Tại sao các ngân hàng khó bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ?

Dương Trang | 07:36 07/06/2024

Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi và giải quyết nợ xấu. Chuyên gia cho rằng cần giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay hoặc tính toán xem xét lại khoản nợ lãi suất thì mới thể thanh lý được tài sản sớm.

Tại sao các ngân hàng khó bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ?
Dự án Bến Du Thuyền (Marina Hotel) được ngân hàng rao bán nhiều lần. (Ảnh: Int)

VietinBank chi nhánh Thành An mới đây có thông báo bán đấu giá (lần 5) khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Tính đến hết ngày 27/5/2024, tổng dư nợ là 646,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 496 tỷ đồng, nợ lãi hơn 160 tỷ đồng (gồm lãi trong hạn hơn 155 tỷ đồng, lãi phạt hơn 5 tỷ đồng). Có 11 TSĐB là đất - tài sản hình thành trong tương lai và các hợp đồng mua bán căn hộ.

Hôm 21/5, VietinBank Bắc Sài Gòn thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp,đáng chú ý đây là lần 17 khoản nợ được rao bán. Dư nợ của khoản nợ tạm tính đến ngày 16/5/2024 là hơn 591 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 327 tỷ đồng; lãi trong hạn cộng dồn gần 180 tỷ đồng; lãi quá hạn cộng dồn 84 tỷ đồng).

Mới đây, BIDV Bình Tân thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM với mức giá từ vài tỷ đồng.

Cụ thể, lô đất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn với diện tích hơn 1446m2. Giá khởi điểm gần 11 tỷ đồng.

Lô đất thứ hai tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, có diện tích 300m2. Mục đích sử dụng đất là đất ở tại nông thôn, thời hạn sở hữu lâu dài. Tài sản được bán nguyên trạng theo thực tế và bán chung không tách rời 2 tài sản. Giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BIDV Bình Tân cũng đang tồn đọng nhiều tài sản bảo đảm là nợ xấu đã được rao bán nhiều lần nhưng chưa “thoát hàng” như lô đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã rao bán 9 lần; 1 lô đất tại Đồng Nai được rao bán 11 lần…

Hay như Agibank chi nhánh Sài Gòn cũng đang rao bán đấu giá khu du lịch nghỉ mát Việt Nga, tại Bến Đầm, Côn Đảo để xử lý khoản nợ hơn 370 tỷ đồng.

Agribank chi nhánh TP Đà Nẵng vừa thông báo bán đấu giá hàng loạt lô đất tại Đà Nẵng có giá khởi điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản vẫn đang rất khó khăn, ngay cả nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản cũng khó xử lý do việc thu hồi nợ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án. Hoặc khi chủ đầu tư đã vay tiền nhưng dự án chưa thể triển khai được do vướng mắc nhiều khâu nên khi phát mại tài sản cũng rất khó thu hồi.

Khảo sát kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong nước (đã công bố báo cáo tài tài chính quý 1/2024) cho thấy, hầu hết nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với cuối năm 2023, thậm chí nhiều ngân hàng tăng bằng lần. Tổng nợ xấu của các ngân hàng trong quý 1/2024 là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, 26/28 nhà băng có số dư nợ xấu tăng.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể nói là đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về việc gia hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) không được thể hiện một cách chính xác, vì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tài sản thế chấp của các ngân hàng từ vài tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu giá trị thấp thì việc thanh lý tài sản đảm bảo thuận lợi hơn. Nhưng với tài sản hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ thì các ngân hàng rao bán có khi hàng vài chục lần mới có thể thanh lý được.

Hơn nữa, việc rao bán tài sản đảm bảo bao gồm cả tiền lãi, nên giá trị lại càng cao. Mà thực chất, cá nhân/tổ chức tham gia đấu giá họ không hề muốn mua khoản nợ lãi đó.

Các chuyên gia cho rằng, để thu hồi nợ nhanh, những ngân hàng rao bán tài sản cần xem xét lại cả khoản nợ lãi và hạ giá trị tài sản đảm bảo cho phù hợp với thực tế của thị trường. Bởi nếu không linh động, thì những tài sản lớn đó có rao hàng chục lần cũng khó “thoát hàng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao các ngân hàng khó bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO