Shopee áp đảo 3/4 thị phần TMĐT, khi sàn đồng loạt tăng nhiều loại phí, lối đi nào cho nhà bán hàng vừa và nhỏ?

Kiều Anh | 09:19 05/10/2024

Nắm thị phần áp đảo trên thị trường, khi sàn thương mại điện tử tiến hành tăng nhiều loại phí, các nhà bán hàng vừa và nhỏ phụ thuộc vào sàn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Trên các cộng đồng dành cho nhà bán hàng đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi quanh chủ đề này. Trong số đó có rất nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề kinh doanh trên website riêng.

Shopee áp đảo 3/4 thị phần TMĐT, khi sàn đồng loạt tăng nhiều loại phí, lối đi nào cho nhà bán hàng vừa và nhỏ?

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 được thực hiện bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mới được công bố tháng 4 vừa qua, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD.

Báo cáo quý II của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, cho biết người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I.

Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Nắm thị phần áp đảo trên thị trường, khi sàn thương mại điện tử tiến hành tăng nhiều loại phí, các nhà bán hàng vừa và nhỏ phụ thuộc vào sàn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Trên các cộng đồng dành cho nhà bán hàng đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi quanh chủ đề này. Trong số đó có rất nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề kinh doanh trên website riêng.  

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với anh Nguyễn Thế Chiêu, CEO Công ty Cổ phần Coolmom, chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng dành cho Mẹ & Bé trên sàn thương mại điện tử và cũng sở hữu website riêng coolmom.vn luôn nằm trong TOP gợi ý của Google, đặc biệt là nhóm từ khoá liên quan tới “máy hút sữa”.

* PV: Được biết anh có xuất phát điểm là một lập trình viên chuyên lập trình trang web và hiện tại đang vận hành hệ thống thương mại điện tử chuyên kinh doanh sản phẩm dành cho Mẹ & Bé. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình kinh doanh của anh?

Trước khi làm kinh doanh trong lĩnh vực Mẹ & Bé tôi là một lập trình viên chuyên thiết kế website. Tôi bắt đầu công việc thiết kế website từ những năm 2006, sau hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này, tới năm 2018 tôi chuyển qua kinh doanh sản phẩm dành cho Mẹ & Bé bằng việc mở các gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Tới năm 2022 chúng tôi xây dựng website coolmom.vn để mở rộng kinh doanh và tránh lệ thuộc vào sàn. Hiện tại website của chúng ta đã có doanh thu tương đối ổn định và vẫn đang tăng trưởng theo tháng.

* Anh so sánh thế nào về việc kinh doanh trên website riêng và sàn thương mại điện tử?

Kinh doanh ở đâu cũng có những đặc thù và khó khăn riêng nhưng nhìn chung kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phần dễ dàng hơn so với trên website.

Trên sàn có sẵn khách hàng, bạn chỉ việc tìm cách thu hút họ vào gian hàng của bạn và thúc đẩy họ mua hàng bằng những chiêu thức khá cơ bản. Bất kì ai có một chiếc máy tính, hoặc thậm chí một chiếc điện thoại thông minh là có thể bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Còn với website sẽ đòi hỏi nhiều kiến thức nặng hơn. Bạn phải tự tạo ra một kênh riêng, tự tối ưu website, tự tìm kiếm và thuyết phục khách hàng. Để làm được những điều đó, bạn cần phải có hiểu biết tổng quát về mặt kĩ thuật như: công nghệ lập trình website, tên miền, hosting, cách tối ưu website cho tới những kĩ năng như: quảng cáo trực tuyến (Google, Facebook, vv…), cách đo lường các chỉ số của website, cách tối ưu chuyển đổi, vv…

Về kĩ thuật thì bạn có thể dễ dàng thuê ngoài, có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thiết kế website trọn gói và hỗ trợ kĩ thuật cho bạn khi cần. Còn về kĩ năng marketing, kĩ năng bán hàng trên website, kĩ năng quảng cáo để thu hút khách truy cập cho website và nhiều kĩ năng khác thì bắt buộc bạn phải hiểu sâu và tự vận hành mới mong có kết quả tốt. Nếu không có hiểu biết sâu thì bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu thêm, trả giá, hoặc sẽ phải thuê ngoài tốn kém nhiều chi phí mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Cho tới thời điểm này, thị trường sàn thương mại điện tử tại Việt Nam là cuộc đua song mã giữa Shopee và TikTok Shop. Tuy nhiên gần đây hai “ông kẹ” này liên tục tăng phí lên ngưỡng xấp xỉ 20% chưa kể chi phí quảng cáo nội sàn và các chi phí marketing khác. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà bán hàng. Có nhiều nhà bán hàng đã rời bỏ sàn để chuyển sang nền tảng khác dễ thở hơn. Trong số đó, có nhiều người đang tìm hiểu cách bán hàng trên website riêng. Bạn có thể dễ dàng nhận ra xu hướng này khi tham gia các hội nhóm dành cho nhà bán hàng trên Facebook.

Nhìn chung, cách vận hành kinh doanh trên sàn dễ hơn trên website nhưng bạn cần có biên lợi nhuận gộp đủ lớn thì mới hy vọng có lợi nhuận tốt. Theo tôi nghĩ biên lợi nhuận gộp tối thiểu khoảng 40% thì mới nên bán hàng trên sàn vào thời điểm này. Còn nếu thấp hơn ngưỡng đó thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong vận hành.

* Vận hành một website riêng có tốn kém nhiều chi phí không thưa anh?

Chi phí vận hành nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào quy mô, phương pháp và kĩ năng triển khai của từng doanh nghiệp. Với những website lớn như của Thế Giới Di Động, Con Cưng hay như của “ngôi sao mới nổi trong ngành thời trang” là Coolmate thì chi phí vận hành tương đối lớn, có thể lên tới hàng tỉ đồng mỗi tháng.

Nhưng hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ, cùng với hàng trăm nghìn hộ kinh doanh và người bán hàng nhỏ lẻ, hầu như không có nguồn lực để xây dựng và duy trì website ở quy mô lớn như vậy. Nên nhìn chung đa phần sẽ phù hợp để xây dựng website có quy mô nhỏ hơn với chi phí vận hành không quá tốn kém.

Nếu như ngày trước chúng ta phải tự thiết kế trang web hoặc thuê các đơn vị thiết kế web tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc thì hiện nay có nhiều mô hình tạo web nhanh và hiệu quả như WordPress, Sapo, Haravan, Shopify, vv... Bạn có thể hoàn thiện một trang web thương mại điện tử chỉ trong vài ngày với một chi phí không quá lớn, chỉ từ vài triệu đồng, tuỳ theo nhu cầu. Sau đó bạn cần trả chi phí duy trì hàng tháng từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng. Tôi cho rằng với một cá nhân hoặc một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nghiêm túc thì chi phí này không phải là cao.

Có nhiều người nói rằng sử dụng các hệ thống web nhanh thì không thể tối ưu được, không thể phát triển lớn mạnh được. Điều đó không hoàn toan đúng. Như đã nói ở trên, hầu hết nhà bán hàng tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, doanh thu chỉ từ vài tỉ đồng tới vài chục tỉ đồng mỗi năm. Giả sử giá trị trung bình mỗi đơn hàng là 200.000 đồng thì mỗi năm cũng chỉ có vài chục nghìn đơn hàng, tức là mỗi ngày chỉ có vài chục tới vài trăm đơn hàng. Giả sử tỉ lệ chuyển đổi là 1% thì mỗi ngày cũng chỉ có khoảng vài nghìn tới vài chục nghìn lượt truy cập. Với quy mô như vậy hoàn toàn có thể sử dụng các hệ thống tạo web nhanh như tôi đã nhắc tới ở trên mà vẫn có thể đạt được kết quả kinh doanh rất tốt.

Khi kinh doanh ở quy mô lớn hơn và nhu cầu tuỳ chỉnh cao hơn thì bạn có thể đầu tư nhiều tiền hơn để thiết kế website theo nhu cầu của mình.

* Theo anh, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một website riêng là gì?

Theo tôi, lượt truy cập (traffic) là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của website riêng và cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết với hầu hết nhà bán hàng.

Bạn có thể dễ dàng tạo một trang web bằng các công cụ tạo web nhanh như tôi đã nhắc tới ở phần trước, sau đó đăng tải sản phẩm lên website cũng hoàn toàn dễ dàng. Nhưng nếu không có lượt truy cập, tức là không có người vào xem thì bạn cũng không thể bán được hàng.

Tất nhiên bên cạnh lượt truy cập thì còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh như: phí vận chuyển, giá hàng hoá, trải nghiệm người dùng, tối ưu chuyển đổi, chính sách bán hàng, uy tín thương hiệu, vv… nhưng quan trọng nhất theo tôi vẫn phải có lượt truy cập. Nếu không có lượt truy cập thì bạn sẽ không có gì để làm.

* Vậy làm cách nào để tăng lượt truy cập, thưa anh?

Như tôi đã nói ở trên, việc tăng lượt truy cập chất lượng cho website là một vấn đề lớn và không dễ giải quyết. Rất nhiều nhà bán hàng sau khi lập website đã phải từ bỏ vì không có lượt truy cập, dẫn tới không bán được hàng.

Nhưng nói vậy không phải là không có cách. Trong phạm vi chia sẻ ngắn gọn, tôi xin chia sẻ ba nhóm giải pháp lớn để tăng lượt truy cập.

Thứ nhất là từ Quảng cáo.

Quảng cáo là một trong những cách nhanh nhất để có lượt truy cập. Thường để tăng lượt truy cập cho website người ta sẽ dùng Google Adwords. Đây là nền tảng quảng cáo của Google, tương đối dễ triển khai, ngân sách cũng không phải là quá lớn. Ngoài ra, bạn có thể quảng cáo thu hút lượt truy cập từ các mạng xã hội: Facebook, TikTok, Instagram, vv…

Trên các cộng đồng dành cho nhà bán hàng, rất nhiều người than vãn rằng chi phí quảng cáo cho website quá tốn kém và không hiệu quả. Vậy nên họ không bán hàng trên website. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là ý kiến của những người chưa có hiểu biết sâu về phương pháp kinh doanh trên website.

Nếu kinh doanh trên website không có hiệu quả thì đã không có một LadiPage phát triển rực rỡ của cố CEO Bình Nguyễn. Đã không có những startup đình đám chỉ kinh doanh online như Coolmate. Và những nền tảng tạo web như WordPress, Shopify, Sapo, Haravan, vv… cũng không thể có hàng trăm nghìn người dùng như hiện nay.

Vậy nên, nếu bạn biết cách lựa chọn sản phẩm, biết cách tối ưu chuyển đổi và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt thì bạn sẽ gặt hái được thành quả từ website.

Thứ hai là từ làm SEO (Search Engine Optimization).

SEO là giải pháp tăng lượt truy cập bền vững và miễn phí. Trên các cộng đồng SEO bạn dễ dàng bắt gặp các bài đăng chia sẽ rằng làm SEO rất khó và tốn thời gian, hoặc những lời chào mời thuê dịch vụ SEO với chi phí từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.

  • Thực tế, nếu bạn hiểu về SEO thì bạn sẽ thấy làm SEO không quá khó và tốn nhiều chi phí như vậy.

    Trong phạm vi cuộc trò chuyện ngắn ngủi và chủ đề rộng như thế này tôi không thể chia sẻ kĩ hơn về SEO. Bản thân tôi cũng không phải là một chuyên gia về SEO nhưng hiện tại website của công ty tôi có thứ hạng rất cao trong ngành Mẹ & Bé. Tôi có một vài gợi ý ngắn gọn cho bạn như sau:

    Hãy tập trung vào xây dựng uy tín thương hiệu; tăng độ tin cậy của website; và quan trọng nhất là nội dung website. Hãy làm nội dung website độc đáo, nguyên bản và có giá trị với người dùng. Khi bạn làm mọi thứ tốt nhất hướng tới người dùng, Google sẽ không bỏ quên bạn.

    Tuyệt đối tránh xa các thủ thuật SEO gian lận nhằm vượt qua các khâu kiểm duyệt tự động của Google. Có thể bạn qua mặt Google được một lần nhưng chắc chắn không thể làm vậy mãi mãi. Mỗi năm Google có vài đợt cập nhật lớn, qua mỗi đợt như vậy có thể bạn sẽ phải trả giá nếu như bạn tìm cách lách luật.

    Hãy tận dụng mọi phương pháp miễn phí trước khi nghĩ tới trả phí để tối ưu chi phí nhất có thể.

    Thứ ba là Mạng xã hội.

    Mạng xã hội là một nguồn tài nguyên vô tận để mang về lượt truy cập cho website. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội để chia sẻ liên kết trang web; bạn có thể xây dựng cộng đồng để chuyển hướng sang website; vv…

    Theo những chia sẻ của anh, để kinh doanh thành công trên website cần rất nhiều kiến thức, việc triển khai cũng cần có thời gian và chi phí đầu tư ban đầu cao hơn các kênh bán hàng khác. Vậy anh có lời khuyên nào dành cho các nhà bán hàng ít nguồn lực nhưng đang có mong muốn kinh doanh trên website không?

    Đúng là để đạt được thành quả với website thương mại điện tử đòi hỏi nhiều kiến thức rất nặng. Nếu bạn không có hiểu biết bao quát toàn bộ các khía cạnh của nó thì bạn không thể triển khai được, hoặc có triển khai được cũng tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.

    Tôi không muốn đưa ra lời khuyên vì mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và năng lực triển khai khác nhau. Nhưng nếu bắt buộc phải trả lời câu hỏi này thì tôi có vài gợi ý như sau:

    Lựa chọn sản phẩm ngách. Làm từng ngách nhỏ rồi mở rộng dần.

    Xây dựng thương hiệu và uy tín cho website.

    Vận hành tinh gọn nhất có thể.

    Quản lý tài chính chặt chẽ.

    Chú trọng làm SEO để giảm chi phí quảng cáo.

    * Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ.


    (0) Bình luận
    Shopee áp đảo 3/4 thị phần TMĐT, khi sàn đồng loạt tăng nhiều loại phí, lối đi nào cho nhà bán hàng vừa và nhỏ?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO