Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đều nhấn mạnh yêu cầu tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, trong đó trọng tâm là tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất về kinh tế, thúc đẩy hợp tác có hiệu quả về kinh tế và kết nối hai nền kinh tế.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng.
Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư tại Lào. Riêng năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.
Trong năm 2021, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng…
Các doanh nghiệp Lào tham dự cuộc gặp đánh giá cao việc hai nước triển khai các dự án thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ, đường sắt và đường không, cảng biển giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã cố gắng thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Lào bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần chân thành, tin cậy, “nói được, làm được”, góp phần vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.
“Chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư. Hiện Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào, tôi mong muốn có ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai hoặc thứ nhất tại Lào”, Thủ tướng Phankham Viphavanh bày tỏ.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác kinh tế vẫn chưa thực sự trở thành một trụ cột tương xứng với quan hệ đặc biệt vĩ đại giữa hai nước và như kỳ vọng của nhân dân hai nước.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, khi đầu tư sang Lào, ngoài sứ mệnh về kinh tế, còn có sứ mệnh về chính trị; sứ mệnh về tình nghĩa, trách nhiệm, sự tri ân với các thế hệ đi trước đã sẵn sàng đổ máu, hi sinh vì độc lập, chủ quyền của mỗi nước; sứ mệnh với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của mỗi nước; sứ mệnh vì đất nước Lào, đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; sứ mệnh vì ấm no, hạnh phúc hơn của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên cơ sở Chiến lược hợp tác 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch hợp tác 2022 và các thỏa thuận, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước tập trung triển khai thực hiện thật tốt một số nội dung, nhiệm vụ như:
Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, hợp tác kết nối ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và với các nước khác trong khu vực.
Tập trung xử lý những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, hiểu biết lẫn nhau, lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Hai bên phối hợp, tạo lập hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021.
Đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước, trước mắt tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối với các khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS; Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viên Chăn và tuyến đường sắt Viên Chăn – Vũng Áng; Thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng. Phấn đấu để chậm nhất trong năm nay, Lào có kết nối với biển.
Tiếp tục phối hợp có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai bên và đẩy mạnh cơ chế hợp tác Ủy ban liên chính phủ, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp…