Chuỗi ngày ảm đạm của chứng khoán Việt Nam vẫn chưa kết thúc, VN-Index tiếp tục giảm mạnh 29,14 điểm (-3,1%) xuống 911 điểm. HNX-Index giảm 7,66 điểm xuống 175,78 điểm và UPCoM-Index giảm 3,51 điểm xuống 63 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt giá trị 9.797 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi tiếp tục mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.206 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường. Lực mua của nhà đầu tư ngoại trong hôm nay tập trung giải ngân vào STB, HPG, KBC.
Trong đó, cổ phiếu ngân hàng STB được mua ròng nhiều nhất với giá trị 146 tỷ đồng, HPG được mua ròng 127 tỷ đồng và KBC được mua ròng 73 tỷ đồng.
Phiên hôm qua (15/11) STB, HPG, KBC cũng là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng tích cực nhất giá trị hơn 100 tỷ đồng, đặc biệt, giá trị mua ròng ngày hôm qua của STB còn hơn 337 tỷ đồng.
Sau 1 thời gian giá cổ phiếu giảm sâu, hiện tại định giá của các cổ phiếu trên đều đang ở mức thấp, P/B nhỏ hơn 1.
Như P/E của cổ phiếu STB hiện tại đang ở mức 6,9 và P/B nhỏ hơn 1 là 0,8. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý 3 của ngân hàng đạt mức độ tăng trưởng cao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, STB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, tăng 36,6% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Về phía Hòa Phát (HPG), theo báo cáo gần đây của VNDIRECT, trong 9 tháng đầu năm 2022, thị phần thép xây dựng tại Việt Nam của HPG tăng từ mức 32,6% trong năm 2021 lên 35,8%. Đáng chú ý, khoảng cách giữa HPG với công ty có thị phần lớn thứ 2 đã tăng lên 24,5%. VNDIRECT dự phóng sản lượng của HPG vẫn sẽ tăng trưởng dương so với năm 2022. HPG sẽ được hưởng lợi trong xu hướng tập trung hơn của thị phần ngành đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung nhiều thách thức. Lợi thế của HPG đến từ mô hình sản xuất quy mô lớn, mạng lưới phân phối rộng khắp và hiệu quả vận hành.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia nhận thấy một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện bao gồm: giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại, Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Hiện nay, P/E của HPG là 4,1 và P/B chỉ 0,7.
Còn Kinh Bắc (KBC) mới đây thông báo HĐQT dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 năm 2022 hoặc lần 1 năm 2021 để xin ý kiến ĐHĐCĐ thực hiện chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp. Với hơn 767,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy nếu thực hiện chia cổ tức, dự kiến KBC sẽ chi 1.535 tỷ đồng để trả cổ tức.
Trước đó, KBC cũng đón nhận tin tốt khi đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng tỉnh Bắc Giang, quy mô diện tích dự án là 90ha với vốn đầu tư 996 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Foxconn – một vệ tinh lớn của Tập đoàn Apple đã ký Biên bản ghi nhớ thuê lại 50,5 ha đất trong 90 ha đó để triển khai dự án đầu tư tập trung chủ yếu sản xuất các sản phẩm của Apple với quy mô vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.
Trong quý 3, KBC ghi nhận khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng đến từ thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh trong giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý 2/2022. Theo đó, LNST thu về đột biến 1.936 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng. P/E hiện tại của KBC là 5,1 và P/B là 0,7.
Mới đây, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý thông báo đã hoàn tất mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này đã tăng từ 4,99% lên 7,64% và trở lại làm cổ đông lớn từ ngày 15/11. Giao dịch được thực hiện vào phiên 11/11. Tạm tính theo giá đóng cửa 20.200 đồng/cổ phiếu làm giá giao dịch, hai quỹ ngoại đã phải chi ra gần 384 tỷ đồng để mua về số cổ phiếu nói trên.
Trước đó, trong khoảng từ 31/10 đến 8/11, quỹ ngoại thuộc VinaCapital là VOF Investments Limited đã mua thành công 10 triệu cổ phiếu KDH của Khang Điền, tương đương 1,41% vốn điều lệ tại công ty này, nâng tỷ lệ sở hữu của VinaCapital tại Khang Điền lên 13,4% vốn điều lệ. Động thái trên diễn ra khi thị giá KDH đang ở mức thấp nhất thừ tháng 8/2020. P/E của KDH hiện đang là 10 và P/B là 1,2.
Về kết quả kinh doanh, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 803 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng 8,9% so với cùng kỳ, đạt 345 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.678 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 970,6 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý III/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đạt 838 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu từ chuyển nhượng BĐS đạt 224 tỷ đồng từ bàn giao 15 căn biệt thự Hà Đô Charm Villas, giảm 41% so với mức nền cao của cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu bán điện tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 537 tỷ đồng (tăng 175% so với cùng kỳ) nhờ các nhà máy thủy điện vận hành hiệu quả nhờ điều kiện thủy văn tốt và sự đóng góp của 3 nhà máy mới. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 251 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ).
Còn đối với HDG, ngày 9/11, nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua vào 600.000 cổ phiếu HDG để nâng sở hữu từ 9,79% lên 10,04% vốn điều lệ. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 500.000 cổ phiếu và Norges Bank mua vào 100.000 cổ phiếu.
Về tiềm năng của HDG, theo báo cáo gần đây của KBSV, nhóm chuyên gia đánh giá tính đến hiện tại, HDG sở hữu 462 MW năng lượng tái tạo, tổng công suất danh mục điện của HDG xếp thứ hai về trong các doanh nghiệp sản xuất điện đang được niêm yết trên sàn. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của ngành năng lượng trên thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, dự án Charm Villas hiện đã thi công xong móng và đang tập trung hoàn thiện xây thô cho toàn bộ các căn biệt thự, liền kề tại dự án. Dự án đã mở bán được khoảng 240 căn trong 2 đợt mở bán đầu tiên. Hà Đô dự kiến sẽ mở bán đợt 3 với 130 căn còn lại trong năm 2022, tuy nhiên trước những diễn biến không thuận lợi của thị trường BĐS, kế hoạch mở bán đợt 3 có thể sẽ bị đẩy lùi sang Quý 2/2023. Doanh số bán hàng đợt 3 ước tính đạt khoảng 1,500 tỷ VND. KBSV đánh giá đây là dự án chính đóng góp vào kết quả kinh doanh của mảng BĐS trong năm 2022-2024 khi các dự án khác chưa được triển khai, ước tính tổng doanh thu của dự án Hà Đô Charm Villas là 5.400 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, kinh doanh điện là mảng cứu cánh cho HDG khi doanh thu từ hoạt động bất động sản giảm sút. Hiện nay, P/B của HDG ở mức 1,1.