Thấy gì từ chiến dịch tỷ USD cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc?

Nam Anh (Tổng hợp) | 10:07 31/12/2022

Từ thực tế hỗ trợ thị trường bất động sản của các quốc gia trên thế giới, theo giới chuyên gia, "bài thuốc" cho thị trường bất động sản cần nhanh, đúng và đủ liều.

Thấy gì từ chiến dịch tỷ USD cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc?

Tính tới cuối năm 2022, thống kê cho thấy, trong 2 tháng, khoảng 60 ngân hàng của Trung Quốc đã hỗ trợ thanh khoản lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 573 tỉ USD, cho các công ty BĐS trên thị trường.

Số tiền này nhằm giãn nợ cho các doanh nghiệp, mua lại các dự án thiếu hiệu quả, hỗ trợ người mua nhà…với mục tiêu lớn nhất là vực lại thị trường BĐS đã đình trệ trong thời gian dài, bắt nguồn từ chính sách thắt chặt tín dụng của chính phủ vào lĩnh vực này.

Dù bỏ nguồn lực rất lớn nhưng thực tế, thị trường BĐS tại Trung Quốc vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Niềm tin thị trường bị suy giảm, thanh khoản đình trệ, doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần.

Ngay trong tháng 12/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, tình hình khó khăn của BĐS của Trung Quốc khiến triển vọng tăng trưởng của nước này năm nay chỉ còn 3%, thay vì 3,3% như dự báo trước đó. Dự báo tăng trưởng nền kinh tế năm sau của Trung Quốc cũng bị hạ từ mức 4,5% xuống 4,3%.

Một số chuyên gia quốc tế nhận định những biện pháp trên chưa đủ để Trung Quốc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản do nhu cầu mua nhà ở đang giảm đi vì nền kinh tế còn nhiều áp lực.

Không chỉ Trung Quốc, hiện nay nhiều quốc gia như Hàn Quốc cũng đang có những chính sách giải cứu thị trường trong bối cảnh thị trường có nguy cơ suy thoái mạnh hơn do chi phí đi vay tăng cao khiến người mua e ngại.

Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố gói biện pháp hỗ trợ trị giá 7,3 tỷ USD nhằm giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước để hạn chế sự suy giảm của các dự án nhà ở. Biện pháp này là một phần của gói viện trợ 50.000 tỷ won dành cho thị trường tín dụng đang gặp khủng hoảng tại quốc gia này.

Ngoài ra, bắt đầu từ đầu năm sau, Hàn Quốc cũng cho phép những người mua nhà lần đầu và chủ sở hữu một ngôi nhà - những người muốn chuyển nhượng ngôi nhà hiện có - được nhận khoản vay thế chấp lên đến 50% cho những căn nhà trị giá hơn 1,5 tỷ won (1,06 triệu USD) tại những khu vực có tính chất đầu cơ.

Để tránh suy thoái thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến nền kinh tế, Hàn Quốc cũng đã hủy bỏ nhiều quy định về cho vay thế chấp tại một số trong tổng số 39 khu vực đầu cơ quá nóng và 60 khu vực có sự quản lý.

Nhìn từ chính sách giải cứu bất động sản của các nước trên thế giới ông Nguyễn Hữu Thanh, thành viên ACCA cho biết điều cần làm là có những giải pháp hỗ trợ cho tất các đối tượng trực tiếp và gián tiếp liên quan đến thị trường bất động sản gồm: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp, người mua nhà… "Nếu giải pháp chỉ tập trung cho một hoặc một số đối tượng thì tác dụng sẽ không cao", vị chuyên gia nói.

Quan trọng hơn theo ông Thanh là ở tính kịp thời. "Các biện pháp giải cứu như một bài thuốc để cứu chữa cho thị trường. Nhưng bài thuốc dù hay, dù tốt đến đâu thì bệnh nhân cũng cần phải được uống khi còn chút sức lực, nếu để quá chậm thì không bài thuốc nào cứu được".

Liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam, tại hội thảo cuối tháng 12/2022 về thị trường BĐS năm 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhắc lại câu hỏi ông từng nhận được rằng: Có nên cứu BĐS không khi kinh doanh BĐS chỉ chiếm chưa tới 5% GDP?

Theo ông Thiên, vấn đề không chỉ là con số 5% GDP kia. "Quan trọng hơn là 5% ấy có sức lan tỏa và hiệu ứng mạnh tới các ngành nghề khác trong nền kinh tế, đặc biệt là hiệu ứng với thị trường tài chính", ông khẳng định.

Với sức tác động ấy, ông nhấn mạnh quan điểm: Đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ cứu thị trường BĐS. Chỉ khi ấy, các giải pháp của Nhà nước và sự ủng hộ của xã hội mới đủ mạnh mẽ và hỗ trợ được cho lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khẳng định tầm quan trọng của BĐS, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tính toán, tỉ lệ tác động lan tỏa của BĐS là 1,3 - 1,4, tức là 1% tăng trưởng BĐS sẽ tạo ra 1,3 - 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. "BĐS là một trong những ngành có mức độ tác động lan tỏa lớn nhất", TS Nghĩa khẳng định.

"Tại Việt Nam, BĐS đang đứng thứ 3 về thu hút FDI. Chỉ khi thị trường BĐS phát triển lành mạnh và ổn định thì mới thu hút được các dòng vốn lớn cho phát triển", ông Nghĩa nói.

Nhìn vào những nỗ lực của Việt Nam, TS Trần Đình Thiên đánh giá cao một số động thái gần đây của cơ quan điều hành như xem xét nới room tín dụng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…Tuy nhiên, điều quan trọng của thị trường lúc này là niềm tin của doanh nghiệp. Theo ông, đã có những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp bắt đầu lo ngại, bởi dù có chính sách nới room, nhiều ngân hàng đã hết tiền để cho vay khiến doanh nghiệp đang nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Bởi thế, một trong những giải pháp được ông Thiên nhấn mạnh nhiều lần trong thời gian tới là "tiếp máu" cho thị trường. Để làm được điều này, nút thắt cần gỡ đầu tiên là "phải có thái độ khác với lạm phát". Theo ông, Việt Nam chưa có lạm phát nên đây là vấn đề không đáng lo. Đặc biệt, khi bơm vốn ra thị trường, các dự án đang đang kẹt vì thiếu vốn sẽ được khơi thông, nợ xấu từ đó sẽ được xử lí.


(0) Bình luận
Thấy gì từ chiến dịch tỷ USD cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO