Tại sao quốc gia xuất khẩu dầu mỏ "khủng" như Ả Rập Saudi lại tăng cường nhập dầu của Nga?

Tất Đạt | 14:23 29/11/2022

Không chỉ nhập nhiều dầu của Nga, Ả Rập Saudi còn đầu tư rất nhiều tiền cho các dự án tại Nga. Lí do đằng sau là gì?

Tại sao quốc gia xuất khẩu dầu mỏ "khủng" như Ả Rập Saudi lại tăng cường nhập dầu của Nga?

Ả Rập Saudi nhập dầu của Nga

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2021, sản lượng dầu hàng ngày của Nga là 10,11 triệu thùng, cao hơn 0,8 triệu thùng so với sản lượng hàng ngày của Ả Rập Saudi là 9,31 triệu thùng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, Ả Rập Saudi không chỉ là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ mà còn là nước nhập rất nhiều dầu của Nga trong thời gian gần đây.

Vào tháng 4, Ả Rập Saudi và đồng minh thân cận nhất - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu tinh chế của Nga với mức giá chiết khấu cao để sử dụng trong các nhà máy điện của họ. Theo New York Times, bằng cách nhập khẩu những nhiên liệu đó, Ả Rập Saudi có thể bán nhiều dầu thô hơn cho các nước khác với giá cao.

Theo Kpler, một công ty dữ liệu và nghiên cứu hàng hóa, nguồn cung trực tiếp từ Nga đến Ả Rập Saudi đạt 76.000 thùng/ngày trong tháng 7, mức cao thứ 2 trong lịch sử sau tháng 9/2018. Viktor Katona, một nhà phân tích của Kpler cho biết, nhiều dầu nhiên liệu của Nga có thể đã gián tiếp vào Ả Rập Saudi thông qua Estonia, Ai Cập và Latvia.

Phần lớn dầu nhiên liệu đó đã từng được chuyển đến Mỹ, nơi các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh xử lý nó thành xăng, dầu diesel và các loại nhiên liệu khác. Tuy nhiên, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3, khiến các nhà xuất khẩu Nga phải chật vật tìm khách hàng khác và chào bán loại nhiên liệu này với giá tương đối thấp.

 Ariel Ahram, một chuyên gia về Trung Đông tại Virginia Tech, cho biết: "Đó là đợt giảm giá sốc từ Nga".

Các quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ cũng mua dầu của Nga, thường với mức chiết khấu từ 30% trở lên. Lượng mua dầu nhiên liệu Nga của Ả Rập Saudi giảm khi mùa hè kết thúc nhưng theo dự báo sẽ tăng trở lại vào năm tới.

Helima Croft, người đứng đầu nghiên cứu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: "Từ quan điểm của Saudi, họ chắc chắn không muốn vướng vào tranh chấp giữa phương Tây và Nga".

Hai quốc gia sản xuất dầu mỏ này đã mở rộng quan hệ đối tác ngay cả khi Mỹ và châu Âu tìm cách trừng phạt và cô lập Nga.

Ngay đầu năm nay, Công ty Kingdom Holding của Ả Rập Saudi đã lặng lẽ đầu tư hơn 600 triệu USD vào ba công ty năng lượng thống trị của Nga.

Sau đó, vào mùa hè, khi Mỹ, Canada và một số nước châu Âu cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga, Ả Rập Saudi đã tăng gấp đôi lượng dầu nhiên liệu mà họ mua từ Nga cho các nhà máy điện của mình, giải phóng lượng dầu thô của chính Ả Rập Saudi để xuất khẩu.

Hợp tác đôi bên cùng có lợi

Trong tháng 4, Nga và Ả Rập Saudi đã chỉ đạo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất đồng minh giảm mục tiêu sản lượng trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu toàn cầu đang giảm, một quyết định làm tăng lợi nhuận từ dầu mỏ cho cả Ả Rập Saudi và Nga.

Nhìn chung, các động thái này thể hiện sự ủng hộ của Saudi Arabia đối với Moscow và rời xa Mỹ. New York Times cho rằng Ả Rập Saudi và Nga không tạo lập liên minh chính trị vững chắc, nhưng các nhà lãnh đạo hai bên đã tạo ra một thoả thuận có lợi cho cả hai bên.

Bill Richardson, cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và đại sứ tại Liên Hợp Quốc, cho biết: "Rõ ràng, mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Nga đang ngày càng sâu sắc".

Bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, Ả Rập Saudi đang gây khó khăn hơn cho Mỹ và Liên minh châu Âu trong việc cô lập ông Putin. Khi châu Âu sẵn sàng giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga, Ả Rập Saudi và các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ lại tiến tới như các khách hàng "sộp" nhất.

Trong Chiến tranh Lạnh, Ả Rập Saudi và Liên Xô từng đối đầu gay gắt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi sự bùng nổ sản xuất dầu đá phiến và khí đốt tự nhiên từ Mỹ làm giảm sức mạnh của OPEC và các nhà sản xuất dầu lớn khác như Nga, hai nước đã coi nhau là đối tác có giá trị và có chung lợi ích. 

Sau khi giá dầu lao dốc vào cuối năm 2014 và 2015, Moscow và Riyadh đã hợp tác để ngăn các công ty Mỹ thống trị thị trường năng lượng toàn cầu. Năm 2016, Nga và Ả Rập Saudi đã đồng ý mở rộng liên minh dầu mỏ, tạo ra OPEC Plus (hay OPEC+).

Mối quan hệ hợp tác của các bên này tỏ ra khá bền vững, ngoại trừ một thời gian ngắn rạn nứt vào đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu dẫn đến sự sụt giảm của giá dầu và hai nước không đồng ý về những việc cần làm.

Bruce Riedel, nhà phân tích Trung Đông của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), nhận định: "Người Nga và Ả Rập Saudi có lợi ích tương đồng trong việc đẩy giá dầu lên cao". 

Các quan chức Ả Rập Saudi nhận thấy rằng Nga là một đối tác hữu ích trong việc quản lý OPEC+, một nhóm các nhà sản xuất dầu thường hay bất đồng về những ý tưởng khác nhau trong cách quản lý nguồn cung và giá dầu.

Nhóm hợp tác chặt chẽ với Alexander Novak, cựu bộ trưởng năng lượng Nga, hiện là phó thủ tướng. Các nhà phân tích mô tả ông sẵn sàng ngồi hàng giờ với các bộ trưởng của các nước sản xuất dầu mỏ khác để nghe kế hoạch, mối quan tâm và bất bình của họ.

Jim Krane, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Rice, cho biết: "Điều khá đáng chú ý là Nga đã có thể giữ Saudi Arabia như đồng minh".

Các giám đốc điều hành dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư nói rằng Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng vịnh khác chỉ đang làm những gì tốt nhất cho họ.

Đầu tư vào Nga

Sadad Ibrahim Al Husseini, cựu giám đốc điều hành của Saudi Aramco, cho biết: "Những quyết định này đang bảo vệ lợi ích thương mại của chính Ả Rập Saudi và có ý nghĩa to lớn từ quan điểm kinh tế của chính Ả Rập Saudi".

Một số giám đốc điều hành năng lượng Trung Đông cho biết Mỹ và các nước phương Tây khác không phải là đối tác đáng tin cậy đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ, nguyên nhân chủ yếu là do họ tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên thế giới trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu.

Nhiều động thái của Saudi Arabia đối với Nga cũng có thể được hiểu là những quyết định mang tính cơ hội để kiếm tiền dễ dàng.

Khi giá cổ phiếu của Gazprom, Rosneft và Lukoil - ba công ty năng lượng lớn của Nga - sụt giảm vào đầu năm nay vì lệnh trừng phạt của phương Tây, Kingdom Holding, do hoàng tử Ả Rập Saudi Alwaleed bin Talal điều hành, đã tận dụng cơ hội và đầu tư khoảng 600 triệu USD vào chúng.

Khoản đầu tư này đại diện cho gần một nửa khoản đầu tư vốn cổ phần toàn cầu mới của công ty trong nửa đầu năm nay, khi nhiều công ty phương Tây thông báo rằng họ sẽ rời khỏi Nga. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Ả Rập Saudi kể từ khi quỹ đầu tư quốc gia công bố một quỹ trị giá 10 tỷ USD để đầu tư vào Nga vào năm 2015, mặc dù không rõ liệu Ả Rập Saudi có thực sự đầu tư toàn bộ số tiền đó hay không.

Gregory Gause, một chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Texas A&M, cho biết: "Khoản đầu tư lớn này của Saudi vào lĩnh vực năng lượng của Nga là một nỗ lực nhằm gắn kết hơn nữa lợi ích của Saudi và Nga trong việc duy trì giá dầu".


(0) Bình luận
Tại sao quốc gia xuất khẩu dầu mỏ "khủng" như Ả Rập Saudi lại tăng cường nhập dầu của Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO