'Soi' chất lượng 5 bến xe 'cửa ngõ' Thủ đô

Đinh Tịnh - Tuấn Việt | 06:26 19/07/2024

Làm thế nào bến xe hút khách nếu chất lượng không thay đổi, không ứng dụng công nghệ số, quản lý, chất lượng dịch vụ không tốt, thiếu sự đổi mới.... MarketTimes đã thực tiễn 'soi' chất lượng 5 bến xe khách tại các 'cửa ngõ' Thủ đô.

'Soi' chất lượng 5 bến xe 'cửa ngõ' Thủ đô
So sánh chất lượng phục vụ tại 5 bến xe Hà Nội

Một thực tế là lượng hành khách hiện nay đến các bến xe ngày một giảm. Tâm lý “ngại ra bến” vì sợ chèo kéo, mất đồ và đặc biệt là sự đi lại vất vả đi lại đã dần hình thành một loại “tâm lý chung” của người dân khi nghĩ về bến xe. Nhất là khi các loại hình dịch vụ đưa đón trả khách tại nhà, tại các điểm đại lý của nhiều nhà xe ngày một tiện ích và hiệu quả.

Làm thế nào để các bến xe hiện nay thu hút được hành khách? Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ dường như là yếu tố sống còn của các bến xe, khi đối chọi là vô vàn các loại hình tương thích của nhịp sống 4.0 hiện nay. Tất nhiên, để làm được điều này, các bến xe phải ngày một đổi mới phương thức hoạt động, nâng cấp thêm chất lượng dịch vụ, tăng cường các loại hình tiện ích...

Vậy, thực trạng của các bến xe lớn của TP Hà Nội như thế nào để người dân có cách nhìn tổng thể, so sánh khi có nhu cầu vận tải? Chúng tôi đã có những ghi nhận trong ngày làm việc tại các bến xe. 

Tại Bến xe Gia Lâm, sáng đầu tuần 8/7/2024, một quang cảnh sạch sẽ vắng vẻ tại tiền sảnh bến xe. Khoảng 8h sáng, nhưng lượng hành khách vào bên rất thưa thớt. Có lẽ “tấp nập” nhất là khu vực phân làn dành cho xe buýt. Vài phút một xe buýt cập bến, lượng khách xuống lác đác và được săn đón ngay bởi nhóm xe ôm, xe công nghệ ùa vào từ cổng chính.

Bên ngách phải của bến xe Gia Lâm, ranh giới giữa bến xe và nhà dân tại đây được “phân định” bởi những dãy hàng xe máy.

Theo tìm hiểu của phóng viên MarketTimes, do bãi xe của bến khá xa so với cổng chính nên ngách phải này nghiễm nhiên trở thành một bãi xe thường nhật cho người dân đưa đón.

Giá vé ở đây được tính theo giờ từ 5-10 phút là 5.000 đồng/xe, từ 30-1h là 10.000đ/ xe. Trên 1h là 15.000đ, 20.000đ, thậm chí cao hơn nữa nếu qua buổi hoặc qua ngày. Tại đây, có lẽ là nơi “nhộn nhịp” nhất tại bên xe Gia Lâm. Xe công nghệ, xe taxi xen lẫn xe máy và hàng quán, trái ngược hoàn toàn với khu vực bán vé trong sảnh. Sạch, mát nhưng vắng như... "chùa bà đanh".

nhon-nhao-ben-xe-gia-lam.jpg
Bên ngách bến xe Gia Lâm còn tình cảnh nhốn nháo, có tình trạng đón trả khách

Trở lại với khu vực nhà xe đón khách trong bến, lượng xe đón khách ít ỏi. Dãy các ki ốt dịch vụ phong phú chủng loại bán hàng nhưng cũng chỉ có vài ba khách ngồi chờ xe.

Một vị bán hàng tại bến cho biết: “Khách đến bến ngày một ít. Đông nhất là các dịp ngày Lễ, Tết song tính ra trong năm thì được mấy ngày như vậy đâu. Nhiều xe khách nơi đây khi xuất bên chỉ đón được vài ba khách”.

Thực tế, 3 năm trở lại đây, bến xe Gia Lâm được đầu tư nâng cấp khá nhiều so với trước. Khu vực quầy bán vé, khu vực các đại lý (nhà chờ của các hãng xe – PV) khá sạch sẽ. Khu vực toa-lét cũng đã xã hội hóa thu phí. Hiện tại, lượng xe khách ra vào bến duy trì khoảng 350 chuyến/ ngày.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: Người dân ngại ra bến xe vì phải di chuyển trong khi xe hợp đồng đón trả khách tại nhà ngày một nở rộ. Các bến xe có đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn vắng khách.

Buổi sáng, hơn chục xe xuất bến. Xe nhiều chưa tới một phần ba hành khách trên tổng số ghế. Xe ít thì chỉ vài ba hành khách, đúng giờ xe vẫn phải chạy, nhà xe ngao ngán.

Tại Bến xe Yên Nghĩa, đầu giờ chiều ngày 8/7, cũng giống như bến xe Gia Lâm, bến xe này (giáp quốc lộ 6 và vành đai 4) cũng vắng vẻ, quạnh hiu khác hẳn với sự hình dung về một bến xe được đầu tư hiện đại trên 80 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, bến xe Yên Nghĩa có bến tĩnh rộng trên 14.000m2, bến động trên 15.000m2, sân đỗ xe trên 13.000m2 và một tổ hợp hệ thống nhà điều hành, khu dịch vụ, cây xăng, nhà ăn... khá bắt mắt và hiện đại.

Tiền sảnh ghi nhận đầu giờ chiều tại bến xe Yên Nghĩa lác đác vài ba khách. Dãy ghế in-nốc sáng bóng vài người ngồi chờ xe. Khu đậu xe mênh mông nhưng phụ lái xe, cán bộ bến còn đông hơn hành khách. Quầy bán vé cũng vậy, hơn 30 phút số người vào mua vé chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Nếu làmphép so sánh, bến xe Yên Nghĩa với quy mô đáp ứng 2.000 lượt xe với hàng nghìn lượt hành khách, thì nhãn tiền ngày hôm nay cho thấy bến xe thưa thớt dường nào.

Liệu sẽ đổ lỗi cho ai khi nghịch lý trái ngược trong và ngoài bến xe Yên Nghĩa lại một trời một vực?

ben-xe-yen-nghia.jpg
Nhiều xe khách rời bến Yên Nghĩa đi chậm để đón thêm khách

Trước khi đến bến xe Yên Nghĩa, phóng viên đã ghi nhận tại những tuyến đường như Quang Trung, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đại lộ Thăng Long... hay những tuyến đường đan xe sát khu vực bến. Hiện trạng xe từ bến đi ra đón khách nơi đây nhộn nhịp. Nhiều lều quán, chè cháo bên đường vô hình chung trở thành bến “cóc” cho hành khách đón xe đi tuyến.

Xe từ bến đi chậm, đón khách giữa đường, bất chấp luồng phương tiện không đảm bảo, mất an toàn giao thông. Ở đây, còn đồng nghĩa tiềm ẩn tai nạn giao thông khi phóng nhanh vượt ẩu.

Xe khách đều có lịch trình ở hai đầu bến. Mất nhiều thời gian đón khách, thì sẽ phải trả thời gian ấy bằng tốc độ trên đường. Người dân cũng không xa lạ với cảnh xe chạy chậm đầu bến, phóng như điên dại giữa đường và cuối bến. Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không tránh khỏi.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội từng nhấn mạnh, bên cạnh sự đầu tư cho bến bãi phải còn là sự triển khai quyết liệt đồng bộ giữa bến xe, các lực lượng công an, CSGT, thanh tra... Câu chuyện muôn thuở nhưng chưa bao giờ giảm nhiệt.

Tại bến xe Giáp Bát, gần 11h trưa ngày 9/7, có sự nhộn nhịp “đúng nghĩa” của một bến xe. Trước cửa bến, khu vực đường Giải Phóng, lượng áo xanh, áo vàng của xe công nghệ tấp nập, ồn ào. Bất cứ hành khách ra hay vào đều được đám người này bu vào, ráo riết. Xe tuyến dài được phân làn cụ thể, tách biệt với xe tuyến ngắn. Hệ thống loa đài thông báo không ngớt, đặc biệt, luôn nhắc nhở hành khách bảo vệ tài sản và vào bến mua vé.

Có lẽ do lượng khách đông nên ngoài khu vực trong sảnh chính sạch sẽ, thoáng mát, thì khu ki ốt, dịch vụ ngoài bãi xe nhộn nhạo, thiếu ngăn nắp. Rác thải từ quầy quán bủa ra đường đi. Có lẽ do gần giờ trưa, nên hành khách ăn uống khá bừa bộn. Vẫn hiện tượng nhiều xe máy đi vào trong bến. "Hơi thở" của bến xe nóng nực...

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, lượng xe ra vào bến Giáp Bát hiện nay sụt giảm so với thời gian trước khoảng 300 xe/ngày, nay là 650 lượt xe/ ngày. Lượng hành khách ngày thường qua bến cũng giảm. Mặc dù bến xe ngày một dồn kinh phí nâng cấp thêm về chất lượng dịch vụ, nhưng vẫn luôn đau đáu làm sao hút khách đến bến xe. Nhiều giải pháp được đưa ra, hiệu quả chưa được như mong muốn.

ben-xe-giap-bat.jpg
Bến xe Giáp Bát đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn tình trạng nhiều xe máy đi vào bến, rách thải hàng ăn trong bến, ngoài bến còn tình trạng xe đón khách

Theo tìm hiểu, bến xe Giáp Bát đã được Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt là đào tạo, thay đổi tư duy phục vụ hành khách của cán bộ công nhân viên. Một năm ít nhất 3 đợt đào tạo lớn với sự giảng dạy của các chuyên gia lĩnh vực. Ngoài ra, công tác an toàn cho hành khách cũng được tăng cường. Chỉ riêng hệ thống phòng cháy chữa cháy, bến xe Giáp Bát đã được đầu tư trên 7 tỷ đồng. Khu vực phòng chờ, lưu giữ đồ, khu vực tìm đồ thất lạc.. đều có nhân viên cán bộ hướng dẫn.

Cũng giống như bến xe Yên Nghĩa, tình trạng xe dừng đỗ bắt khách trên đường Giải Phóng, khu vực ngoài bến xe Giáp Bát khá nhiều. Đoạn đường hơn 1km về hướng trung tâm TP và hướng cầu Thanh Trì, phóng viên ghi nhận người dân mặc nhiên bắt chuyến. Vậy tại sao dưới cái nóng nực gần 40oC, hành khách vẫn không tìm đến bến?

Tại Bến xe Nước Ngầm, 14h giờ ngày 9/7, PV ghi nhận sự đầu tư khá nghiêm túc bài bản, khi toàn bến có hai cửa chính một chiều ra và 1 chiều vào với tầng tầng barie và lực lượng bảo vệ khá nghiêm ngặt.

Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội có đăng tải đoạn bài viết nói về nhân viên bến xe Nước Ngầm “rắn” nhất về quản lý điều hành thì đúng vậy. Việc hành khách vào bến kiểm tra khá ngặt nghèo, đặc biệt trong việc hướng dẫn hành khách đi đâu và làm gì. Xe vào và xuất bên được giám sát bằng nhân viên thủ công cùng hệ thống lớp lớp camera, máy chiếu.

Trong bến, khu vực bãi xe máy gửi quy mô. Khu vực chờ của hành khách cũng hiện đại không kém. Nhân viên hướng dẫn và hành khách được phân định rõ ràng, quản lý bởi hệ thống vân tay hay mã số. Tầng 1 và tầng 2 phòng chờ sạch và thoáng. Lượng hành khách khá đông không kém bến xe Giáp Bát hay Mỹ Đình, tuy nhiên, cách quản lý vận hành khá thông suốt, nhanh chóng, trong bến sạch sẽ.

Có lẽ ấn tượng nhất của phóng viên là tại phòng chờ của bến xe Nước Ngầm có khu lưu giữ đồ đạc thất lạc của hành khách. Chủ yếu là ví tiền và laptop.

tu-luu-do-that-lai-tai-ben-xe-nuoc-ngam.jpg
Tủ lưu đồ thất lạc tại bến xe Nước Ngầm, nếu hành khách để quên sẽ dễ dàng tìm được lại đồ của mình ở đây, đây là điểm mới chưa bến xe nào có

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, nhiều hành khách thất lạc đồ và được tìm thấy đều cảm thấy nhẹ lòng. Điều này đồng nghĩa với việc nhân thêm sự tin tưởng với bến xe. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0 hiện nay, việc hành khách đến bến vẫn là câu chuyện nan giải.

Theo báo cáo, hiện tại lượng xe tuyến tại bến xe Nước Ngầm còn khoảng 400 lượt/ ngày, giảm gần 50% so với thời kỳ trước dịch Covid 19. Phần lớn các nhà xe bỏ bến do phá sản, hoặc không thể cạnh tranh được với tầng tầng xe hợp đồng, xe “dù” đón trả khách tại nhà mọc ra như nấm.

Tại Bến xe Mỹ Đình ngày 10/7, đây là bến xe ghi nhận lượng khách đông khách nhất so với 5 bến xe của Hà Nội. Khách tấp nập từ ngoài đường Phạm Hùng, trước cửa, bên lề hai ngách bến. Có lẽ, chỉ khu vực tiền sảnh, là thoáng đãng.

Sự nhộn nhạo cũng tương đồng, khi khá đông lượng xe ôm, xe công nghệ, xe taxi chèo kéo khách mỗi khi nhà xe đổ bến. Sự quấy rầy khiến nhiều hành khách bực mình. Chưa kể nhiều ki ốt lộn xộn người ra kẻ vào ầm ĩ.

Tuy nhiên, theo một số nhân viên tại đây, hôm nay là ngày đông, “bù” cho những ngày vắng khách trong tuần. Có thời điểm, bến xe Mỹ Đình cũng èo uột thiếu khách. Lượng xe xuất bến có lượng khách chiếm một nửa xe là may mắn chưa bằng đủ đầu ngón tay. Nhiều thời điểm trong ngày, lượng nhân viên, tài phụ xe đông hơn hành khách.

0.jpg
Bến xe Mỹ Đình đã được nâng cấp trong bến hiện đại hơn xưa nhưng lượng khách vắng, xung quanh bến "mọc" lên nhiều văn phòng nhà xe tư nhân

Theo báo cáo, bến xe Mỹ Đình được Công ty CP Bến xe Hà Nội lựa chọn để xây dựng mô hình bến xe văn minh, hiện đại có nhà chờ, có các quầy dịch vụ phục vụ hành khách tương tự các sân bay. Tuy nhiên, với hiện trạng nhốn nháo thực tế khu vực ngoài đại sảnh ngày hôm ấy, thì chưa thực sự tương xứng.

Và tất nhiên, cũng không thiếu bến “dù”, bến cóc. Từ bến xe Mỹ Đình rẽ phải, đối diện cổng làng Nhân Mỹ (khoảng 2km cách bến xe), hàng chục xe khách quay đầu đón khách theo hướng về cầu Thăng Long. Xe chạy chậm và dừng đỗ, khách lên và xuống trước làn giao thông đông dần lên của chuẩn bị giờ cao điểm. Điều đáng nói là 3-4h chiều ngày 10/7 nhưng cũng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng.

5 bến xe Hà Nội đang phải cạnh tranh với các "bến xe thu nhỏ" là "văn phòng của các nhà xe"

resize-20-11-2023-02-19-25-at316.jpg
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Trên địa bàn Hà Nội có trên 36.000 xe hợp đồng với nhiều loại xe kinh doanh vận tải khác nhau, khiến việc quản lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là sự canh tranh trong dịch vụ vận tải giữa xe hợp đồng và nhà xe theo bến sẽ ngày càng khốc liệt. Đó là xe hợp đồng không phải đăng ký xe vào lốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, các văn phòng đại diện của các nhà xe "mọc" khắp nơi, như những bến xe thu nhỏ.


(0) Bình luận
'Soi' chất lượng 5 bến xe 'cửa ngõ' Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO