Tại sao người Mỹ sợ giá xăng tăng hơn người dân các nước khác?

Băng Băng | 15:41 27/10/2022

Tờ NYT nhận định người Mỹ có thể nhịn ăn hay chi tiêu tiết kiệm hơn, nhưng họ không thể ngừng ra đường.

Tại sao người Mỹ sợ giá xăng tăng hơn người dân các nước khác?

Đảo lộn vì xăng

Theo tờ New York Times (NYT), nền kinh tế Mỹ hiện nay rất sợ giá xăng. Mỗi khi giá xăng đi lên, người dân Mỹ lại lo sợ khủng hoảng, suy thoái và dường như bất bình với mọi thứ. Ngược lại khi giá xăng giảm, mọi điều không vui về nền kinh tế có thể tạm bỏ qua.

Rõ ràng, xăng dầu đã trở thành mặt hàng đầy quyền lực ở Mỹ. Trong khi giá xăng tăng vài đồng ở một số nước chưa khiến người dân cảm nhận được mấy thì tại nền kinh tế số 1 thế giới, đà tăng giá xăng khiến người dân cảm nhận được áp lực hơn bất kỳ mặt hàng nào khác.

Tất nhiên với vị thế là nền kinh tế số 1 thế giới thì người dân Mỹ ít khi phải chịu cảnh biến động giá dầu, nhưng kể từ đầu năm đến nay, cuộc khủng hoảng năng lượng và những động thái sau đó đã cho các chuyên gia một cơ hội để nghiên cứu.

2022-10-27_153651.png
Giá xăng tỷ lệ nghịch với chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ

Sau khi giá xăng bán lẻ bình quân tại Mỹ đạt đỉnh hơn 5 USD vào tháng 6/2022 và giảm dần xuống đáy tháng 9/2022 để rồi tăng trở lại, hàng loạt số liệu đã được ghi nhận để cho thấy một sự thực thú vị. Đó là giá xăng ảnh hưởng tỷ lệ nghịch với chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng như tỷ lệ ủng hộ Tổng thống.

Xin được nhắc lại là người Mỹ sử dụng xe hơi rất nhiều, từ đi chợ, đưa con đi học cho đến di chuyển bất kỳ đâu. Bởi vậy xăng dầu rất khác với các mặt hàng nhu yếu phẩm khác, mọi người có thể nhịn ăn hoặc tiết kiệm nhưng chẳng thể bỏ làm hoặc ngừng ra đường.

Tờ NYT cho biết giá xăng tại Mỹ quyền lực đến nỗi chúng có thể ảnh hưởng đến cách người dân chi tiêu như thế nào, thay đổi thói quen du lịch ra sao và thậm chí là tác động đến ngành xe hơi, thời trang, bất động sản trong dài hạn.

“Khi giá xăng thay đổi thì mọi thứ tại Mỹ cũng đảo lộn theo”, giám đốc Mansoureh Jeihani của Trung tâm giao thông quốc gia (NTC) nhận định.

Theo bà Jeihani, độ phủ sóng kém của hạ tầng giao thông công cộng khiến người Mỹ chẳng có cách nào chống lại đà tăng giá xăng. Nếu bán lẻ có thể thay đổi bằng cách giảm kích thước hay đổi sang những sản phẩm thay thế rẻ tiền hơn thì điều này là bất khả thi với xăng dầu.

“Khi giá xăng tăng thì người Mỹ chúng tôi cảm giác như chẳng thể làm gì được vậy. Bạn sẽ chẳng thể đi đâu nhiều, chẳng làm được gì nhiều hết”, chuyên gia phân tích Patrick De Haan của GasBuddy nói.

“Không có bất kỳ một mặt hàng hay dịch vụ nào tại Mỹ mà lại được niêm yết giá công khai to tướng ở trên phố suốt cả ngày như xăng dầu cả”, chuyên gia Joanne Hsu của trường đại học Michigan đồng quan điểm.

Bất cứ ai là người Mỹ khi bơm xăng, trừ phi bạn quá giàu, thì đều nhìn vào đồng hồ đo để căn từng đồng. Tờ NYT nhận định cảm giác này rất khác so với khi người tiêu dùng mua chục quả trứng gà trong siêu thị.

Khó chơi chiêu

Xăng dầu là mặt hàng có tính thống nhất cao khi chỉ với 3 loại: xăng thường, cấp cao và loại siêu xịn. Chúng không giống như mặt hàng sữa khi có đủ loại từ ít béo, hữu cơ hay với vô số nhãn hiệu khác nhau. Bởi vậy khi mua xăng dầu, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn.

Chính vì điều này mà giá xăng rất dễ theo dõi, khiến nhà cung ứng khó lòng qua mắt người tiêu dùng. Nếu một hộp ngũ cốc có thể chơi chiêu bằng cách cắt giảm khối lượng tịnh, hay một mẫu túi có thể giảm giá nhẹ vài lần để tăng lên sau đó thì một gallon xăng (3,78 lít) không thể làm như vậy được.

Hậu quả là biến động giá xăng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người Mỹ so với các mặt hàng khác.

Nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Chris Severen thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Philadelphia cho thấy những thanh thiếu niên chịu qua cuộc khủng hoảng giá xăng thập niên 1970 có xu hướng lái xe ít hơn trong 20 năm sau đó.

Chuyên gia Severen cho biết xăng dầu và ô tô đã trở thành một văn hóa đặc trưng của người Mỹ và giá xăng trở nên quyền lực hơn bao giờ hết. Nếu các mặt hàng khác tăng giá thì mọi người còn có lựa chọn chứ giá xăng tăng thì họ chẳng có cách nào ngoài việc chịu đựng chúng, trừ phi chỗ ở của người dân rất gần nơi làm việc, trường học, trung tâm giải trí, sân bay....để có thể đi bộ.

Tờ NYT cho biết hầu hết người Mỹ chẳng thể đưa con đến trường 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày chỉ vì giá xăng quá đắt đỏ. Họ cũng chẳng thể bỏ làm tự ý ở nhà vì chi phí nhiên liệu tăng cao.

“Người dân Mỹ chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào xăng dầu và xe cộ”, chị Denange Sanchez, một công nhân vệ sinh tại Palm Bay cho biết.

Gia đình chị Sanchez đã phải chấp nhận giá xăng tăng dù họ là những người có thu nhập thấp, bởi chẳng có cách nào để kiếm tiền mà không ra đường với những lao động trình độ thấp như vậy.

Trong cuộc khủng hoảng 2008, hãng tin CNN đã có bài phân tích chỉ ra giá xăng tăng là một phần nguyên nhân khiến người mua nhà cảm thấy áp lực, qua đó góp phần tạo nên cuộc sụp đổ dây chuyền trên thị trường bất động sản. Đó là chưa kể những tác động vào du lịch, vận tải cùng nhiều mảng kinh tế khác.

“Chúng tôi đã bị kẹt trong nhà và tưởng chừng chẳng thể nào sống được như vậy. Bạn có tưởng tượng được bao nhiêu hộ gia đình Mỹ lâm vào tình cảnh như vậy không?”, bà Teresa Richardson sống tại Pennsylvania nhớ lại quãng thời gian không thể ra đường vì giá xăng cao.

*Nguồn: NYT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Tại sao người Mỹ sợ giá xăng tăng hơn người dân các nước khác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO