Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc của Trung Quốc có thể giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước?
Trung Quốc có diện tích lớn thứ 4 thế giới, chiều rộng từ Tây sang Đông là 5.000 km và chiều dài từ Bắc xuống Nam là 4.000 km.
Việc phân bổ tài nguyên nước giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc có sự khác biệt lớn. Ở miền Nam có nhiều nước hơn nhưng lại hẹp hơn trong khi miền Bắc rộng hơn nhưng lại ít nước hơn.
Cụ thể miền Nam chiếm khoảng 81% nguồn tài nguyên nước của cả Trung Quốc trong khi miền Bắc chỉ chiếm 7,5%.
Có thể nói khác biệt về tài nguyên nước này đã trở thành vấn đề không thể bỏ qua trong quá trình phát triển của Trung Quốc.
Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc (Nam thủy Bắc điều công trình) nhằm xây dựng một hệ thống kênh đào từ thượng lưu, trung lưu và hạ lưu Trường Giang để đưa một khối lượng nước khổng lồ về những khu vực khô hạn ở miền Bắc để đáp ứng nhu cầu về nước trong sản xuất công nông nghiệp.
Đây là một dự án hạ tầng lớn kéo dài nhiều thập kỷ và dự kiến sẽ cung cấp khoảng 44,8 tỉ mét khối nước ngọt hàng năm cho miền Bắc Trung Quốc vào năm 2050.
Mặc dù Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc có thể giảm thiểu đáng kể tình trạng khan hiếm nước ở miền Bắc nhưng theo một số chuyên gia, nó vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề tài nguyên nước ở miền Bắc Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, một ý tưởng hướng tới tương lai đã xuất hiện có tên là "Dự án Thiên Hà".
"Dự án Thiên Hà" là gì?
Cái tên "Dự án Thiên Hà" chắn chắn khiến chúng ta không còn nghĩ đến các dòng chảy trên mặt đất nữa mà là nguồn nước từ trên trời rơi xuống.
Khái niệm này do nhóm nghiên cứu chung từ Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và Đại học Thanh Hải (Tây Ninh) đề xuất.
Nó giống như một phép màu công nghệ, giúp phân phối hợp lý tài nguyên nước ở dạng hơi nước tới các khu vực cụ thể thông qua can thiệp nhân tạo.
Về lý thuyết, cách làm này sẽ giúp nhanh chóng đạt được sự cân bằng tài nguyên nước ở Bắc và Nam Trung Quốc.
Kiểu "chuyển hướng nước từ trên không" này dường như vượt ra khỏi khuôn khổ của các dự án thủy lợi truyền thống.
Việc chuyển nước trên không được dự tính trong dự án này sẽ đưa hơi nước tới những nơi thiếu nước, giúp vượt qua những trở ngại về địa hình và khoảng cách không còn là trở ngại.
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, "Dự án Thiên Hà" dần dần có những bước đột phá.
Từ năm 2018, các nhà nghiên cứu đã phát triển các tên lửa chuyên chở nước, radar đo lượng mưa, máy dò nước trong mây và các vệ tinh cũng đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện dự án.
Có thể nói "Dự án Thiên Hà" đang dần vượt ra khỏi lý thuyết mà trở nên thực tế hơn nhiều.
Khó khăn
Tuy nhiên, dự án không phải là không gặp khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để làm chủ các kênh vận chuyển hơi nước, cụ thể là sông khí quyển.
Đây là một dòng khí ẩm đậm đặc có trong bầu không khí vốn không ổn định.
Chuyên gia động lực khí quyển Wu Guoxiong cho rằng đặc tính không ổn định của sông khí quyển khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Đây là một vấn đề rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các nhà khoa học.
Ngoài khó khăn nêu trên, sự trưởng thành của công nghệ tăng cường lượng mưa nhân tạo cũng là một vấn đề không thể bỏ qua.
Mặc dù công nghệ hiện tại có thể đáp ứng được các giả định của "Dự án Thiên Hà", nhưng các nghiên cứu về các thông số phức tạp như hướng gió, thời gian, vị trí và sự ra vào của hơi nước của sông khí quyển vẫn đang trong giai đoạn thăm dò.
Các nhà nghiên cứu vẫn cần đi sâu hơn để đảm bảo tính thực tiễn của "Dự án Thiên Hà".