Tháng 5/2022: Ngành thuế thu ngân sách được 99.100 tỷ đồng

PV | 23:29 30/05/2022

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 99.100 tỷ đồng đạt 8,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022: Ngành thuế thu ngân sách được 99.100 tỷ đồng
Có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt trên 45%.

Lũy kế 5 tháng năm 2022, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

So với dự toán có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 45%), đáng chú ý các khoản thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (khu vực đóng góp lớn nhất trong tổng thu nội địa) đạt mức tăng trưởng khá bằng 54,7% so với dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước ước đạt 50,6%; DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 50,6%; khu vực và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 60,4%. Toàn ngành có 44/63 địa phương có mức tăng trưởng khá đạt trên 50%.

 Có được kết quả trên là do kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, kích thích các DN tăng tốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Số DN gia nhập và quay trở lại hoạt động trong trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước (bình quân mỗi tháng có 20,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tăng khá đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022. Một nguyên nhân khác đó là giá dầu thế giới vẫn đang duy trì ở mức cao, hiện giá dầu Brent đang giao động trong khoảng 107 - 110 USD/thùng đã có những tác động tích cực đến thu từ dầu thô trong 5 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh các yếu tố khách quan tác động tích cực đến công tác thu ngân sách, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ công tác quản lý thuế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý thuế, ngành Thuế đã tăng cường công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa, điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế. Theo đó, tiếp nối thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 1, ngày 21/4, ngành Thuế đã tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đồng loạt tại 57 địa phương, phấn đấu hoàn thành hóa đơn điện tử trong cả nước trước ngày 1/7/2022.

Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện triển khai trên 2 hệ thống ứng dụng, gồm: Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng eTax Mobile. Thống kê đến thời điểm hiện nay, đã có 129,4 nghìn lượt tải và cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên cả 2 hệ điều hành Android và hệ điều hành iOS. Số tài khoản đăng ký giao dịch điện tử thông qua ứng dụng eTax Mobile: 50.524 tài khoản. Số giao dịch qua hệ thống ngân hàng thương mại là 30.972 giao dịch với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã kết nối triển khai với 05 ngân hàng đã kiểm thử thành công với Tổng cục Thuế, gồm:  BIDV, VCB, ACB, HDBANK, SCB. Với giải pháp kết nối này giúp NNT không cần phải đến cơ quan thuế xác minh thông tin nếu đã có tài khoản tại ngân hàng. Đối với các ngân hàng còn lại sẽ tiếp tục triển khai cùng kế hoạch triển khai liên kết tài khoản và nộp thuế trên ứng dụng eTax Mobile.

Tổng cục Thuế đã thông báo giải pháp kỹ thuật và kế hoạch triển khai kết nối ứng dụng eTax Mobile với hệ thống của ngân hàng thương mại để NNT có thể liên kết tài khoản và nộp thuế ngày trên giao diện của ứng dụng eTax Mobile. Việc triển khai diện rộng sẽ được tiến hành trước ngày 01/7/2022 trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại.

Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực thì công tác thu ngân sách được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đáng chú ý, cuộc chiến tranh Nga – Ucraina tiếp tục kéo dài khiến giá dầu và các mặt hàng hóa khác tăng cao.

Trong nước, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp, giãn giảm, thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách. Một số ngành bắt đầu có xu hướng giảm tốc như: chứng khoán, bất động sản… Do đó để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo yêu cầu cơ quan thuế rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu sát với thực tế phát sinh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, giúp DN và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề để tăng thu ngân sách.

Trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2 đồng loạt trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai tiếp nhận thông tin số định danh cá nhân phục vụ rà soát, chuẩn hóa thông tin người nộp thuế trên hệ thống quản lý cơ quan thuế. Xây dựng cơ sở pháp lý, các giải pháp đồng bộ chuyển đổi dữ liệu người nộp thuế sang sử dụng mã định danh cá nhân tạo tiền đề cho tháng 7/2022 triển khai hệ thống và sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Tổng cục Thuế cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thanh, kiểm tra nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tháng 5/2022: Ngành thuế thu ngân sách được 99.100 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO