chính từ sớm.
Các chương trình giáo dục tài chính và kỹ năng sống được đưa vào chương trình phổ thông và đại học, nhằm xây dựng thói quen quản lý chi tiêu và xác lập mục tiêu độc lập từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả của các chương trình này chưa rõ ràng bởi gốc rễ vấn đề vẫn nằm ở thị trường việc làm, giá nhà quá cao và văn hóa chăm sóc con cái đến khi tự lập của các phụ huynh Hàn Quốc.
*Nguồn: Reuters, Korea Herald, OECD