Theo hãng tin Bloomberg, món khoai ngọt (Sweet Potatoe) chiếm tới 19% lượng Calorie cung cấp cho mỗi bữa ăn của người Trung Quốc cách đây hơn 60 năm. Thế nhưng giờ đây món này dần bị thay thế bởi thịt lợn.
Tương tự, đại mạch từng chiếm tới 27% nguồn cung Calorie cho mỗi bữa ăn của người Hàn Quốc vào năm 1961 nhưng nó đã biến mất hoàn toàn trên bàn ăn vào năm 2019.
Hàng loạt những món ăn thời xưa đang dần biến mất khỏi thực đơn truyền thống của nhiều nước trên thế giới, thay vào đó bữa ăn của hàng tỷ người tiêu dùng đang dần bị đồng hóa bởi ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Những món bánh ngọt, mỳ ăn liền, thịt hộp... giờ trở thành thực phẩm “quốc tế” khi được tiêu dùng mọi nơi, tạo nên một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg cho hay khi thu nhập tăng lên, ảnh hưởng bởi văn hóa Phương Tây cũng như việc ngành nông nghiệp bị công nghiệp hóa đã khiến mọi người trên thế giới giờ đây ăn gần giống nhau hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu nhiều hơn bao giờ hết.
Ví dụ như lúa mì, loại thực phẩm được tiêu thụ bởi hầu hết các nước trên thế giới nhưng lại chỉ được xuất khẩu bởi một số quốc gia bất ngờ trở nên khan hiếm.
Khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra, giá lương thực tăng tới gần 40% khiến hơn 20 nước phải hạn chế xuất khẩu thực phẩm và tạo nên một nỗi lo về khủng hoảng trên toàn cầu.
Không dừng lại đó, việc công nghiệp hóa ngành nông nghiệp, tập trung vào một số mặt hàng lương thực để cung ứng cho toàn cầu cũng làm xói mòn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, trong khi điều này đáng lẽ sẽ hạn chế hơn nếu các nước tiêu thụ các dạng thực phẩm khác nhau.
Xin được nhắc là nếu không tính những mảng như đồ da, may mặc, nguyên liệu sinh học... thì ngành nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng khí thải nhà kính ra môi trường.
“Việc phụ thuộc vào một số thực phẩm chính khiến người dân toàn cầu dễ bị tổn thương hơn về an ninh lương thực”, chuyên gia cấp cao Fatima Hachem của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) nhận định.
Ví dụ như Indonesia, một quốc gia có truyền thống ăn lúa gạo thì hiện nay lại trở thành thị trường nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới với 10 triệu tấn mỗi năm. Loại nguyên liệu này chủ yếu được dùng để làm mì ăn liền bởi quốc gia này là thị trường tiêu thụ mì gói nhiều thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Hậu quả là khi xung đột Ukraine, một trong những nước xuất khẩu lúa mì chính, diễn ra thì Indonesia là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Thay đổi khẩu vị
Năm 1961, gạo và sắn là những thực phẩm chủ yếu ở Indonesia, trong khi ¼ lượng Calorie trên bàn ăn của người Anh và Mỹ đến từ lúa mì, thịt lợn và khoai tây. Đến năm 2019, lượng tiêu thụ sắn của người Indonesia giảm xuống còn 6% tổng lượng Calorie cung cấp mỗi bữa ăn, trong khi lúa mì tăng lên 8%.
Tình hình này cũng tương tự tại nhiều nước Châu Á và Châu Phi khi người dân tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo và Carbohydrates hơn so với trước đây.
“Sự thay đổi về chế độ ăn này thật đáng kinh ngạc. Châu Âu đã phải mất hàng trăm năm để hình thành nên một chế độ ăn ổn định như ngày nay nhưng Châu Á lại chỉ mất 20-30 năm để thay đổi khẩu phần trên bàn ăn của mình”, giáo sư Peter Timmer của trường đại học Harvard ngạc nhiên.
Trong hơn 6.000 thực vật mà nhân loại đã dùng làm lương thực trong suốt lịch sử thì hiện nay toàn thế giới chỉ ăn khoảng 9 loại. Riêng 3 món chính là lúa gạo, lúa mì và ngô chiếm đến 50% lượng Calorie trên bàn ăn của cả nhân loại.
Ngoài ra, lượng tiêu thụ thịt và sữa cũng tăng khi tiêu chuẩn sống của người dân đi lên, trong đó thịt lợn là loại thịt được ăn nhiều nhất với 36% trên tổng số theo dữ liệu của FAO.
Ví dụ như Trung Quốc, nền kinh tế này đã có sự bùng nổ mạnh mẽ từ năm 1961 khiến đời sống người dân đi lên, qua đó dần trở thành thị trường sản xuất cũng như tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới với 11% tổng Calorie cung cấp cho mỗi bữa ăn.
Theo chuyên gia nghiên cứu Colin Khoury của Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (ICTA), quá trình toàn cầu hóa giao thương nông nghiệp đã giúp hàng tỷ người trên thế giới gia tăng nguồn dinh dưỡng, thoát khỏi sự phụ thuộc vào những loại thực phẩm nghèo nàn.
Thế nhưng, hậu quả của tiến trình này thì chẳng mấy ai quan tâm.
Hiểm họa
Việc nhân loại thu hẹp loại thực phẩm tiêu thụ giúp ích cho ngành nông nghiệp dễ dàng công nghiệp hóa, sản xuất quy mô lớn để cung ứng số lượng nhiều cho hàng tỷ người. Thế nhưng chỉ một số quốc gia là đủ điều kiện về khí hậu, công nghệ để sản xuất, cung ứng trong nước và còn dư ra cho xuất khẩu.
Ví dụ như Nga và Ukraine, 2 thị trường chiếm đến ¼ lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, gặp gián đoạn cung ứng thì phản ứng dây chuyền ngay lập tức diễn ra với giá nhiều loại lương thực khác cũng tăng lên. Tổ chức Liên Hiệp Quốc (UN) ước tính giá lương thực tăng sẽ đẩy 71 triệu người trên toàn cầu xuống dưới mức nghèo đói.
Bên cạnh đó, việc quốc tế hóa giao thương lương thực khiến mặt hàng này phụ thuộc quá lớn vào đồng USD. Hậu quả là khi đồng tiền này tăng giá mạnh, nhiều điểm giao thương như những bến cảng ở Pakistan bị kẹt với hàng nghìn contaner thực phẩm do không có đủ ngoại tệ.
Thế rồi môi trường cũng trở nên tệ đi với lũ lụt ở Australia đến hạn hán ở Ấn Độ. Nông nghiệp tàn phá môi trường và chúng đang ảnh hưởng ngược lại chính mùa vụ thu hoạch. Báo cáo của UN cho thấy sản lượng thu hoạch nông nghiệp có thể giảm 30% vì biến đổi khí hậu, thế nhưng nhu cầu lương thực lại sẽ tăng 50% trong những thập niên tới khi dân số đi lên.
Theo Bloomberg, tổng dân số gặp rủi ro mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã tăng từ 135 triệu người năm 2019 lên 345 triệu người hiện nay, qua đó cho thấy sự bất ổn của chế độ tiêu thụ thực phẩm hiện nay.
*Nguồn: Bloomberg