Trong thông báo mới nhất, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã báo cáo mua thành công hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng, qua đó nâng sở hữu từ gần 7 triệu lên hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng 50,22% vốn SRC. Giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 29/11 - 01/12/2023.
Sau giao dịch, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao Vàng. Xếp sau là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với việc sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu tương ứng 36% vốn SRC.
Trên thị trường, cổ phiếu SRC đang trên đà tiến tới vùng đỉnh lịch sử, chốt phiên 1/12 đạt 29.000 đồng/cp, tăng 67% từ đầu năm và chỉ còn cách vùng đỉnh lập hồi đầu tháng 11 hơn 1%. Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu SRC, Tập đoàn Hoành Sơn đã chi khoảng 209 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên.
Được biết, mặc dù tới cuối năm 2023 mới chính thức nâng sở hữu lên quá bán tại Công ty Cao su Sao Vàng, nhưng ông Phạm Hoàng Sơn đã là Chủ tịch của Cao su Sao Vàng từ ngày 28/12/2019 tới nay.
Trước đó, từ năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn và Cao su Sao Vàng hợp tác thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn, cùng thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại khu đất 231 - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), diện tích 62.438 m2. Đồng thời, Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để Cao su Sao Vàng di dời nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng. Song, việc di dời nhà máy sau đó đã bị dừng lại và dự án cũng dậm chân tại chỗ.
Quay trở lại với diễn biến cổ đông, sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giảm sở hữu từ 51% về 36% vốn điều lệ tại Công ty Cao su Sao Vàng, thì Tập đoàn Hoành Sơn lại liên tục nâng sở hữu. Trong đó, năm 2020, Hoành Sơn nâng sở hữu từ 0% lên 24,5% vốn điều lệ tại Công ty Cao su Sao Vàng và chính thức trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Với việc ông Phạm Hoàng Sơn tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT, đồng thời Tập đoàn Hoành Sơn đã sở hữu quá bán tại Công ty Cao su Sao Vàng, đồng nghĩa mọi quyết định và điều hành đã về tay nhóm cổ đông Tập đoàn Hoành Sơn, mặc dù cổ đông nhà nước (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) vẫn còn sở hữu 36% vốn điều lệ.
Năm 2023, SRC lên kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,1 lần và 2,6 lần con số thực hiện năm 2022. Tuy nhiên Cao su Sao Vàng dự kiến khó đạt được kế hoạch doanh thu và chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Theo dõi giao dịch, cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng đang đi ngược với kết quả kinh doanh chưa mấy khả quan. Cụ thể, giá cổ phiếu SRC hồi tháng 10/2023 tăng từ 18.000 đồng lên 23.500 đồng/cp sau 8 phiên tăng, tương ứng tỷ lệ gần 31%. Tiếp đó, cổ phiếu SRC liên tiếp tăng trong các tháng 11 và 12/2023, mức tăng cao nhất đạt 29.000 đồng/cp, chốt phiên đóng cửa ngày 21/12, cổ phiếu SRC đạt 25.500 đồng/cp.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Hoành Sơn thành lập tại Hà Tĩnh vào năm 2001, hoạt động đa ngành nghề như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...
Ngoài Cao su Sao Vàng, Tập đoàn Hoành Sơn còn gây chú ý với thương vụ thâu tóm Cảng Phước An năm 2016. Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn triển khai nhiều dự án xây dựng "khủng" khác như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (gần 1.500 tỷ đồng); Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng);…
Gần nhất, Tập đoàn Hoành Sơn đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP.Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Khu đất này từng được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng do CTCP Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An trúng sơ tuyển hồi giữa năm 2020 nhưng sau đó đã có văn bản xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu.