Sống chung với “thủy thần”, đây là cách những cánh đồng nổi trở thành cứu cánh cho những người nông dân khốn khó

Linh Anh | 17:03 27/04/2023

Tập quán trồng rau, cây cối trên bè hiện đang trở thành cứu cánh giúp người nông dân ở quốc gia châu Á này chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt và nước biển dâng.

Sống chung với “thủy thần”, đây là cách những cánh đồng nổi trở thành cứu cánh cho những người nông dân khốn khó

Cứu cánh tới từ kinh nghiệm của... tổ tiên

Để đến được nông trang của mình, Mohammad Mohasin không đi bộ hay đi xe. Người đàn ông 40 tuổi phải chèo chiếc thuyền gỗ hoặc bơi tới những luống rau, mảnh ruộng đang nổi trên mặt nước ở Barisal, một khu vực phía nam của Bangladesh.

Cà chua, bí ngô, khoai tây, đậu, cà tím và dưa chuột nằm trong số những nông sản mà Mohasin và những người hàng xóm trồng trên những nông trang nổi. Và cũng giống như ở trên mặt đất, chúng xanh mướt cả một khoảng rộng lớn.

“Nếu tôi trồng những rau củ này trên một cánh đồng bình thường, lũ lụt sẽ nhấn chìm chúng. Thế nhưng, trên những cánh đồng nổi này, nước có dâng lên bao nhiêu cũng không thể làm ngập úng cây trồng”, Mohasin chia sẻ.

800x-1-37-.jpg

Là hình thức thủy canh truyền thống có tuổi đời từ 400 năm trước, những cánh đồng nổi này trở thành cách giúp người dân ở Barisal sống chung với thủy thần, nhất là trong bối cảnh con người chưa thể tìm ra cách gì hiệu quả để đối phó với nước biển dâng cùng điều kiện thời tiết ngày càng trở nên cực đoan do biến đổi khí hậu.

Bangladesh nằm ở vũng trũng và là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính phần lớn đất đai ở quốc gia này sẽ bị ngập trong những đợt gió mùa khắc nghiệt vào năm 2050. Nước biển dâng và xói mòn bờ biển có thể khiến 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cùng với đó là những mất mát đáng kể về diện tích đất, khiến một phần lớn sản lượng lương thực biến mất.

Khi biến đổi khí hậu làm tăng cường các đợt gió mùa, khiến tuyết trên dãy Himalaya tan nhanh và lốc xoáy xảy ra thường xuyên, canh tác trên những cánh đồng đã không còn đáng tin cậy. Trong khi đó, một nửa lực lượng lao động của Bangladesh làm trong lĩnh vực nông nghiệp nên một chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết.

Và giải pháp đâu đó có thể tới từ những chiếc bè nổi hình chữ nhật của Barisal. Nó nổi lên và hạ xuống theo con nước. Được làm từ lục bình và cố định bằng cọc tre, chúng rất rẻ nhưng lại thân thiện với cây trồng. Sử dụng phân chuồng phủ phía trên, người nông dân có thể thoải mái trồng những cây nông nghiệp mà không lo sợ bão lũ. Hình thức canh tác tương tự cũng được nhìn thấy ở các khu vực khác của châu Á như Hồ Dal ở Kashmir và Hồ Inle ở Myanmar.

1400x-1-8-.jpg

Chi phí thấp khiến chúng trở thành lựa chọn khả thi nhất cho người nông dân Bangladesh. Trong khi đó, lợi ích chúng mang lại rất cao. Không chỉ tốt cho cây trồng, vùng nước xung quanh có thể được dùng để khai thác thủy sản. Ngay cả khi thiên tai gây ra những thiệt hại lớn, việc khôi phục các trang trại này có thể được tiến hành nhanh chóng.

“Trong trường hợp mọi thứ bị cuốn trôi, chúng tôi sẽ chẳng mất quá nhiều thời gian để khôi phục lại. Chẳng có gì khó khi biết cách làm những trang trại này”, Mohammad Shamsul Haque, một nông dân 64 tuổi ở Barisal, chia sẻ.

Tiềm năng áp dụng trên quy mô lớn

Thành tựu từ những trang trại nổi ở Bangladesh hoàn toàn có thể được áp dụng trên khắp thế giới nhằm sẵn sàng cho một tương lai dễ bị lũ lụt. Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính lũ lụt gây thiệt hại 21 tỷ USD cho cây trồng và vật nuôi ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trong giai đoạn từ 2008-2018. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy 1,8 tỷ người trên toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ từ lũ lụt.

Để ghi nhận tiềm năng của các nông trại nổi, năm 2015, FAO đã đưa 2.500 ha cánh đồng nổi ở Bangladesh vào danh sách 62 hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng của toàn thế giới. Họ ước tính Bangladesh có thể canh tác tới 2 triệu ha cánh đồng nổi.

Đó là một dấu mốc quan trọng để Chính phủ Bangladesh thúc đẩy các mô hình tương tự thông qua một dự án thí điểm bắt đầu năm 2017. Đến nay, 25.000 nông dân ở 24 địa phương đã được đào tạo kỹ thuật, cung cấp giống, hỗ trợ thuốc trừ sâu và hậu cần để nhân rộng mô hình này.

800x-1-38-.jpg

Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh cũng đã tiến hành các nghiên cứu để làm sao việc canh tác trên những cánh đồng nổi trở nên hiệu quả hơn. Họ cũng phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ trong hoạt động này, để từ đó nâng cao hơn nữa sản lượng.

Các tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu cũng đã nhận ra tiềm năng của mô hình này và tăng cường hỗ trợ người dân Bangladesh nhân rộng các cánh đồng nổi. Họ tin rằng sự chung tay của nhiều bên sẽ giúp đảm bảo sinh kế cho một bộ phận người nông dân, giúp không ai bị bỏ lại phía sau bởi những tác động của biến đổi khí hậu.

Trở lại Barisal, ông Mohasin có thể thu được 658 USD/tháng vào mùa thu hoạch cao điểm. Và ông cũng đang truyền những kinh nghiệm của bản thân và bài học mà cha ông để lại cho các con. Đó cũng là một cách tuyệt vời để giúp phương thức canh tác này ngày càng được lan tỏa rộng khắp và đóng vai trò lớn hơn nữa trong sinh kế người dân.

Tham khảo: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sống chung với “thủy thần”, đây là cách những cánh đồng nổi trở thành cứu cánh cho những người nông dân khốn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO